Cùng với Mai Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Như Phương được xem là “nữ tướng” thứ hai của Xuyên Việt Oil trên danh nghĩa hồ sơ của công ty.
Chiều 20-11, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đại án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil) cùng nhiều tổ chức liên quan, với phần xét hỏi các bị cáo.
Làm phó giám đốc nhưng… không biết gì (?!)
Người đầu tiên trả lời thẩm vấn là bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979, quê Đồng Nai), cựu giám đốc kiêm chủ tịch Hội đồng thành viên của Xuyên Việt Oil. Trước HĐXX, bị cáo Hạnh thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu.
Khi được hỏi về vai trò của bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992, quê Quảng Trị), cựu phó giám đốc Xuyên Việt Oil, bị cáo Hạnh khai nhiệm vụ chính của Phương là thủ quỹ. Tuy nhiên, Phương chỉ ký giấy tờ để báo cáo, hoàn toàn không biết về tình trạng tài chính thiếu hụt của công ty cũng như các sai phạm pháp luật liên quan.
Bị cáo Hạnh thừa nhận mình là người chịu trách nhiệm chính trong việc rút tiền từ quỹ, mặc dù các thủ tục đều có sự tham gia của Phương với vai trò kế toán và thủ quỹ. Bị cáo bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi trước những sai trái đã gây ra, đồng thời xin HĐXX cho cơ hội và thời gian để khắc phục hậu quả bằng tài sản hiện có của mình.
Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương khai chỉ quản lý dòng tiền, không phải phó giám đốc quản lý tài chính như chức danh trên giấy tờ thể hiện.
Trả lời chủ tọa phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Như Phương trình bày đây là công ty gia đình nên bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của bà Mai Thị Hồng Hạnh. Bị cáo khai rằng từ năm 2017, bà Hạnh thấy gia đình bị cáo khó khăn nên nhận bị cáo vào làm việc tại công ty. Sau ba năm, bị cáo được bổ nhiệm làm phó giám đốc.
Bị cáo nói: “Bị cáo từ quê lên, kiến thức hiểu biết còn hạn chế, còn quá trẻ, kinh nghiệm chưa có. Chị bảo làm phó giám đốc thì làm, chị bảo gì thì làm theo. Các phó giám đốc khác trong công ty cũng làm như bị cáo. Chỉ khi làm việc với cơ quan an ninh điều tra, bị cáo mới biết những hành vi đó là sai phạm”.
Trả lời câu hỏi của chủ toạ phiên toà vì sao tài khoản công ty chỉ có vài triệu nhưng lại ký báo cáo Bộ Công Thương số tiền 219 tỉ đồng. Bị cáo Phương khai: “Lúc đó, tài khoản công ty chỉ còn vài triệu đồng, nhưng báo cáo lại thể hiện con số 219 tỉ đồng. Tôi không hiểu bản chất của những con số trong báo cáo đó, chỉ biết ký theo chỉ đạo”.
Phương khẳng định bản thân không hề được hưởng lợi gì từ các sai phạm, chỉ làm công ăn lương, được trả lương hàng tháng và có thưởng vào dịp Tết.
Trong phần trình bày bổ sung, bị cáo bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi và khẳng định đã thành khẩn khai báo suốt quá trình điều tra. Bị cáo mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng để có cơ hội sửa chữa sai lầm.
“Nhầm” số lần nhận hối lộ
Chủ toạ phiên toà tiếp tục xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Lộc An (SN 1965; quê Nghệ An): cựu phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.
Trước đó, bị cáo Hạnh khai ông An là người đầu tiên bị cáo đưa hối lộ. Bị cáo An xác nhận lời khai của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh về số tiền 921 triệu đồng đã nhận từ bị cáo Hạnh là chính xác.
Bị cáo An cho biết bản thân nhớ rõ đã nhận tiền 3 lần nhưng trong tờ khai trước đó ghi nhầm thành 4 lần. Sau khi nhận tiền, bị cáo đã khắc phục 100 triệu đồng.
Theo lời khai của bị cáo An, khoảng tháng 3-2016, qua giới thiệu của ông Trịnh Bá Bộ, bị cáo Hạnh gặp An (lúc này là Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, phụ trách mảng cấp giấy phép) tại Khách sạn Victory, số 14 Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM.
Bà Hạnh đề nghị ông An giúp đỡ cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil, trong khi Công ty còn thiếu một số điều kiện để được cấp phép (chưa đủ điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu).
Bị cáo An khai lúc này bà Hạnh chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu bán lẻ nên ông Bộ giới thiệu và đề nghị bị cáo An hướng dẫn. Sau khi ông Bộ rời khỏi phòng, bà Hạnh đưa tiền kèm lời nói: “Có chút quà gửi cho các cháu”. Lúc này, bị cáo An nghĩ đây là điều bình thường vì mình đã tư vấn cho bà Hạnh. Khi mở ra, bị cáo An mới biết trong phong bì có 50 triệu đồng.
Theo lời khai của bị cáo An, ban đầu, bà Hạnh rất nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG). Tuy nhiên, sau giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19, tình hình kinh doanh gặp trở ngại, dẫn đến những hành vi sai phạm.