TS. Châu Đình Linh – Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng xung quanh đánh giá hoạt động điều hành chính sách tiền tệ 11 tháng của năm 2024.
Trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng bất định, việc NHNN thực hiện chính sách tiền tệ đa mục tiêu vừa phải cân bằng giữa các mục tiêu vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng rất khó khăn. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng hơn 11 tháng qua, NHNN điều hành rất linh hoạt các chính sách và mang lại nhiều thành quả. Đó là NHNN chủ động điều chỉnh tăng trưởng tín dụng phân bổ vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Như từ đầu năm đến nay, NHNN đã 2 lần chủ động điều chỉnh room tín dụng, nhằm kịp thời đáp ứng vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tương tự, điều hành tỷ giá chịu nhiều sức ép nhưng NHNN linh hoạt sử dụng nhiều công cụ tỷ giá trung tâm; điều chỉnh biên độ +-5% cùng với bơm hút nhịp nhàng trên thị trường mở, bán can thiệp ngoại tệ, giúp NHNN điều phối thanh khoản trên hệ thống cũng như đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho chủ thể khác nhau trong nền kinh tế. Qua đó duy trì tỷ giá ổn định.
Một điểm sáng đáng chú ý nữa trong điều hành chính sách tiền tệ đó là điều hành lãi suất. Trong bối cảnh nhiều NHTW trên thế giới thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua giảm lãi suất, một mặt NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành, mặt khác hỗ trợ các TCTD giảm chi phí vốn, có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Quyết định đi ngược chiều với chính sách tiền tệ thế giới của NHNN được đánh giá là phù hợp. Bởi, nếu NHNN giảm thêm lãi suất có thể sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. NHNN cũng liên tục kêu gọi các NHTM giảm chi phí hoạt động cũng như chi phí liên quan khác nhằm tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, dù mặt bằng lãi suất cho vay đã liên tục giảm trong thời gian qua. Mới đây, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng giữ ổn định lãi suất huy động, cố gắng giảm lãi suất cho vay cho thấy sự nhất quán, quyết tâm của NHNN hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng còn phản ứng nhanh về chính sách trong câu chuyện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm phục hồi sau cơn bão số 3 thông qua cơ cấu lại nợ, hỗ trợ theo mức độ thiệt hại của khách hàng. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém cũng đạt được kết quả nhất định khi chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng cho hai NHTM có năng lực tài chính vững mạnh…
Nhiều dự báo kinh tế thế giới sẽ ngày càng bất định hơn dưới tác động yếu tố địa chính trị, thay đổi chính sách kinh tế của các nước lớn. Vậy, những công cụ tiền tệ hiện nay của NHNN có đủ hóa giải những áp lực lên nhà điều hành chính sách?
Đối với điều hành chính sách, hiện tại các công cụ tiền tệ đang phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý. Do đó, không có lý do gì để thay đổi lớn về chính sách trong thời gian tới. Phương thức điều hành hiện tại vẫn là nền tảng vững chắc và chỉ cần chính sách linh hoạt để thích ứng những biến động từ bên ngoài.
Thời gian tới, NHNN điều hành chính sách tiền tệ ra sao để tiếp tục đạt mục tiêu kép vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế?
Tình hình kinh tế toàn cầu thời gian tới có những diễn biến khó lường và sẽ tác động đến Việt Nam. Do vậy, việc duy trì ổn định nền kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, gắn liền với chính sách tiền tệ thận trọng là cần thiết. Bởi điều hành lãi suất tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố không thể chỉ nhìn vào một biến duy nhất. Lãi suất giảm có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhưng lại có thể tác động đến lạm phát, tỷ giá… Theo đó, chính sách lãi suất cần phải được điều chỉnh một cách linh hoạt và căn cứ vào các yếu tố tác động đa biến để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn duy trì sự ổn định cho nền kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng chung thời gian tới vẫn là hỗ trợ lãi suất hợp lý để các doanh nghiệp trong nước có thể hấp thụ vốn và mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây chính là yếu tố giúp củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam.
Thời gian tới, điều hành tỷ giá sẽ được chú ý nhiều hơn và cần chuẩn bị kịch bản chủ động ứng phó để duy trì ổn định tỷ giá. Ngoài ra, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa rất quan trọng, nhất là bối cảnh dư địa đang hạn hẹp; thúc đẩy phát triển thị trường vốn để giảm sức ép cấp tín dụng cả ngắn hạn lẫn trung, dài hạn lên vai ngành Ngân hàng. Việc ngân hàng phải sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn kéo dài gây khó khăn cho hệ thống, tiềm ẩn rủi ro.
Xin cảm ơn ông!