Trong cuộc đua tổng thống năm 2020, Donald Trump đã tuyên bố mình là người chiến thắng từ rất sớm trước khi đếm đủ số phiếu.
YouTube, TikTok chưa khẳng định về việc liệu có thể sẽ gỡ bỏ nội dung ăn mừng bầu cử sớm. Ảnh: New York Times. |
Trong cuộc bầu cử năm 2020, khi kết quả ở nhiều bang chiến địa quan trọng như Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin vẫn chưa ngã ngũ, ông Trump đã tự xưng là người chiến thắng. Hành động này vấp phải phản ứng từ nhiều chính trị gia và giới truyền thông, cả những người ủng hộ Đảng Cộng hòa lẫn các chuyên gia phân tích.
Trong đó có Ben Shapiro, đồng sáng lập của Daily Wire. Ông đã đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter): “Không, Trump chưa thắng cử và việc tuyên bố như vậy là vô trách nhiệm”. Nhưng trong cuộc bầu cử năm nay, các cố vấn của Trump lại tiếp tục khuyến khích ông đưa ra tuyên bố chiến thắng sớm.
Một kịch bản đã quá quen thuộc?
Theo nguồn tin thân cận, Donald Trump đã được một số cố vấn khuyên rằng ông nên sớm tuyên bố chiến thắng vào đêm bầu cử, nếu dẫn trước Kamala Harris ở các bang chiến trường quan trọng như Pennsylvania.
Guardian cho hay lần này Trump ít nói hơn về những gì ông dự định làm trong đêm bầu cử. Điều này trái ngược với sự tính toán trước đó của ông trong cuộc bầu cử năm 2020, khi ông nói với bạn bè và đồng minh về ý định sẽ tuyên bố chiến thắng bất kể kết quả như thế nào.
Năm nay, Fox News là bên đầu tiên tuyên bố ông Trump đã đắc cử tổng thống. Hãng tin thân đảng Cộng hòa cho rằng ông Trump đã giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, vượt qua ngưỡng 270 phiếu theo luật định và qua đó đánh bại ứng cử viên Kamala Harris.
Các hãng thông tấn khác như AP, CNBC đưa tin Trump “cận kề chiến thắng” sau khi giành chiến thắng tại Pennsylvania.
Sau đó, Trump tuyên bố chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông. “Cảm ơn các bạn rất nhiều. Tôi muốn cảm ơn toàn bộ người Mỹ vì đã bầu tôi làm tổng thống thứ 45 và 47 của các bạn”, ông Trump nói với những người ủng hộ trong sự kiện tại West Palm, Florida, rạng sáng 6/11 (giờ địa phương).
Lần cuối cùng Donald Trump tự tuyên bố chiến thắng khi cuộc đua chưa ngã ngũ là trong kỳ bầu cử năm 2020. Ảnh: Washington Post. |
Nói với Wired, phát ngôn viên Michael Abboud của nền tảng X cho biết những tuyên bố chiến thắng sớm có khả năng gây hiểu nhầm, đe dọa và thậm chí ngăn cản người dân đi bầu cử có thể sẽ bị xem xét dưới “chính sách liêm chính công dân” của nền tảng này.
Abboud nhấn mạnh rằng nền tảng X có chức năng Community Notes. Tính năng này giúp người dùng báo cáo và chỉnh sửa thông tin sai lệch bằng cách chú thích, bổ sung ngữ cảnh cho các bài đăng có nguy cơ gây hiểu nhầm về kết quả bầu cử. Đây là cơ chế tự kiểm duyệt nhờ vào cộng đồng.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây từ Center for Countering Digital Hate (tạm dịch: Trung tâm chống thù ghét kỹ thuật số) cho thấy công cụ này không thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn các thông tin sai lệch về bầu cử.
Trong vài năm trở lại đây, X đã trở thành đã trở thành điểm nóng cho các thuyết âm mưu và tin giả liên quan đến bầu cử. Đặc biệt, khi nền tảng này được tỷ phú Elon Musk mua lại, “Election Integrity Community” đã xuất hiện.
Đây là một cộng đồng có tới gần 50.000 thành viên, được tài trợ bởi PAC (Political Action Committee) của Musk. Cộng đồng này tuyên bố sẽ thu thập và báo cáo bất kỳ dấu hiệu nào của “gian lận” hay bất thường trong quá trình bầu cử.
Phản ứng của các mạng xã hội
Năm 2020, Meta, tập đoàn mẹ của Facebook và Instagram, từng tuyên bố sẽ gán nhãn cảnh báo cho các bài đăng tuyên bố đắc cử sớm. Năm nay, nói với Wired, Corey Chambliss, phát ngôn viên của Meta, khẳng định công ty sẽ xóa bỏ các thông tin sai lệch liên quan đến ngày, địa điểm và thời gian bầu cử, cũng như những lời kêu gọi bạo lực liên quan đến bầu cử.
Nội dung sai sự thật về kết quả bầu cử cũng sẽ bị xóa bỏ. Tuy nhiên, Chambliss không trả lời câu hỏi liệu quy tắc này có áp dụng cho các tuyên bố của Trump hay không. Phát ngôn viên chỉ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và phản hồi theo những gì quan sát được trên nền tảng”.
Ngoài ra, Meta cũng công bố lệnh cấm quảng cáo chính trị trong tuần trước ngày bầu cử và duy trì lệnh cấm này thêm vài ngày sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc. Theo báo cáo của Axios, quy định này là nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch về kết quả bầu cử từ việc lan truyền quá sớm.
Các cố vấn kêu gọi Donald Trump tuyên bố chiến thắng sớm trong đêm bầu cử. Ảnh: Britanica. |
Với TikTok, mặc dù nền tảng này hoàn toàn cấm quảng cáo chính trị, điều này vẫn không ngăn cản các influencer đăng tải nội dung liên quan đến bầu cử, bao gồm cả nội dung được tài trợ trong mùa bầu cử này.
Khác với năm 2020, chiến dịch tranh cử của Trump hiện đã có tài khoản TikTok riêng. Đây là nơi ông có thể đăng tải các video tuyên bố chiến thắng trước khi phiếu bầu được kiểm đếm xong. Chính sách nội dung của TikTok cấm các nội dung liên quan đến bầu cử “có thể gây cản trở cho quyền bỏ phiếu, phá hoại quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình, hoặc dẫn đến bạo lực ngoài nền tảng”.
Dù vậy, khi Wired liên hệ, TikTok không đưa ra bình luận nào về việc liệu quy tắc này có áp dụng cho các video của Trump hay không.
YouTube, một nền tảng video khác thuộc sở hữu của Google, cũng có những quy định nghiêm ngặt về nội dung bầu cử. Nền tảng này cấm người dùng lan truyền các thông tin sai lệch về ngày và địa điểm bầu cử và đăng tải những nội dung đặt nghi vấn về tư cách ứng cử viên hoặc khuyến khích sự can thiệp vào các quy trình dân chủ.
“Chính sách của chúng tôi áp dụng cho mọi người và được thực thi đồng nhất, bất kể quan điểm chính trị, ngôn ngữ của nội dung, hay phương thức tạo ra nội dung đó”, YouTube khẳng định trong bài viết giải thích về chính sách.
Twitch, nền tảng phát trực tiếp thường được các game thủ ưa chuộng, đã thêm một nhãn mới, cho phép người dùng đánh dấu các luồng phát sóng thảo luận về “bầu cử, liêm chính công dân và xung đột quân sự”. Sau sự kiện bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2021, Twitch đã cấm tài khoản của Trump khỏi nền tảng.
Tuy nhiên, vào tháng 7 năm nay, tài khoản của ông đã được khôi phục ngay sau khi ông chính thức trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử 2024. Phát ngôn viên của Twitch giải thích rằng: “Chúng tôi tin rằng việc nghe trực tiếp từ các ứng cử viên tổng thống là điều có giá trị, nếu có thể. Trump hiện là ứng cử viên chính thức của Đảng Cộng hòa cho chức vụ Tổng thống Mỹ”.
Cả YouTube và Twitch đều không đưa ra bình luận nào khi được hỏi liệu họ sẽ xử lý ra sao khi Trump đăng tải các nội dung tuyên bố đắc cử sớm.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.