Chủ tịch Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh bị cáo buộc dùng hơn 2 triệu USD hối lộ, tặng quà cho cựu quan chức, cán bộ, tạo điều kiện cho công ty và trục lợi cá nhân.
Từ ngày 20/11 – 5/12, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi đối với ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre) và 14 bị cáo khác liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH thương mại – vận tải – du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Công ty Xuyên Việt Oil).
Trong vụ án liên quan đến Công ty Xuyên Việt Oil, VKSND tối cao đã truy tố Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty, về hai tội danh Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo cáo trạng, Công ty Xuyên Việt Oil được Mai Thị Hồng Hạnh mua lại cổ phần vào năm 2005, khi vốn điều lệ công ty là 50 tỷ đồng. Chỉ sau 6 năm, vốn điều lệ đã tăng lên 3.000 tỷ đồng. Đến năm 2013, công ty đã phát triển mạnh với 15 chi nhánh, 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 9 công ty liên quan.
Năm 2016, Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu, đưa doanh nghiệp này lên vị thế một thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Từ đây, bà Hạnh được biết đến như “bà trùm” trong ngành này.
Kết quả điều tra cho thấy bà Hạnh và Công ty Xuyên Việt Oil đã lợi dụng việc được giao quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu để chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, từ năm 2016, bà Hạnh đã chỉ đạo nhân viên không thực hiện đúng quy định về trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Số tiền trong quỹ được chuyển từ tài khoản công ty sang tài khoản cá nhân để sử dụng vào các mục đích riêng.
Tháng 5/2023, Xuyên Việt Oil báo cáo số dư Quỹ bình ổn giá là 219 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế, tổng số dư trong ba tài khoản báo cáo chỉ còn hơn 2 triệu đồng, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước 219 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Xuyên Việt Oil còn bị cáo buộc vi phạm quy định về quản lý thuế bảo vệ môi trường. Từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, doanh nghiệp đã thu hộ 1.244 tỷ đồng tiền thuế nhưng không nộp ngân sách mà chuyển vào tài khoản cá nhân của bà Hạnh để sử dụng.
Khi cơ quan chức năng điều tra, trong tổng số 36 tài khoản (17 tài khoản cá nhân của bà Hạnh và 19 tài khoản công ty), chỉ còn hơn 4 tỷ đồng, khiến bà Hạnh không còn khả năng nộp lại số tiền thuế đã chiếm đoạt. Tổng thiệt hại ngân sách nhà nước lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.
Bà Hạnh đã sử dụng số tiền chiếm đoạt để mua bất động sản, cho vay mượn và đặc biệt là hối lộ nhiều cán bộ để “lách luật”.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2016 đến 2022, bà Hạnh đã thực hiện 22 lần chi tiền hối lộ với tổng giá trị lên đến 31,5 tỷ đồng.
Cụ thể, nhóm Hạnh hối lộ cho các bị can như Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Công Thương), Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Lộc An (đều nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước), Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) tổng hơn 1,2 triệu USD…
Mai Thị Hồng Hạnh còn bị cáo buộc biếu nhiều đồng hồ xa xỉ thương hiệu Patek Philippe cho một số quan chức. Trong đó, ông Lê Đức Thọ được biếu, tặng 4 chiếc (có chiếc trị giá khoảng 10 tỷ đồng); 1 bộ gậy golf nhãn hiệu Honma, trị giá 1,1 tỷ đồng; 1 xe sang hiệu Mercedes S450 Luxury, trị giá 6,7 tỷ đồng; đưa cho ông Thọ số tiền 200.000 USD. Ngoài ra, trong thời gian làm bí thư tỉnh Bến Tre, ông Thọ còn nhiều lần được bà Hạnh gửi tiền, quà chúc mừng sinh nhật, chúc mừng nhận chức vụ mới… Tổng số tiền quà tặng khoảng 22,1 tỷ đồng.
Theo đó, tiền tổng số tiền hối lộ và tiền quà tặng khoảng 53,6 tỷ đồng (hơn 2 triệu USD).
Cáo trạng kết luận, hành vi của bà Hạnh và các đối tượng liên quan không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước mà còn làm tổn hại đến niềm tin của xã hội đối với các cơ quan quản lý. Với các sai phạm trên, bà Mai Thị Hồng Hạnh đối mặt với nhiều tội danh nghiêm trọng, bao gồm lạm dụng quyền hạn, chiếm đoạt tài sản và hối lộ.
Hành vi hối lộ để duy trì lợi ích cá nhân và sự phát triển của công ty đã tạo ra chuỗi sai phạm, làm nổi bật những lỗ hổng trong quản lý kinh doanh xăng dầu, cần sự chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc để bảo đảm tính minh bạch và công bằng.