Câu chuyện khởi nghiệp với nhiều bạn trẻ chưa bao giờ là chủ đề thôi thời sự, nhất là trong bối cảnh làm ăn ngày càng rộng mở, thuận lợi.
Đến với buổi tọa đàm được tổ chức tại TP.HCM chiều 3-12, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Củ Chi Hà Thanh Sang nói huyện có quỹ đất nông nghiệp lớn, tiềm năng phát triển đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao… khá thuận lợi cho khởi nghiệp, lập nghiệp. Song nếu chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có như thế sẽ không dễ để start-up cất cánh.
Theo anh Sang, tổ chức Đoàn và Hội giữ vai trò quan trọng đồng hành với thanh niên khởi nghiệp.
Từ thực tế nhiều bạn trẻ huyện nhà có nhiều ý tưởng đầy tiềm năng nhưng lại thiếu kinh nghiệm, càng hạn chế trong việc vận hành, quản lý, chiến lược cũng không rõ ràng nên hầu như đều thất bại.
“Hướng dẫn quy trình, thủ tục lập dự án vay vốn, sử dụng đồng vốn hiệu quả là những điều thanh niên nông thôn rất cần”, anh Sang nói.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Nguyễn Thị Diệu Hằng nói khó khăn lớn nhất cũng là điều quan trọng nhất của một start-up chính là niềm tin. Ấy là niềm tin của khách hàng, của gia đình, và đặc biệt là niềm tin của chính “ông chủ”. Chính họ phải tin vào con đường mình đang đi.
Đồng quan điểm, anh Đoàn Văn Minh Nhựt (Bánh mì Má Hải) cho rằng niềm tin là điều quan trọng để một start-up bước vào hành trình đi đến thành công.
Nhiều bạn trẻ khi bắt đầu khởi nghiệp thường vấp phải sự phản đối, sự không hài lòng của gia đình, người thân. Nhưng thay vì nói cho họ hiểu, thuyết phục để gia đình mình tin, nhiều bạn lại chọn cách khá tiêu cực là bỏ đi, mặc kệ.
“Gia đình mới là nơi mà có nhiều người tin tưởng và ủng hộ bạn nhất. Nên nếu bạn không thể thuyết phục được họ ủng hộ, tin vào con đường bạn đam mê, lựa chọn, làm sao bạn tự tin rằng mình có thể thuyết phục hàng triệu khách hàng ngoài kia chứ”, anh Nhựt nêu ý kiến.
Khởi nghiệp chưa bao giờ chỉ có một con đường mà sẽ rất nhiều ngã rẽ. Anh Nhựt kể ổ bánh mì đầu tiên mang thương hiệu “Bánh mì Má Hai” được bán ra từ năm 2013.
Nhưng đến năm 2019, chuyện chuyển nhượng, hỗ trợ sản xuất và nhượng quyền thương hiệu mang lại hiệu quả nhìn thấy được nên “Bánh mì Má Hải” cũng bắt đầu “quay xe”.
Theo anh Nhựt, cần hiểu rằng khởi nghiệp không phải cứ khăng khăng đi một mạch hay bằng mọi giá chỉ làm theo định hướng đã đề ra. Tại những thời điểm nhất định, nếu nhìn thấy con đường mới với nhiều tín hiệu tích cực, hãy mạnh dạn rẽ lối.
Còn những góc nhìn, câu chuyện khác được chia sẻ tại tọa đàm nói trên. Đây là một trong các hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình “Hành trình thanh niên khởi nghiệp” do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Thành Đoàn TP.HCM) thực hiện.