Ông Trump trở lại Nhà Trắng, thị trường tiền số ‘ăn mừng’

Sau nhiều năm khó khăn dưới chính quyền Biden, giới đầu tư tiền số hy vọng vào một giai đoạn phát triển mới, cởi trói khỏi sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý khi Trump trở lại Nhà Trắng.

t4w2tave7bazjje466w5omi2qq

Trong suốt mùa bầu cử 2024, nhiều nhân vật tiếng tăm trong lĩnh vực tiền mã hóa đã công khai ủng hộ Trump. Ảnh: Shutterstock.

Khi Donald Trump được tuyên bố tái đắc cử vào Nhà Trắng, cộng đồng tiền mã hóa Mỹ vội ăn mừng. Lời hứa “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Trump kết hợp cùng cam kết biến Mỹ thành trung tâm tiền mã hóa toàn cầu khiến nhiều người kỳ vọng ông sẽ phục hưng cho ngành công nghiệp đầy tranh cãi này.

Sự hỗ trợ từ các “đại gia” tiền mã hóa

Theo Wired, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, các lãnh đạo trong ngành công nghệ này đã kỳ vọng rất nhiều vào chiến thắng của Donald Trump. Bởi ông là ứng viên có thái độ thân thiện và ủng hộ tiền mã hóa công khai hơn so với đối thủ của mình, Kamala Harris.

Nói chuyện với Wired, Nic Carter, đối tác tại quỹ đầu tư mạo hiểm Castle Island Ventures, không giấu nổi sự nhẹ nhõm khi nghe tin Donald Trump tái đắc cử. “Cuộc bầu cử này thực sự mang tính sống còn với tiền mã hóa ở Mỹ. Chúng tôi đã phải xây dựng công ty trong tình trạng ‘bị trói một tay’”, Carter chia sẻ.

Trong suốt chiến dịch, Trump không ngừng tiếp cận các nhà đầu tư tiền mã hóa. Trong một sự kiện tháng 7 tại Tennessee, Trump đã hứa sẽ biến Mỹ trở thành cường quốc khai thác Bitcoin và dự trữ Bitcoin quốc gia. Ông cũng hứa hẹn thành lập một hội đồng cố vấn về Bitcoin nếu tái đắc cử và khẳng định sẽ biến Mỹ thành “thủ phủ tiền mã hóa của hành tinh”.

Tien so 'an mung' anh 1

Trong Hội nghị Bitcoin ở Nashville hồi tháng 7, Donald Trump nói muốn nước Mỹ trở thành “thủ đô tiền điện tử của hành tinh”. Ảnh: Doug Mills/The New York Times.

Tháng 10, ông công bố nền tảng tài chính tiền mã hóa riêng, có tên World Liberty Financial. Vị tổng thống tương lai hứa hẹn cung cấp các dịch vụ cho vay và mượn trực tiếp, dù thông tin chi tiết chưa được tiết lộ. Theo lời Peter McCormack, người dẫn chương trình podcast What Bitcoin Did, Trump là lựa chọn duy nhất cho những ai muốn “phát triển tiền tệ mạnh mẽ thông qua Bitcoin”.

“Chỉ cần chấm dứt sự thù địch đã là một điều rất tích cực, nhưng chúng tôi thậm chí còn nhận được kết quả tốt hơn: một ứng cử viên công khai ủng hộ tiền điện tử. Đêm qua không thể tốt hơn được nữa”, Nic Carter nói với Wired.

Trong khi Trump nhiệt tình với tiền mã hóa, Kamala Harris lại giữ im lặng về lĩnh vực này trong chiến dịch bầu cử. Bà chỉ nhắc đến công nghệ này một lần duy nhất khi kêu gọi ủng hộ từ các nhà tài trợ tại New York. Harris từng nói rằng “chúng tôi sẽ khuyến khích các công nghệ đổi mới như AI và tài sản số, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư”.

Đối với giới tiền mã hóa, sự im lặng của Harris lại bị hiểu như một tín hiệu tiêu cực, rằng nếu bà đắc cử, Mỹ sẽ tiếp tục đi theo đường lối quản lý gắt gao của thời kỳ Biden, theo Time.

Trong suốt mùa bầu cử 2024, nhiều nhân vật tiếng tăm trong lĩnh vực tiền mã hóa đã công khai ủng hộ Trump. Các nhà đồng sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa Gemini, Tyler và Cameron Winklevoss, đã quyên góp mỗi người một triệu USD cho chiến dịch của Trump.

Những người nổi tiếng khác trong ngành như Jesse Powell từ sàn Kraken hay bộ đôi Marc Andreessen và Ben Horowitz từ công ty đầu tư a16z cũng công khai đứng về phía Trump.

“Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời kỳ Phục hưng mới của nước Mỹ”, Tyler Winklevoss viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) ngay khi có thông tin Trump vượt qua Harris.

Theo dữ liệu từ Stand With Crypto, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy luật pháp cho tiền mã hóa tại Mỹ, có hơn 250 đại biểu thân thiện với ngành này đã được bầu vào Quốc hội trong cuộc bầu cử 2024.

Một nước Mỹ thân thiện với tiền mã hóa hơn

Một trong những vấn đề được các nhà đầu tư tiền mã hóa mong chờ nhất ở nhiệm kỳ của Trump là sự thay đổi tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Cơ quan này bị giới tiền mã hóa xem như “kẻ thù số một” của ngành, theo Time.

Chủ tịch SEC Gary Gensler đã mở nhiều vụ kiện chống lại các dự án vì vi phạm luật chứng khoán, bao gồm các vụ sụp đổ nổi tiếng như Terra Luna và FTX năm 2022. Dù nhiệm kỳ của Gensler sẽ kéo dài đến năm 2026, nhiều chuyên gia dự đoán ông có thể sẽ từ chức khi Trump chính thức nhậm chức, tạo cơ hội cho một lãnh đạo mới thân thiện hơn với tiền mã hóa.

Dưới chính quyền Trump, các nhà đầu tư hy vọng rằng nhiều sản phẩm tài chính tiền mã hóa mới sẽ được chấp thuận, bao gồm các quỹ ETF (Exchange Traded Fund) cho phép đầu tư vào tiền mã hóa mà không cần nắm giữ trực tiếp.

Hiện tại, SEC đã phải chấp thuận một số quỹ ETF Bitcoin sau khi một thẩm phán ra phán quyết bắt buộc. Một SEC thân thiện hơn có thể sẽ mở rộng thêm các ETF dựa trên các đồng tiền mã hóa khác như Solana hay XRP, Time nhận định.

Tien so 'an mung' anh 2

Hồi tháng 9, Donald Trump chiêu đãi những người ủng hộ tiền số món bánh mì kẹp thịt tại một quán bar ở New York và thanh toán bằng Bitcoin. Ảnh: New York Times.

Bên cạnh đó, mối quan hệ thân thiết giữa Trump và Elon Musk càng làm tăng kỳ vọng về sự phát triển vượt bậc của các đồng tiền như Dogecoin. Trong đêm bầu cử, Dogecoin đã tăng đến 25%, đạt 21 xu.

Tuy cộng đồng tiền mã hóa vui mừng trước chiến thắng của Trump, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển này không phải không có rủi ro. Thị trường này vốn nhạy cảm với những sự kiện toàn cầu như căng thẳng Nga – Ukraine, cũng như các xu hướng kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, các dự án tiền mã hóa như FTX cũng từng khiến giá trị toàn ngành sụt giảm mạnh mẽ. Nhiều nhà phê bình lo ngại rằng việc cho phép nhiều người Mỹ tiếp cận tiền mã hóa sẽ gia tăng tính biến động và rủi ro cho hệ thống tài chính quốc gia.

Tim Kravchunovsky, CEO của mạng viễn thông phi tập trung Chirp, cho rằng cần phải thực tế hơn khi nói về tương lai của tiền mã hóa trong nhiệm kỳ mới của Trump.

“Nếu Trump không nhanh chóng thực hiện những lời hứa của mình, sự phấn khích có thể chuyển thành thất vọng và thị trường tiền mã hóa có thể sẽ biến động. Chúng ta phải chuẩn bị cho điều đó bởi tiền mã hóa không phải là vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Trump hiện nay”, ông cảnh báo.

Tuy vậy, phần lớn những người ủng hộ tiền mã hóa vẫn tin rằng những thay đổi tích cực đang đến. Kristin Smith, CEO của Hiệp hội Blockchain tại Washington D.C., khẳng định: “Tôi không nghĩ chúng ta sẽ thấy sự thù địch từ chính phủ, đặc biệt là từ các thành viên Quốc hội, như những gì chúng ta đã trải qua trước đây. Đây là một tín hiệu rất tích cực cho toàn bộ hệ sinh thái tiền mã hóa”.

Để blockchain không bị hiểu nhầm

Blockchain vẫn là lĩnh vực rất mới mẻ, dù mang đến tiềm năng thay đổi nhiều ngành công nghiệp. Phần lớn người quan sát nghĩ rằng blockchain gắn với tiền mã hóa cùng hàng loạt bê bối trong thị trường này, nhưng thực chất công nghệ chuỗi khối rộng hơn nhiều.

Mục Công nghệ giới thiệu những bài viết, cuốn sách hay nhất về blockchain để độc giả tìm hiểu thêm về công nghệ được đánh giá cao hiện nay.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin