(VNF) – Với sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng và điều kiện kinh tế xã hội, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế được đánh giá là thấp và cần được xem xét điều chỉnh phù hợp hơn
Xem xét lại chỉ tiêu xây dựng mức giảm trừ gia cảnh
Bộ Tài chính vừa trình dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Theo đó, Bộ Tài chính thừa nhận Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cải cách thuế thu nhập cá nhân và đảm bảo tính minh bạch.
Trong các nội dung đề xuất sửa đổi, vấn đề mức giảm trừ gia cảnh đang nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân. Tờ trình của Bộ Tài chính chỉ rõ hai luồng ý kiến trái chiều: một số cho rằng mức giảm trừ gia cảnh còn thấp, trong khi số khác lại cho rằng mức hiện tại đã phù hợp với mặt bằng chung về mức sống và thu nhập của người dân, đặc biệt khi nhiều lao động có thu nhập chưa đến ngưỡng phải nộp thuế.
Luật Thuế TNCN đã trải qua giai đoạn khá dài, cho đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt, thuế TNCN có đối tượng điều chỉnh rất rộng, mật độ phủ sóng lớn, do đó quyết định sửa đổi toàn diện Luật Thuế TNCN là việc cần làm, là tín hiệu đáng mừng để luật thuế này hiệu quả và đi vào đời sống thực tiễn hơn.
Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín nhận định mức giảm trừ gia cảnh hiện tại chưa phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay.
“Với sự thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng và điều kiện kinh tế xã hội, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế được đánh giá là thấp và cần được xem xét điều chỉnh phù hợp hơn”, ông Được nhấn mạnh.
Luật Thuế TNCN được xây dựng từ năm 2007 và có hiệu lực từ năm 2009. Các tiêu chí kinh tế xã hội để xác định mức giảm trừ gia cảnh đều dựa trên bối cảnh thời điểm đó. Sau này, việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh chỉ đơn thuần dựa trên tỷ lệ tăng CPI.
“Cách điều chỉnh này chưa thực sự phù hợp. Nếu tiếp tục thực hiện như vậy, luật sẽ luôn bị lỗi thời và không theo kịp với đời sống cũng như diễn biến của nền kinh tế”, ông Được phân tích.
Hiện nay, một số chuyên gia đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 16-18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo ông Được, những con số này chưa thực sự phù hợp nếu chỉ dựa trên sự thay đổi của CPI từ lần điều chỉnh gần nhất đến nay.
“Chúng ta cần xây dựng các chỉ tiêu phản ánh được tình hình kinh tế. Việc chỉ áp dụng phương pháp nhân mức 11 triệu đồng với tỷ lệ thay đổi CPI sẽ khiến luật luôn có độ trễ so với thực tiễn. Do đó, cần có cách tiếp cận mới, hướng tới tương lai để người nộp thuế luôn được hưởng lợi, chứ không phải chịu thiệt như hiện tại”, ông Được nhấn mạnh.
Về quy định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi CPI thay đổi 20%, chuyên gia này cho rằng điều này quá cứng nhắc và khó thực thi. Thực tế cho thấy phải mất 5-7 năm CPI mới đạt mức thay đổi 20%, khiến người nộp thuế phải chờ đợi quá lâu, trong khi thủ tục điều chỉnh cũng mất nhiều thời gian.
Ông Được kiến nghị nên hạ ngưỡng điều chỉnh xuống mức 5-10% thay đổi CPI và trao quyền quyết định trực tiếp cho Chính phủ. Điều này sẽ giúp chính sách phản ứng nhanh và linh hoạt hơn với biến động kinh tế xã hội.
Có nên xây dựng mức giảm trừ gia cảnh theo vùng?
Theo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNCN (thay thế), Bộ Tài chính cho biết đã ghi nhận ý kiến cho rằng cần quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng, mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi do chi phí đắt đỏ hơn. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng phải có chính sách thuế điều tiết cao hơn đối với cá nhân ở các đô thị, thành phố lớn để hạn chế nhập cư, di dân vào các đô thị lớn…
Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được không đồng tình với đề xuất này. “Mặc dù mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh linh hoạt bởi Chính phủ, nhưng Luật cần có tính tổng quát. Không thể có luật nào đáp ứng hoàn toàn lợi ích của mọi đối tượng, quan trọng là phải tối đa hóa số người được hưởng lợi và tối thiểu hóa số người bị ảnh hưởng”, ông giải thích.
Ông Được phân tích rõ hơn rằng thuế TNCN là thuế quyết toán tổng hợp mọi nguồn thu nhập, không phân biệt địa điểm phát sinh. Một người có thể nhận lương ở thành phố, hưởng giảm trừ gia cảnh ở nông thôn và sinh sống ở địa điểm khác. Thậm chí, một số trường hợp người dân sinh sống ở nước ngoài vẫn phải nộp thuế tại Việt Nam nếu là cá nhân cư trú, hoặc người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam nhưng có thu nhập từ nước ngoài.
“Việc áp dụng mức giảm trừ khác nhau theo vùng miền sẽ gây ra nhiều phức tạp, tạo ra sự bất công, bất bình đẳng giữa các khu vực, đồng thời tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho cả cơ quan thuế lẫn người nộp thuế, dẫn đến phát sinh thêm chi phí cho xã hội”, ông Được phân tích.
Thay vào đó, chuyên gia này đề xuất sử dụng các công cụ chính sách khác để tạo công bằng. Ví dụ như đưa ra các chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng nông thôn, sử dụng nguồn thu thuế để đầu tư phát triển địa phương, hoặc các chính sách hỗ trợ khác cho khu vực nông thôn và miền núi.
“Chúng ta có thể xây dựng chính sách giảm trừ gia cảnh phù hợp cho đối tượng ở đô thị, sau đó áp dụng với khu vực nông thôn. Việc được hưởng lợi từ chính sách này chính là ưu đãi giúp vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thu hẹp khoảng cách với khu vực đô thị”, ông Được kết luận.