Giữ vị thế độc nhất trong ngành chip của Mỹ, Intel gặp khó, buộc chính phủ phải cân nhắc tới các phương án cứu trợ.
Đây là thời điểm khó khăn ở Intel. Ảnh: Quantfury. |
Từ lâu, Mỹ đã coi Intel là một tài sản quốc gia, nhất là khi nước này muốn giữ vững vị thế đi đầu trước Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Không chỉ thiết kế, Intel còn sản xuất chip tại Mỹ. Đây là điều mà không nhiều công ty bán dẫn khác trên thế giới có thể làm, Tom’s Hardware nhận định.
Vai trò khó thay thế của Intel
Dù AMD và Nvidia đều là các “ông lớn” trong ngành, Intel là công ty duy nhất của Mỹ có cả năng lực thiết kế lẫn sản xuất chip tiên tiến. Nhờ đó, Intel trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn, đồng thời giúp Mỹ tự chủ hơn trong sản xuất chip mà không cần dựa quá nhiều vào các nhà sản xuất nước ngoài như TSMC (trụ sở đặt tại Đài Loan) hay Samsung (Hàn Quốc).
Đại diện phát ngôn của Intel nói với Semafor: “Intel là công ty Mỹ duy nhất thiết kế và sản xuất những con chip hàng đầu và đang đóng một vai trò quan trọng tạo dựng một hệ sinh thái bán dẫn cạnh tranh toàn cầu ở Mỹ”.
Nếu Intel thất bại, Mỹ sẽ phải dựa vào TSMC và Samsung để sản xuất những con chip tiên tiến nhất. Mặc dù cả hai công ty này đều đã có nhà máy ở Mỹ, họ chỉ sản xuất một phần nhỏ trong tổng sản lượng.
Ngoài ra, Intel còn là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu của Mỹ. Doanh thu xuất khẩu năm 2023 vượt ngưỡng 40 tỷ USD, theo Semafor. Không chỉ quan trọng về mặt kinh tế, Intel còn đóng vai trò then chốt trong các dự án quốc phòng của Mỹ. Đơn cử như chương trình Secure Enclave của Bộ Quốc phòng nhằm phát triển các chip phục vụ an ninh quốc gia.
Chính những yếu tố này khiến chính phủ Mỹ phải cân nhắc tới các phương án cứu trợ, dù hiện tại vẫn chỉ là các cuộc thảo luận dự phòng.
Ngay cả trong nội bộ công ty Intel, bất đồng trong định hướng chiến lược cũng ngày càng rõ ràng. Ảnh: Capacity Media. |
Tuy nhiên, việc giải cứu Intel không đơn giản như cách chính phủ Mỹ từng cứu Chrysler hay General Motors vào năm 2008. Thay vì hỗ trợ tài chính trực tiếp, các nhà lập pháp Mỹ có thể khuyến khích Intel sáp nhập với các đối thủ trong ngành để củng cố sức mạnh.
Một số cái tên được đề xuất là AMD hoặc Marvell. Tuy nhiên, khả năng này vẫn đang gặp nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng chia tách Intel sẽ không mang lại lợi ích lâu dài. Trong khi đó, những người khác lại cảnh báo rằng một cuộc sáp nhập có thể gây xáo trộn cho thị trường, theo Tom’s Hardware.
Tác dụng ngược nếu sa thải nhân sự, cắt giảm chi phí
Theo Capacity Media, những trở ngại gần đây của Intel có thể được giải thích bằng sự thay đổi nhanh chóng của ngành công nghiệp bán dẫn, hay Intel chậm thích ứng trước những xu hướng mới.
Từ khi mất hợp đồng sản xuất chip cho iPhone vào tay Samsung, Intel đã tụt hậu so với các đối thủ trong mảng GPU và các sản phẩm tiêu dùng cao cấp khác. Đặc biệt, khi AI và điện toán đám mây bùng nổ, Nvidia trở thành ngôi sao sáng trong làng công nghệ, còn Intel lại dần bị lãng quên.
