TTO – Chuồng trại nuôi chim cút không mùi hôi, giảm độc hại, thị trường có thêm loại phân hữu cơ từ phân chim cút – đó là kết quả tìm tòi nghiên cứu của hai sinh viên Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng.
Giang (bìa trái) và Thuận giới thiệu sản phẩm phân vi sinh từ phân chim cút tại một cuộc thi khởi nghiệp – Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Thành quả nghiên cứu của hai bạn Phan Phước Thanh Thuận (22 tuổi) và Nguyễn Châu Giang (20 tuổi) đã được người nuôi chim cút tin tưởng. Môi trường chăn nuôi giảm ô nhiễm mùi khó chịu của loại phân này. Trên thị trường có thêm loại phân hữu cơ rẻ, dinh dưỡng và an toàn cho cây trồng.
Giảm mùi, giảm độc
Phân vi sinh từ phân chim cút có lẽ là sản phẩm gây tò mò nhất ở các hội thi nghiên cứu khoa học tại Đà Nẵng trong năm qua. Nghiên cứu của Thuận và Giang cũng “ẵm” khá nhiều giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học, các cuộc thi khởi nghiệp khu vực và quốc gia.
Cầm gói phân vi sinh từ phân chim cút được dán nhãn mác, Phan Phước Thanh Thuận cho biết nhóm sáng chế ra hai dòng chế phẩm sinh học là BIO-MS và BIO-MS1. Trong đó, BIO-MS là chế phẩm sinh học đặc hiệu, dùng để xử lý mùi hôi chuồng trại và giảm thiểu dịch bệnh cho chim cút, từ đó hạn chế việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.
BIO-MS1 là phân hữu cơ vi sinh được tạo ra từ việc dùng BIO-MS xử lý phân chim cút. Loại phân này đã được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng II.
Thanh Thuận chia sẻ từ những ngày rong ruổi ở các miền quê Quảng Nam, Thuận và Giang thấy số lượng các hộ nuôi chim cút ngày càng nhiều. Lượng phân chim thải trực tiếp ra môi trường tăng lên gây ô nhiễm nhưng chưa có hướng xử lý triệt để mùi và các loại vi sinh có hại trong đó.
“Phân chim cút chứa nhiều vi sinh vật có thể gây nhiều bệnh về hô hấp và tiêu hóa ở người. Phải có cách để loại bỏ tác hại từ phân chim cút để tăng giá trị và lợi ích của loại phân hữu cơ này” – Thuận nói.
Thuận và Giang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các thầy cô trong khoa sinh – môi trường của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Cuối năm 2017 bắt tay vào việc và đến giữa năm 2018, đôi bạn đã tìm ra chủng vi sinh vật, sau đó tạo ra loại chế phẩm sinh học để xử lý mùi hôi phân chim cút, phòng trừ dịch bệnh. Và một loại phân hữu cơ vi sinh mới ra đời.
Theo Giang, chủng vi sinh vật TT01 là chủng giống vi sinh vật đầu tiên có trong các dòng chế phẩm sinh học tại Việt Nam, đã được định danh và công bố quốc tế. Chế phẩm BIO-MS là sản phẩm hoàn toàn mới, chưa có trên thị trường. Chế phẩm này được phun để xử lý phân chim cút tại chuồng, phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng miền Trung – Tây Nguyên.
“Phân chim cút sau khi được phun BIO-MS sẽ giảm mùi, giảm thiểu dịch bệnh cho chim cút, từ đó hạn chế việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi” – Giang nói.
Chỉ cần phun 10 lít BIO-MS cho 1ha diện tích chuồng trại rồi ủ phân sau 30 ngày, phân chim cút sẽ biến thành phân hữu cơ vi sinh có thể bón trực tiếp cho cây trồng. Loại phân này đã được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng II.
Hiện trên thị trường có nhiều doanh nghiệp cung cấp phân hữu cơ vi sinh, nhưng chưa doanh nghiệp nào cung cấp phân hữu cơ vi sinh từ phân chim cút. Theo khảo sát của nhóm, phân hữu cơ vi sinh từ phân chim cút rất thích hợp bón rau củ, cây cảnh, đặc biệt là các loại cây gia vị như: hồ tiêu, điều, hành, tỏi, ớt.
Thuyết phục nhà nông
Kết quả nghiên cứu đã hoàn thành và được kiểm nghiệm rồi đến hành trình nhóm bạn trẻ phải nỗ lực “năn nỉ”, xin phép các hộ nông dân dùng thử trên khu vườn của họ.
“Không phải ai cũng tin tưởng một nhóm sinh viên để đồng ý cho thử nghiệm phân vi sinh ngay trên ruộng vườn của mình. Nhiều người cũng ngại ngần trước quyết định cho phép nhóm xử lý phân ngay tại trại chim cút là nguồn thu duy nhất của họ. Chúng tôi đã kiên trì nhiều ngày lui tới thuyết phục, có lúc thấy nản chí. Nhưng rồi cũng có những nông dân đầu tiên gật đầu đồng ý” – Châu Giang nhớ lại.
Những hộ dân ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đầu tiên đồng ý thử nghiệm và đã tin tưởng hai bạn.
Ông Huỳnh Rạng (ngụ xã Điện Thắng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với trại nuôi chim cút quy mô hơn 10.000 con cho biết: “Tôi đã tin sản phẩm của các cháu. Sau khi sử dụng chế phẩm BIO-MS xử lý phân chim cút, tôi thấy phân chim phân hủy nhanh, trang trại giảm mùi hôi đáng kể. Trước đây tôi cũng đã sử dụng nhiều loại chế phẩm khác nhưng hiệu quả không bằng loại này”.
Bà Thy, một nông dân ở xã này, sau khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ phân chim cút cho cây trồng đã bất ngờ với hiệu quả của loại phân này mang lại. “Rau phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh. Từ ngày dùng phân chim cút này, tôi gần như bỏ luôn các loại phân hóa học” – bà Thy nói.
Những đánh giá tốt của bà con tiếp thêm động lực cho nhóm tiếp tục công việc. Bà con đã chấp nhận thử nghiệm, đã tin tưởng và giới thiệu thêm nhiều trang trại, hộ dân nữa tin dùng. Hiện nhóm đã đưa sản phẩm ứng dụng tại một số hợp tác xã trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam.
Mới đây, TS Đoàn Thị Vân, giảng viên khoa sinh – môi trường, đã mang phân chim cút ra đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) để ứng dụng lên cây tỏi đặc sản ở đây. TS Vân kỳ vọng sản phẩm này sẽ góp phần hình thành nền nông nghiệp sạch và bền vững.
“Mức giá dự kiến cho sản phẩm BIO-MS là 40.000 đồng/lít và BIO-MS1 là 20.000 đồng/kg. Trung bình mỗi lít chế phẩm BIO-MS xử lý được khối lượng phân thải ra của 1.000 con chim cút trong vòng hai tháng. Đây là mức giá khá rẻ so với các sản phẩm tương đương trên thị trường” – TS Vân nhận định.
Ngoài hai dòng sản phẩm này, đôi bạn trẻ còn sản xuất thêm các dòng sản phẩm khác như nước rửa chén sinh học và chế phẩm “đá nấm”. Dự án của nhóm vừa được Vườn ươm doanh nghiệp TP Đà Nẵng mời tham dự vào khóa ươm tạo mới với tiềm năng trở thành dự án khởi nghiệp trẻ của TP Đà Nẵng.