Trong hai tháng trở lại đây, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng đã bật tăng mạnh mẽ lên mức cao lịch sử. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 1.100 đồng, tương đương tăng 4,4%. Riêng trong tháng 10 và 11, VND đã mất hơn 3% giá trị so với USD.
Ảnh minh hoạ
Tỷ giá USD trong nước chịu nhiều áp lực trong thời gian gần đây khi đồng bạc xanh duy trì xu hướng tăng liên tục sau khi ông Donald Trump giành chiến thằng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đồng thời đảng Cộng hòa giành được đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện cũng cho phép ông Trump dễ dàng thúc đẩy chương trình nghị sự.
Các chính sách của ông Trump về hạn chế nhập cư bất hợp pháp, ban hành thuế quan mới có thể thúc đẩy tăng trưởng và cả lạm phát, làm giảm khả năng cắt giảm lãi suất của Fed và gia tăng sức mạnh cho đồng USD.
Trong tháng 11/2024, việc cựu Tổng Thống Trump thắng cử đã đẩy chỉ số DXY lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Tại ngày 22/11, chỉ số DXY đạt mức 107,5, tăng khoảng 3,4% so với cuối tháng trước.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kỳ vọng các kế hoạch nới lỏng tài khoá và chính sách nhập cư chặt chẽ hơn của chính quyền mới, khi kết hợp với lãi suất cao giữa Mỹ và các nền kinh tế khác cùng chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Hoa Kỳ, tất cả đều tạo nên lý do mạnh mẽ cho một đợt tăng giá của đồng USD.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng đà tăng của đồng USD vẫn sẽ vấp phải một số lực cản như kỳ vọng về tác động của chính sách tại Mỹ có thể sẽ điều chỉnh khi chính quyền mới dần hé lộ cách thức tiếp cận cụ thể hơn đối với những gì Trump đã đề xuất trong chiến dịch tranh cử, phản ứng của NHTW và chính phủ các nước để ứng phó với Trump 2.0 và triển vọng kinh tế Mỹ không lạc quan như kỳ vọng.
VDSC nhận định rủi ro chính quyền Trump áp thuế quan lên Việt Nam trong năm 2025 dù có thể xảy ra nhưng hiện tại vẫn đang không nằm trong kịch bản cơ sở. Vì vậy, việc thị trường tiền tệ Việt Nam chịu ảnh hưởng từ việc chênh lệch lợi suất cao và sự dịch chuyển dòng vốn về Mỹ sẽ là chủ đề chính trong năm sau.
Mặc dù cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam liên tục mở rộng trong các năm vừa qua, tuy nhiên cán cân tài khoản vãng lai chưa bền vững do thâm hụt khu vực dịch vụ có xu hướng mở rộng và chi trả lãi, lợi nhuận đầu tư ngày càng tăng. Theo ước tính của IMF, thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2024 ước đạt 3,0% GDP, giảm so với mức 5,8% GDP trong năm 2023 và dự kiến tiếp tục thu hẹp trong năm 2025. Trong khi đó, bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024 (ước tính khoảng 8-10 tỷ USD).
“Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra. Chúng tôi cho rằng áp lực đối với điều hành tỷ giá năm 2025 ngoài việc chịu ảnh hưởng của việc đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh thì diễn biến mang tính thời điểm còn phụ thuộc nhiều vào tính mùa vụ của cung-cầu ngoại tệ”, VDSC dự báo.
Trong báo cáo mới phát hành, chứng khoán KB (KBSV) cũng cho rằng rủi ro về tỷ giá đang gia tăng do xu hướng mạnh lên của đồng USD. Những biện pháp thuế quan đối với hàng nhập khẩu và chính sách hỗ trợ tài khóa sẽ khiến rủi ro lạm phát quay trở lại và FED có thể sẽ thận trọng hơn với lộ trình cắt giảm suất, trong khi mức lợi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ tăng cao. Tất cả những yếu tố này đều sẽ củng cố đà tăng của đồng USD.
“Trong ngắn hạn, USD mạnh hơn sẽ làm tăng rủi ro giảm giá cho VND. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức thấp khoảng 87 tỷ USD (gần bằng 3 tháng nhập khẩu), điều này sẽ gây nhiều khó khăn trong việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước”, KBSV nhận định.
Tương tự, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng VND trong ngắn hạn có khả năng phải đối mặt với áp lực giảm giá lớn hơn khi ông Trump thắng cử và thực hiện các chính sách kinh tế của mình, vì những điều này chủ yếu làm tăng giá trị USD.
“Điều này sẽ khiến dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam không còn, từ đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và khả năng sinh lời của ngành ngân hàng nói riêng”, ACBS dự báo.