Ngay cả trong nội bộ công ty, bất đồng trong định hướng chiến lược cũng ngày càng rõ ràng. Lip-Bu Tan, một thành viên trong hội đồng quản trị, đã rời đi vì bất đồng quan điểm về chiến lược AI tại Intel.
Gần đây, Intel tuyên bố sẽ cắt giảm 15% nhân viên, tương đương 17.000 người, nhằm giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, động thái này đã gặp phải sự phản đối từ phía các nhà phân tích và người lao động, vì nó có thể khiến Intel mất đi những nhân tài quan trọng trong quá trình phát triển sản phẩm.
Thị trường cũng phản ứng rất tiêu cực trước thông tin này. Cổ phiếu Intel giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 50 năm – xuống dưới 20 USD/cổ phiếu.
Nhìn từ góc độ chiến lược, nhà phân tích cao cấp Alvin Nguyen tại Forrester nhận xét rằng kế hoạch cắt giảm nhân sự là “điều đúng đắn nên làm trong dài hạn”. “Chi phí nhân sự là một trong những khoản tốn kém nhất, vì vậy việc cắt giảm lực lượng lao động là cách duy nhất để giải phóng đủ vốn”, chuyên gia cho biết.
Bỏ lỡ cơ hội “ngàn vàng” với OpenAI
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo điều này có thể làm giảm khả năng phản ứng của Intel trước các thách thức mới. Ông cho rằng nếu Intel mất đi những người tài năng ở các vị trí then chốt, công ty sẽ khó duy trì lợi thế cạnh tranh trong tương lai.
Không chỉ gặp khó khăn về nguồn nhân lực, Intel còn phải bán bớt cổ phần tại một số công ty như Arm và ngừng kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất tại Đức và Ba Lan để tiết kiệm chi phí. Intel cũng đang cân nhắc bán cổ phần tại Altera, công ty chuyên sản xuất thiết bị logic có thể lập trình. Hãng đã mua lại công ty vào năm 2015 với giá 16 tỷ USD.
Các nhà lập pháp Mỹ dự tính khuyến khích Intel sáp nhập với các đối thủ trong ngành để củng cố sức mạnh. Ảnh: Shutterstock. |
Theo Capacity Media, một bước đi sai lầm khác của Intel là quyết định không đầu tư vào OpenAI vào năm 2007. Khi đó, Intel từ chối khoản đầu tư 1 tỷ USD để mua 15% cổ phần của OpenAI.
Tuy nhiên, CEO khi đó là Bob Swan cho rằng AI sẽ không thành công trong thời gian ngắn. Tức là nhà sản xuất chip sẽ không thể nhanh chóng thu hồi vốn nếu đầu tư.
Nếu Intel đầu tư, giá trị cổ phần trị giá 1 tỷ USD ban đầu của công ty tại OpenAI sẽ tăng gấp 12 lần. Cũng chính quyết định của Intel đã khiến Nvidia trở thành đối tác cung cấp chip cho OpenAI và là yếu tố góp phần giúp Nvidia đạt được giá trị vốn hóa cao nhất thế giới trong năm 2024.
Dẫu vậy, nhiều người vẫn lạc quan về tương lai của Intel. Bob Rogers, cựu nhà khoa học dữ liệu trưởng của Intel, cho rằng bộ gia tốc Gaudi AI của Intel sẽ giúp công ty cạnh tranh với Nvidia.
Gaudi AI là dòng sản phẩm được thiết kế đặc biệt cho các ứng dụng AI. Chi phí thấp hơn tới 2/3 so với các sản phẩm tương tự của Nvidia. Rogers tin rằng với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, Intel có thể sẽ tìm lại được vị thế của mình, dù phải mất thêm thời gian để “quay đầu”.
Nhân loại sẽ đối đầu với trí tuệ nhân tạo như thế nào
Trong cuốn sách “Framers – Nhân loại đối đầu nhân tạo”, các tác giả nhận định con người vẫn có lợi thế trong thời đại công nghệ.