TTO – ‘Đại học khởi nghiệp’ sẽ là thế hệ thứ ba, phát triển từ hai thế hệ đại học chỉ thuần giảng dạy hay nghiên cứu hàn lâm. Tham gia hoạt động khởi nghiệp của nhà trường, các doanh nghiệp đang đào tạo những doanh nhân tiềm năng cho công ty mình.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM – Ảnh: TRỌNG NHÂN
Ngày 4-11, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo chủ đề “Đại học khởi nghiệp, mô hình và giải pháp”.
TS Đỗ Xuân Hồng – giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, Đại học Nông lâm TP.HCM – cho rằng “đại học khởi nghiệp” sẽ là đại học “thế hệ thứ ba” sau đại học chỉ chuyên cung cấp kiến thức (thế hệ thứ nhất) và đại học chuyên nghiên cứu thiên về hàn lâm (thế hệ thứ hai).
Để làm được điều này, TS Đỗ Xuân Hồng cho rằng các trường đại học cần xây dựng được chuỗi các hoạt động mang tính hệ thống có khả năng dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu hướng tới thương mại hóa.
Các hợp phần chính trong chuỗi hoạt động này sẽ bao gồm: giới thiệu các nghiên cứu sáng tạo, cấp bằng sáng chế và giấy phép công nghệ, khởi nghiệp, ươm tạo và hình thành các công ty khởi nghiệp.
Hiện tại, đặc trưng mang tính nền tảng của mô hình đại học khởi nghiệp là trình độ nghiên cứu tốt của các khoa chuyên môn, phòng thí nghiệm, và các viện, trung tâm nghiên cứu. Điều còn thiếu, theo TS Đỗ Xuân Hồng, nằm ở khâu thương mại hóa các phát minh, sáng chế.
Quá trình này có thể được hỗ trợ, xúc tiến bởi các văn phòng chuyển giao công nghệ hoặc các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ. Kết quả nghiên cứu có thể được thương mại hóa trực tiếp thông qua chuyển giao hoặc gián tiếp thông qua doanh nghiệp spin-offs hoặc startups.
Cuộc thi khởi nghiệp CiC – một trong những hoạt động nằm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia TP.HCM – Ảnh: TRỌNG NHÂN
PGS.TS Bùi Quang Tuấn – viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – gợi ý các trường đại học có thể phát triển một loạt các khóa học về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đội ngũ giảng viên và sinh viên.
Bên cạnh đó, các đại học có thể cung cấp hoạt động ngoại khóa nhằm tạo cơ hội khám phá chuyên sâu hơn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên, chẳng hạn thông qua các câu lạc bộ, các cuộc thi…
Ông Đặng Đức Thành – CEO của Công ty Green Plus – cho rằng bên cạnh là bên “đặt hàng”, phía doanh nghiệp sẽ có thể tham gia quá trình hình thành đại học khởi nghiệp với vai trò “mentor” (cố vấn) cho các bộ phận trong trường, các trung tâm và các câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên. Doanh nghiệp cũng có thể là bên tổ chức thúc đẩy kinh doanh, gọi vốn đầu tư.
Theo ông Đặng Đức Thành, đôi khi việc đầu tư ở đây không hẳn đòi hỏi các ý tưởng luôn thành công trên thương trường. Thay vào đó, tham gia vào hoạt động khởi nghiệp của nhà trường, các doanh nghiệp đang đào tạo những doanh nhân tiềm năng cho công ty của mình.