Vừa rồi tôi có gặp hai bạn phụ trách dự án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của một tổ chức tài chính quốc tế. Dự án triển khai cách nay bốn năm gồm ba hoạt động chính: đào tạo, kết nối giao thương và cho vay vốn thông qua năm ngân hàng trong nước.
Kết quả: đa số những người tham gia dự án chỉ để vay vốn và không tham gia nhiều các hoạt động còn lại. Đây là một ví dụ cho thấy nhu cầu về vay vốn để kinh doanh hiện rất lớn.
Với đa số doanh nhân trẻ, chủ yếu là khởi nghiệp (start-up) hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi cần huy động vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh thì rất ít người có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, thậm chí đó không được xem là một lựa chọn khả thi.
Vì vậy tôi thường xuyên nhận được các lời đề nghị hỗ trợ kiểu “anh kiếm giùm em nhà đầu tư hay quỹ đầu tư”. Và khi thiếu hụt về vốn lưu động, tín dụng đen là nơi nhiều doanh nhân tìm đến.
Theo một báo cáo của Funding Societies, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cần vay khoảng 58 tỉ USD nhưng không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do gặp trở ngại trong thủ tục, quy trình.
Sự thiếu hụt nguồn vốn này đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, cũng như là mảnh đất màu mỡ của cho vay nặng lãi, tín dụng đen.
Trong nền kinh tế phát triển, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tín dụng ngân hàng là yếu tố quan trọng để vận hành việc kinh doanh hằng ngày cũng như mở rộng quy mô, tăng trưởng.
Tuy nhiên tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, chủ yếu do thủ tục, tài sản thế chấp nên tỉ lệ vốn vay ngân hàng chiếm tỉ lệ rất thấp.
Tất nhiên nguồn đảm bảo của các doanh nghiệp này là một vấn đề, song vướng mắc về thủ tục pháp lý không phải là nhỏ.
Trong một số liệu công bố mới đây, thủ tục pháp lý chiếm tới 70% các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản. Đó là với các “ông lớn”, huống gì là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có lẽ khó khăn càng gấp bội.
Thiết nghĩ các ngân hàng cần có các sản phẩm, dịch vụ riêng cho nhóm khách hàng vừa và nhỏ, cũng như đơn giản hóa các thủ tục hiện đang rườm rà phức tạp.
Đồng thời doanh nghiệp cũng phải minh bạch về tài chính, có phương án kinh doanh hiệu quả và sẵn sàng chia sẻ, giải trình với ngân hàng.
Là một doanh nhân ở TP.HCM, tôi rất buồn khi thấy chỉ số tăng trưởng của thành phố trong quý 1 vừa qua quá thấp.
Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó phải kể đến việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp. “Cục máu đông” làm nghẽn mạch này rất cần được sớm khai thông. Bởi vì nếu dòng tiền ngân hàng không được khơi thông vì vướng thủ tục, hoạt động kinh tế sẽ ảnh hưởng rất nặng.
Chúng ta đã thấy rõ qua việc siết dòng vốn với bất động sản đã ảnh hưởng đến các địa phương, trong đó có TP.HCM, như thế nào.
Một khi nguồn vốn ngân hàng được tiếp cận thông thoáng hơn nhờ tháo gỡ các vướng mắc, chắc chắn số doanh nghiệp được thành lập và hoạt động sẽ nhiều hơn, khi đó “mạch sống” mới lưu thông, hết nghẽn.
Môi trường kinh doanh sẽ nhộn nhịp hơn, đặc biệt khi có sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự khởi sắc sẽ xuất hiện thay cho u ám.