AI đang thay đổi định nghĩa của người nghệ sĩ truyền thống với sự thành công liên tục tại các phiên đấu giá.
Robot Ai-Da đứng cùng những bức tranh của mình. Ảnh: Ai-Da Robot Studios. |
Bức chân dung của nhà toán học người Anh Alan Turing do một robot vận hành bằng trí tuệ nhân tạo tạo ra, vừa được bán đấu giá vào ngày 7/11 với giá gần 1,1 triệu USD. Đây là con số đáng ngạc nhiên đối với bức tranh mà người sáng tạo ra nó không phải là một nghệ sĩ theo hướng truyền thống.
Aidan Meller, sống ở ngoại ô Oxford, Anh và từng sở hữu một phòng trưng bày và cũng là người nghĩ ra ý tưởng trên. Anh đã cùng 30 người khác để hoàn thiện con robot.
Trong lần xuất hiện gần nhất, robot được diện trang phục của phụ nữ với mái tóc bob cá tính, được gọi là Ai-Da. Cái tên này nhằm tôn vinh Ada Lovelace, nhà toán học thế kỷ 19 được công nhận là lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới.
Bức tranh mô tả Alan như một vị thần của trí tuệ nhân tạo, đã được chào bán trong buổi đấu giá nghệ thuật kỹ thuật số của Sotheby’s với giá khởi điểm 120.000-180.000 USD. Bức tranh sau đó nhận được hơn 27 lần ra giá và bán cho một người mua ẩn danh từ Mỹ.
Meller cho biết toàn bộ số tiền bán bức tranh sẽ được đầu tư trở lại để nâng cấp Ai-Da. “Cô ấy được cập nhật liên tục. Hiện tại, cô ấy đã sử dụng đến cánh tay vẽ thứ ba rồi”, anh chia sẻ.
Bức tranh “Vị thần AI. Chân dung Alan Turing” do robot Ai-Da thực hiện. Ảnh: Ai-Da Robot Studios. |
Đây không phải lần đầu tiên mà tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra được mua tại một phiên đấu giá. Năm 2018, nhà đấu giá Christie’s đã bán bức tranh được tạo ra bằng thuật toán của một công ty khởi nghiệp ở Pháp với giá 432.500 USD.
Thời kỳ bùng nổ của tài sản kỹ thuật số vào năm 2021 cũng tạo cơ hội cho nghệ sĩ Refik Anadol bán được nhiều tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ máy móc do AI tạo ra, thu về hàng triệu USD.
Ban đầu, Meller yêu cầu Ai-Da tạo ra một tác phẩm cho một hội nghị về AI do Liên Hợp Quốc tổ chức trong năm nay. Robot đã đề xuất ví dụ về Alan Turing, người đã dự đoán được sức mạnh của công nghệ AI ngay từ những năm 1950.
Nhưng để hoàn thiện tác phẩm cần trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Bộ xử lý của Ai-Da đã phân tích bức ảnh chân dung thật của Alan và tạo ra 15 bức tranh riêng lẻ dựa trên các bộ phận khác nhau của gương mặt ông.
Sau đó, robot đã chọn ra ba trong số các bức tranh, cùng với các hiệu ứng, chi tiết từ bức vẽ trước đó của AI-Da về máy Bombe, thiết bị lớn mà Alan và các nhà mật mã học khác đã sử dụng để giải các mã từ máy Enigma của Đức Quốc Xã.
Ngôn ngữ của Ai-Da sẽ kết hợp các bức tranh bằng máy in kết cấu 3D sau khi chúng được chụp lại và tải lên máy tính. Các trợ lý của studio cũng trợ giúp hoàn thiện hơn tác phẩm trên vải, Ai-Da sẽ thêm vào các chi tiết cuối cùng.
Meller cho biết Ai-Da được kỳ vọng sẽ khơi dậy cuộc thảo luận về đạo đức của việc sử dụng AI và thay đổi định nghĩa về một người nghệ sĩ truyền thống. “Điều này liên quan đến việc chuyển giao quyền quyết định cho các thiết bị này”, anh chia sẻ thêm.
Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một “siêu trợ lý” thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức – Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.