Một điểm mấu chốt được đại diện VKSND tập trung làm rõ là mục đích, nội dung cuộc gọi giữa cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương và “bà trùm” Xuyên Việt Oil.
Ngày 21-11, TAND TP HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Tại phiên tòa, một điểm mấu chốt được đại diện VKSND tập trung làm rõ là mục đích và nội dung cuộc gọi giữa cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương và “bà trùm” Mai Thị Hồng Hạnh.
Theo lời khai của bị cáo Hạnh, quá trình làm thủ tục xin cấp lại giấy phép kinh doanh xăng dầu vào năm 2021 đã nhờ cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giúp đỡ. Lý giải cho việc không nộp hồ sơ theo quy trình thông thường mà lại “nhờ”, bà Hạnh cho biết khi đó Xuyên Việt Oil đang ký hợp đồng với một đối tác từ Singapore nhưng hồ sơ xin cấp phép bị bộ phận “một cửa” trả lại vì không đảm bảo đủ các điều kiện, bao gồm việc thiếu đại lý và nhiều thủ tục khác.
Vì thế, thay vì nộp hồ sơ qua bộ phận “một cửa” theo quy trình thông thường, bà Hạnh phải nhờ đến sự giúp đỡ từ cấp cao. Thời điểm đó, Xuyên Việt Oil đang gấp rút ký hợp đồng với đối tác Singapore, việc xin giấy phép trở nên cấp bách.
Nữ bị cáo khai đã trình bày những vướng mắc này với ông Đỗ Thắng Hải. Sau khi giấy phép được phê duyệt, ông Hải chủ động gọi điện thông báo “Anh vừa ký xong, em liên lạc với bộ phận một cửa để lấy giấy phép”. Bà Hạnh đáp lại “Em cảm ơn anh rất nhiều, hôm nào tiện em ghé thăm anh”.
Theo cáo trạng, sau đó, cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã nhận 1,139 tỉ đồng từ bà Hạnh.
Liên quan lời khai của bị cáo Hạnh, ông Hải cho biết: “Khi chị Hạnh gọi điện cho tôi, không có nhắc gì đến tình trạng điều kiện của công ty vào thời điểm đó, cũng không có chuyện chỉ nói ra thủ tục cụ thể nào cả. Đúng là tôi có gọi cho anh Hoàng Anh Tuấn (phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) nhưng lúc đó tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi mỗi ngày, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 căng thẳng”.
Ông Hải khẳng định không chỉ đạo, mà chỉ nhắc nhở Hoàng Anh Tuấn vì giấy phép của công ty sắp hết hạn, yêu cầu làm nhanh và sớm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ. Khi được hỏi về việc công ty Xuyên Việt Oil có đủ điều kiện cấp phép hay không, ông Hải thừa nhận “100% thì chưa đủ”.
Giải thích lý do gọi điện cho bà Hạnh sau khi ký giấy phép, ông Hải cho biết do thấy bà Hạnh sốt ruột nên muốn trấn an để bà yên tâm tiếp tục kinh doanh.
Chiều cùng ngày, Hội đồng xét xử thông báo phiên tòa sẽ tạm nghỉ vào ngày mai, 22-11… Theo kế hoạch, đại diện VKSND TP HCM sẽ đưa ra đề nghị mức án đối với các bị cáo vào ngày 25-11.
Liên quan nội dung này, cáo trạng thể hiện, vào tháng 602021, Giấy phép số 09 ngày 22-8-2016 của Bộ Công thương cấp cho Xuyên Việt Oil chuẩn bị hết hạn. Do không đủ điều kiện để được cấp lại Giấy phép, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã trao đổi, chỉ đạo Nguyễn Văn Thắng (lúc này là phó giám đốc Xuyên Việt Oil, chi nhánh Hà Nội), Đồng Xuân Dũng (nhân viên Xuyên Việt Oil tại Hà Nội) liên hệ, chuẩn bị tiền hối lộ và đưa hối lộ cho cán bộ, lãnh đạo Vụ Thị trường Trong nước, lãnh đạo Bộ Công thương để xin cấp lại giấy phép.
Thông qua Nguyễn Lộc An giới thiệu, giữa tháng 6-2021, bà Hạnh liên lạc nhờ ông Đỗ Thắng Hải (lúc này là Thứ trưởng Bộ Công thương, phụ trách Vụ Thị trường trong nước) giúp đỡ cấp lại giấy phép.
Bà Hạnh hứa sẽ cảm ơn ông Hải khi Công ty được cấp phép. Ông Hải đã đồng ý và giới thiệu bà Hạnh liên hệ với Hoàng Anh Tuấn (lúc này là phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, phụ trách mảng cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu) để được hướng dẫn cụ thể, đồng thời ông Hải điện thoại cho Tuấn chỉ đạo sớm xem xét, giải quyết hồ sơ xin cấp lại giấy phép của Xuyên Việt Oil.
Qua giới thiệu, bà Hạnh liên lạc với ông Hoàng Anh Tuấn. Ông Hoàng Anh Tuấn đã báo cáo việc này cho ông Trần Duy Đông (lúc này là Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) và cả hai người đều thống nhất tạo điều kiện giúp đỡ Xuyên Việt Oil theo chỉ đạo của ông Đỗ Thắng Hải.