Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó trong việc cơ cấu nợ và áp lực trái phiếu đáo hạn từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, nhà đầu tư đang chịu thiệt đơn thiệt kép vì không được trả lãi và gốc nhiều năm nay.
Nhà đầu tư khốn khổ đòi tiền
Anh Nguyễn Nghị (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm 2022, doanh nghiệp anh mua trái phiếu xin gia hạn 1 năm đến tháng 12/2023 nhưng những cam kết trả lãi và một phần gốc trong biên bản gia hạn không được chủ đầu tư thực hiện. Anh Nghị nhiều lần liên hệ trực tiếp cũng không được trả lời. Cuối năm 2023, doanh nghiệp vẫn tiếp tục phát thông báo xin gia hạn. Tuy nhiên, anh Nghị không ký tiếp và đến thời điểm hiện tại cũng không có dấu hiệu doanh nghiệp có khả năng trả tiền trái phiếu.
“Tôi mua 3 tỷ đồng tiền trái phiếu bằng tiền bán nhà và vay mượn thêm của bố mẹ vợ. Giờ vợ chồng chúng tôi lục đục với nhau vì đầu tư trái phiếu mà không không có tiền mua nhà nên phải ở thuê. Thậm chí chúng tôi còn không dám về quê gặp bố mẹ vợ. Bất chấp việc nhà đầu tư có ký hay không ký gia hạn, chủ đầu tư đều thất hứa không trả một đồng tiền lãi hay gốc nào”, anh Nghị nói.
Anh Nghị là một trong hàng trăm nhà đầu tư mua trái phiếu gặp phải tình cảnh khóc dở mếu dở vì không đòi được tiền. Nhiều nhà đầu tư trái phiếu tập hợp nhau lại, nhiều lần căng băng rôn đến trước trụ sở của công ty này tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đòi nợ. Tuy nhiên, ngoài việc thuyết phục nhà đầu tư đồng ý gia hạn trả nợ và lãi , chủ đầu tư cũng không có động thái gì tiếp theo.
Được biết, năm 2022 khi doanh nghiệp này gặp khủng hoảng về “bom nợ” trái phiếu đã giảm nợ bằng cách hoán đổi bằng các dự án bất động sản cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, số nợ trái phiếu quá lớn và việc gán nợ bằng bất động sản chỉ giải quyết được một phần nhỏ.
Chị Bích Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) mua 2 tỷ đồng lô trái phiếu SVNCH2124001 của Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản S – Việt Nam chia sẻ: “Do lãi suất trái phiếu 11,5%/năm cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm nên tôi cắm sổ đỏ vay ngân hàng lấy tiền đầu tư trái phiếu. Giờ tiền lãi vay trả ngân hàng 13%/năm nhưng doanh nghiệp ngừng trả lãi 1 năm nay khiến gia đình tôi điêu đứng. Doanh nghiệp chỉ giải thích chung chung do khó khăn về dòng tiền nên mong khách hàng thông cảm, nhưng ai sẽ gánh chịu số lãi mà tôi đang phải trả”.
Anh Minh Đức (ở Long Biên, Hà Nội) đầu tư 700 triệu đồng vào lô trái phiếu DVRCH2124001 cho hay: “Giờ tôi chỉ mong lấy lại được gốc chứ không cần lãi như cam kết của doanh nghiệp. Lô trái phiếu của tôi đáo hạn ngày 1/10/2024 nhưng doanh nghiệp chưa có tiền thanh toán cả gốc lẫn lãi”.
Chị Nguyễn Lam – một nhà đầu tư chuyên nghiệp trái phiếu – cho biết: “Trước đây tôi từng khổ sở đầu tư hơn 2 tỷ đồng trái phiếu Tân Hoàng Minh và hơn 2 năm mới lấy lại hết số tiền gốc, tiền lãi theo cam kết 12%/năm coi như mất vì đến giờ doanh nghiệp không nói gì đến phần này”.
Chị Lam cho hay, từ bài học trái phiếu Tân Hoàng Minh , chị rút ra kinh nghiệm sâu sắc trong đầu tư. “Tôi giờ ám ảnh những con số lãi cao như 12%/năm bởi doanh nghiệp nào đưa ra lãi suất cao đều rất cần vốn và nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro. Hiện, tôi chỉ dám đầu tư trái phiếu vào doanh nghiệp uy tín, có tài sản đảm bảo, lãi cao hơn tiết kiệm từ 1-2%/năm”, chị Lam nói.
Áp lực trả nợ của doanh nghiệp
Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty CP xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) trong tháng 10 năm nay, nhóm bất động sản nhà ở chiếm 60% tổng lượng trái phiếu chậm trả .
Trong số 42 trái phiếu đáo hạn trong tháng 11, VIS Rating đánh giá có 14 trái phiếu nguy cơ chậm trả nợ gốc. Hầu hết những trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó. 33% số trái phiếu đáo hạn tháng 11 năm nay có nguy cơ chậm trả gốc, cao hơn so với tỷ lệ 10,5% trái phiếu chậm trả nợ gốc trong 10 tháng đầu năm 2024.
Trong vòng 12 tháng tới, có khoảng 109.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm ngành bất động sản, chiếm gần một nửa tổng giá trị trái phiếu đáo hạn. Trong số này, ước tính có khoảng 30.000 tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc.
Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Diên Vĩ chậm trả gốc và lãi lô trái phiếu DVRCH2124001 có giá trị phát hành 300 tỷ đồng, đáo hạn ngày 1/10/2024. Công ty chậm trả lãi lô trái phiếu này kể từ tháng 11/2023 đến nay.
Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản S – Việt Nam phát hành lô trái phiếu SVNCH2124001 trị giá 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm vào tháng 10/2021. Ngày 8/10/2024 vừa qua, công ty công bố chậm trả tiền lãi gần 158 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát lần thứ hai liên tiếp gia hạn lô trái phiếu phát hành năm 2021 với tổng mệnh giá 250 tỷ đồng. Được biết, trước đó trong năm 2024, Đầu tư Hải Phát đã một lần điều chỉnh thời gian đáo hạn thêm 12 tháng đối với trái phiếu mã HPXH2123008 từ ngày 28/10/2023 sang 28/10/2024…
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, trong 3 năm trở lại đây, việc huy động qua thị trường trái phiếu đang gặp khó khăn khi nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ hoặc sử dụng nguồn tiền từ phát hành sai mục đích. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình huy động nguồn vốn mới để đáo hạn cho các lô trái phiếu hiện tại.
Với bất động sản, tình hình có phần tiêu cực hơn khi hầu hết các doanh nghiệp đều khó triển khai dự án trong năm nay. Điều này làm cho triển vọng kinh doanh của nhóm bất động sản xấu đi rất nhiều. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để đáo hạn.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn để thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Việc này có thể dẫn đến tình trạng một phần dòng vốn đầu tư bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán, chuyển hướng sang thị trường trái phiếu để đáp ứng nhu cầu thanh toán nợ.