Số tiền khổng lồ và tầm ảnh hưởng với mạng xã hội của người giàu nhất hành tinh Elon Musk đã đóng vai trò then chốt giúp ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.
Trong thời khắc tuyên bố “chiến thắng vang dội” sau khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được công bố, Donald Trump đã dành lời khen ngợi đặc biệt cho một cộng sự đặc biệt đã dùng mọi nguồn lực để đưa ông trở lại vị trí lãnh đạo đất nước.
“Một ngôi sao vừa được khai sinh: Elon”, Trump nhắc đến người ủng hộ hùng mạnh nhất của mình, trong bài phát biểu vào rạng sáng 6/11.
Nhà tài trợ thiên thần
Al Jazeera nhận định các tỷ phú đang đóng vai trò lớn hơn bao giờ hết trong cả chiến dịch tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Thậm chí sau nhiều thập kỷ đứng ngoài chính trường, tỷ phú Bill Gates, một trong những người giàu nhất thế giới, tiết lộ rằng gần đây ông quyên góp khoảng 50 triệu USD cho một tổ chức phi lợi nhuận đang hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Phó tổng thống Kamala Harris, tờ New York Times dẫn 3 nguồn tin nội bộ cho biết.
Tuy nhiên, sự ủng hộ đa chiều của Musk dành cho Trump mới thực sự tạo nên sự khác biệt. Kể từ tháng 7, CEO Tesla đã công khai ủng hộ Trump sau khi vị cựu tổng thống này may mắn thoát khỏi vụ ám sát ở bang Pennsylvania.
Vị tỷ phú cam kết sẽ góp thêm thời gian và tài nguyên cho cuộc đua của ông Trump. Nói là làm, Musk quyên góp hơn 100 triệu USD cho Pro-Republican America Pac, tổ chức các buổi họp mặt tại các bang chủ chốt như Pennsylvania và hỗ trợ 1 triệu USD/ngày cho các cử tri ký vào bản kiến nghị ủng hộ tự do ngôn luận.
Tỷ phú Elon Musk và ông Donald Trump cùng tham dự sự kiện. Ảnh: Bloomberg. |
Vào ngày bầu cử, Musk còn chủ động tổ chức phương tiện di chuyển cho cộng đồng người Amish không có khả năng tự đến các điểm bỏ phiếu.
Không chỉ góp tiền, nhờ làm chủ nền tảng X – mạng xã hội mà Musk hiện là tài khoản có số người theo dõi lớn nhất với hơn 200 triệu người – ông đã có thể khuếch đại các thông điệp ủng hộ Trump, cảnh báo về gian lận bầu cử và chỉ trích đối thủ Kamala Harris và cảnh báo về những nguy cơ nếu bà thắng cử.
Trong vòng 24 giờ ngày bầu cử, Musk đã đăng hơn 200 bài viết, thu hút gần một tỷ lượt xem, Financial Times phân tích.
Cú chuyển bất ngờ
Musk không phải lúc nào cũng là người theo chủ nghĩa MAGA (phong trào phát triển từ khẩu hiệu chiến dịch do ông Trump đặt ra: “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”).
Thậm chí, CEO Tesla ban đầu đã tỏ ra xa cách với cựu Tổng thống trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Ngay trước cuộc bầu cử khi đó, Musk đã nói với CNBC rằng ông không nghĩ Trump nên trở thành tổng thống.
“Tôi cảm thấy chắc chắn rằng ông ấy không phải là người phù hợp. Ông ấy dường như không có kiểu tính cách phản ánh tốt về nước Mỹ”, Musk nói.
Elon Musk tuyên bố sẽ ủng hộ việc bãi bỏ quy định và sẽ có ảnh hưởng đối với chính sách của Mỹ về trí tuệ nhân tạo, thám hiểm không gian và xe điện. Ảnh: Sky News. |
Trong khi đó, vị tỷ phú này nói thêm rằng chính sách kinh tế và môi trường của đối thủ khi ấy của ông Trump, bà Hillary Clinton là “đúng đắn”.
Sự chuyển hướng công khai của Musk bắt đầu trong đại dịch Covid-19, khi ông bất chấp các cơ quan quản lý của California, với sự ủng hộ từ ông Trump, mở lại nhà máy sản xuất Tesla tại bang này.
Đến tháng 7, ngay sau vụ nổ súng ám sát bất thành nhắm vào cựu Tổng thống Donald Trump ở Pennsylvania, Elon Musk chính thức khẳng định “hoàn toàn ủng hộ Trump”.
“Tôi hoàn toàn tán thành Tổng thống Trump và hy vọng ông ấy sẽ nhanh chóng hồi phục”, Musk viết trên X.
Theo Al Jazeera, một trong những việc quan trọng nhất mà Elon Musk cùng Trump đã làm đó là khai thác được cảm giác thất vọng lan rộng của nam giới ở Mỹ, một phần bắt nguồn từ phong trào #MeToo và phản ứng dữ dội của nữ quyền đối với chủ nghĩa nam tính độc hại.
Đây vốn là nhóm có ít khả năng bỏ phiếu nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống. Các chiến dịch và nhà thăm dò dư luận thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhóm cử tri này vì họ thường không mấy tin tưởng vào các thể chế hoặc quan tâm đến chính trị.
Trong cuộc bầu cử này, ông Trump đã nỗ lực lôi kéo các nam giới Gen Z, đặc biệt là những người da trắng, da đen và gốc Latinh không có bằng đại học, bằng cách tham gia các podcast và các kênh mà họ theo dõi, xuất hiện trên những chương trình nơi ông thể hiện sự tự tin và phớt lờ các chuẩn mực văn hóa.
Viết trên New York Times, John Della Volpe, giám đốc thăm dò ý kiến tại Viện Chính trị Trường Harvard Kennedy, cũng gọi trò chơi giành phiếu bầu cử tri nam thanh niên của Trump và Elon Musk là “lớp học bậc thầy”.
Để dẫn chứng cho điều này, một cuộc thăm dò gần đây của Harvard Youth Poll tiết lộ có đến 35% nam giới từ 18-24 tuổi được hỏi đã lên tiếng ủng hộ Trump, tăng 5% so với cuộc khảo sát năm 2020.
Ông Trump đã tham gia nhiều sự kiện để tiếp cận cử tri nam trẻ tuổi. Chiến lược này phát huy hiệu quả rực rỡ khi mang về cho ông thêm phiếu bầu. Ảnh: New York Times. |
Trong 2 cuộc khảo sát do New York Times và Siena College thực hiện gần đây, sự khác biệt giữa 2 giới ở thanh niên Mỹ rất rõ rệt.
Phụ nữ trẻ ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris hơn 42 điểm phần trăm, trong khi nam giới trẻ ủng hộ ông Trump nhiều hơn 12 điểm.
Ông Trump và Elon Musk đã đặt cược vào điều này để khơi dậy một làn sóng nam giới trẻ tuổi đi bỏ phiếu vào ngày bầu cử.
Cuối cùng cả hai đã thành công, một kỳ tích bất ngờ hơn cả chiến thắng mà ông Trump từng đạt được vào năm 2016, khi thuyết phục một lượng lớn cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động lần đầu tiên bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.
Elon Musk khi thiết kế Cybertruck: ‘Đừng trái ý tôi!’
Trong cuốn Tiểu sử Elon Musk, tác giả Walter Isaacson đưa người đọc đến những câu chuyện đằng sau vị tỷ phú phức tạp, như cách ông cùng lúc điều hành loạt doanh nghiệp Tesla, SpaceX và Twitter. Nguồn cảm hứng để thiết kế ra chiếc xe Cybertruck cũng được nhắc đến. Việc Elon Musk kiên định với thiết kế lạ lùng của mẫu xe bán tải, thậm chí đến mức cực đoan, cho thấy tính cách của vị tỷ phú.
Ai hưởng lợi khi ông Trump đắc cử?Một nhiệm kỳ tổng thống nữa của Donald Trump là tin tốt cho giới tiền số và Elon Musk, nhưng không phải công ty công nghệ lớn nào cũng được hưởng lợi từ cách tiếp cận này. |