Lo ngại ‘làng tốt nhất thế giới’ Trà Quế rơi vào ‘bẫy du lịch’

Các chuyên gia cho rằng làng rau Trà Quế cần giữ nguyên được nét truyền thống, không rơi vào “bẫy” thương mại hóa du lịch như nhiều điểm đến khác.

Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) hôm 15/11 công bố danh sách 55 làng du lịch tốt nhất thế giới 2024, trong đó làng rau Trà Quế, Hội An, Quảng Nam, là đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh.

Phó Chủ tịch TP Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết giải thưởng là “niềm vui và tự hào rất lớn của thành phố” vì đây là lần đầu làng của Hội An được vinh danh. Người dân trong làng cảm thấy yêu quê hương, ý thức trân trọng, giữ gìn nghề truyền thống hơn. Giải thưởng sẽ tăng thêm sức hấp dẫn để du khách tìm về làng rau trải nghiệm, tham quan.

Làng du lịch tốt nhất thế giới được vinh danh dựa trên chấm điểm 9 tiêu chí: tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; thúc đẩy và bảo tồn tài nguyên văn hóa; tính bền vững về kinh tế; tính bền vững về xã hội; tính bền vững về môi trường; phát triển du lịch và chuỗi giá trị; quản trị và ưu tiên du lịch; cơ sở hạ tầng và kết nối; sức khỏe, an toàn và an ninh. UN Tourism đánh giá Trà Quế “là điểm đến đáng chú ý với truyền thống nông nghiệp và di sản văn hóa lâu đời”.

Làng rau Trà Quế, Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: Đắc Thành

Làng rau Trà Quế, Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: Đắc Thành

CEO Nguyễn Tiến Đạt của AZA Travel cho biết Trà Quế được vinh danh vì người dân và chính quyền đã “làm rất tốt quy hoạch, quản lý và định hướng phát triển du lịch”.

Trà Quế “có tất cả những thứ mà khách quốc tế thích và cần”, như nghề truyền thống, bề dày lịch sử hơn 500 năm, cách phố cổ Hội An 3 km, thuận tiện cho khách đến trong ngày. Cơ sở hạ tầng, quy hoạch của làng rau cũng được đại diện công ty du lịch đánh giá cao vì không có nhà cửa nhấp nhô, đan xen các thửa ruộng làm hỏng cảnh quan, các con đường làng đủ rộng, sạch, mát.

Trà Quế còn hấp dẫn khách quốc tế nhờ có nhiều trải nghiệm như làm nông dân ra ruộng trồng rau, thu hoạch, tưới cây, cưỡi trâu và các lớp học nấu ăn. Nhiều khách quốc tế sẵn sàng chi 25-30 USD cho một tour học nấu ăn, tham quan vườn rau trong vài tiếng.

Làng được thành lập cách đây hơn 500 năm, người dân ban đầu làm ngư nghiệp. Trà Quế hiện có 202 hộ với 348 nông dân, canh tác trên diện tích 18 hecta, chuyên canh 20 loại rau. Mỗi ngày làng đón hàng nghìn du khách tham quan, trải nghiệm, giá vé 35.000 đồng một người. Mỗi người dân hỗ trợ du khách trải nghiệm ở vườn sẽ được hỗ trợ 5.000 đồng trích từ giá vé.

Ông Mai Thanh Hùng, Phó Chủ tịch phường Cẩm Hà, cho biết mỗi năm một nông dân thu nhập bình quân 65-70 triệu đồng. Sản lượng rau Trà Quế bán ra thị trường khoảng 800 tấn, thu từ 11-12 tỷ đồng, chưa kể dịch vụ từ du lịch.

CEO Lux Group Phạm Hà nhận định Trà Quế đã rất nổi tiếng và thu hút khách quốc tế từ trước khi được UN Tourism trao giải. Do đó, “vương miện” mà thế giới trao cho làng không chỉ thu hút du khách quốc tế đến nhiều hơn nữa mà còn cả khách nội địa, có thể dẫn đến tình trạng quá tải.

Du khách nghiên cứu các loại rau trồng ở Trà Quế. Ảnh: Đắc Thành

Du khách tìm hiểu các loại rau trồng ở Trà Quế. Ảnh: Đắc Thành

Theo Tiến sĩ Phạm Hà, Trà Quế không cần thay đổi nhiều để thu hút khách du lịch hơn nữa. Thay vào đó, ngôi làng cần giữ được nét nguyên bản như hiện tại. “Trà Quế cần giữ được văn hóa truyền thống, kỹ thuật canh tác, nếp nhà, phong cách sống vốn tồn tại hàng trăm năm nay”, ông Hà nói. Đó mới là điểm hấp dẫn du khách chứ không phải đô thị hóa hay bêtông hóa ngôi làng như một số điểm đến nổi tiếng khác tại Việt Nam.

Ngoài ra, Trà Quế nên nghĩ dần đến các biện pháp có thể hạn chế quá tải du lịch. Hạn chế lượng khách đến trong trường hợp này là “thể hiện trân quý di sản”, tạo nên sự khác biệt độc đáo với những điểm đến khác.

“Trà Quế chỉ cần tiếp tục quản lý tốt như hiện nay, tránh thương mại hóa để rơi vào bẫy du lịch, đi vào vết xe đổ như những nơi khác”, CEO Đạt của AZA Travel nói thêm. Nếu làng thương mại hóa du lịch như xây thêm khách sạn, mở các cửa hàng lưu niệm sẽ dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ, phá vỡ cảnh quan, xả rác thiếu kiểm soát, dẫn đến khách có trải nghiệm không tốt, làm ảnh hưởng danh tiếng của làng. Trà Quế đạt được danh hiệu “làng du lịch tốt nhất thế giới” đã khó, giữ được danh hiệu còn khó hơn.

Ngoài ra, Hội An cũng có thể mở rộng thêm mô hình làng rau Trà Quế tại nhiều khu vực xung quanh phố cổ, để thu hút cũng như phân tán khách quốc tế sang các điểm đến khác.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Lanh cho biết danh hiệu mới cũng mang lại thách thức và đặt ra nhiều yêu cầu khác cho làng như phải đẹp hơn, lớn lên với tâm thế mới. Hiện tại, làng vẫn cần cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, thoát nước, cảnh quan phục vụ đời sống người dân. Sắp tới, chính quyền sẽ đầu tư về hạ tầng, nâng cao chất lượng sản xuất, sản phẩm rau của Trà Quế.

Bên cạnh đó, Hội An vẫn giữ quan điểm không xây dựng những dự án du lịch lớn ở Trà Quế, không xây dựng khách sạn ở làng. Khách đến lưu trú sẽ ở lại homestay hoặc nhà dân và cùng ăn, cùng ở, cùng đi trồng rau với mọi người. Chính quyền tiếp tục bố trí lại khu dân cư, tháo dỡ những trụ bêtông, chòi dân tự lập làm ảnh hưởng đến không gian làng rau. Trà Quế được định hướng không chỉ là làng du lịch tốt nhất thế giới mà còn là điểm đến văn hóa, nơi người dân chung sống hòa thuận và thân thiện với du khách.

“Hội An cố gắng xây Trà Quế thành hình mẫu ngôi làng hạnh phúc”, ông Lanh nói.

Phương Anh – Đắc Thành

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin