Bệnh ung thư phổi rất nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn, giúp tăng được thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Dịch vụ tầm soát ung thư hiện nay đang dần trở nên phổ biến. Đối với bệnh ung thư, giai đoạn phát hiện bệnh là yếu tố quyết định đến khả năng chữa trị. Phát hiện bệnh sớm đồng nghĩa với tăng cơ hội được chữa trị thành công.
Theo Globocan năm 2018, trên thế giới số ca ung thư phổi mắc mới là 2,094 triệu trong đó có 1,8 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam số ca mới mắc là 23.667 ca với 20.710 ca tử vong). Có tới 70% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn và thời gian sống thêm không nhiều. Do đó tầm soát ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng giúp giảm chi phí điều trị, kéo dài thời gian sống và giảm thiểu tỷ lệ tử vong của bệnh.
Theo bác sĩ Lê Thu Trang, Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai, việc tầm soát ung thư phổi nên được tiến hành ở những người có nguy cơ cao bị ung thư phổi (như người hút thuốc lâu năm) mặc dù những người đó chưa có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh ung thư phổi.
Dưới đây là những lưu ý về căn bệnh nguy hiểm này mà bác sĩ Trang khuyến cáo mọi người đều nên tìm hiểu để tự bảo vệ sức khỏe:
1. Ung thư phổi là gì?
Bệnh ung thư phổi xuất phát từ những tế bào đột biến trong đường dẫn khí và trong mô phổi. Những tế bào này có tốc độ phát triển tương đối nhanh cho nên hướng điều trị bệnh phụ thuộc nhiều vào đặc tính của tế bào cũng như tốc độ di căn của bệnh.
Ung thư phổi được chia làm hai loại là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ:
– Ung thư phổi tế bào nhỏ: là loại có tốc độ phát triển của tế bào cũng như tốc độ di căn nhanh vào máu và các cơ quan khác trong cơ thể. Thông thường, khi được phát hiện, bệnh nhân mắc phải loại ung thư này đều đã bước vào giai đoạn nặng của bệnh.
– Ung thư phổi không tế bào nhỏ: có tốc độ phát triển của tế bào và di căn chậm hơn so với ung thư phổi tế bào nhỏ. Vì vậy, nếu được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, bệnh nhân có hi vọng sống cao hơn.
2. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư phổi
– Thuốc lá và khói thuốc lá: Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi . Tại các nước phát triển, 90% ca tử vong ở nam giới do ung thư phổi có nguyên nhân từ khói thuốc lá và con số này là 70% ở phụ nữ.
– Ô nhiễm không khí, khói bụi: 1-2% số trường hợp mắc ung thư phổi xuất phát từ ô nhiễm không khí do tiếp xúc nhiều với không khí độc hại.
– Do gen di truyền: Khoảng 8% số ca ung thư phổi có nguyên nhân tới từ các yếu tố di truyền. Do khả năng kết hợp gen, một người có quan hệ họ hàng với người bị ung thư phổi thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên 2,4 lần
– Nguyên nhân khác như môi trường làm việc, tính chất công việc tiếp xúc nhiều với các chất hóa học, bụi bẩn…
3. Những đối tượng nào nên tầm soát ung thư phổi?
Cứ 10 người mắc bệnh ung thư phổi thì sau 5 năm chỉ 1-2 người còn sống. Việc chẩn đoán bệnh giai đoạn sớm cho thấy hiệu quả điều trị rất khác biệt. Bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn, giúp tăng được thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Tầm soát ung thư phổi thường được dành cho những người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất, bao gồm:
– Nhóm 1: Nhóm người lớn tuổi hút thuốc lá bao gồm những người trên 55 tuổi đang hoặc đã từng hút thuốc
– Nhóm 2: Nhóm người hút thuốc lá rất nhiều, là những người hút thuốc lá trên 30 bao năm và thời gian ngừng thuốc lá nhỏ hơn 15 năm.
– Nhóm 3: Nhóm những người có nguy cơ hút thuốc lá thụ động hoặc tiếp xúc với amiăng tại nơi làm việc. Đó là nhóm những người sống thân cận với những người hút thuốc lá lâu năm.
Những người làm việc trong môi trường độc hại, thường xuyên tiếp xúc với amiăng tại nơi làm việc.
– Nhóm 4: Nhóm người có tiền sử bệnh, hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư phổi.
Những người có tiền sử bị bệnh ung thư phổi các đây hơn 5 năm cần cân nhắc việc tiến hành tầm soát ung thư phổi.
Những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
– Nhóm 5: Nhóm những người khỏe mạnh có các triệu chứng của ung thư phổi
Nếu các bạn có các triệu chứng sau đây thì nên đi tầm soát ung thư phổi ngay:
– Ho kéo dài, ho ra máu
– Đau tại một vùng của ngực
– Thay đổi giọng nói
– Khò khè
– Mệt mỏi thường xuyên
– Đau khi nuốt
4. Những phương pháp tầm soát ung thư phổi
Bác sĩ Lê Thu Trang giới thiệu một số biện pháp tầm soát ung thư phổi đang được sử dụng phổ biến như chẩn đoán hình ảnh qua phim chụp X-quang, chụp cắt lớp CT lồng ngực; xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư phổi; sinh thiết phổi….
Bác sĩ Trang khuyến cáo, những đối tượng có nguy cơ cao với bệnh ung thư phổi, nếu tầm soát xong không bị bệnh thì vẫn nên tiếp tục tầm soát ung thư phổi hàng năm cho tới khi bạn đạt đến thời điểm mà bạn khó có thể hưởng lợi từ việc tầm soát, chẳng hạn như khi bạn xuất hiện các bệnh lý nghiêm trọng khác có thể khiến bạn quá yếu để điều trị ung thư phổi.
Thời gian tầm soát sẽ phụ thuộc vào việc phát hiện ra các nốt trên phổi trong lần tầm soát đầu tiên, cụ thể theo bảng.
Ảnh: Bác sĩ Lê Thu Trang.