Ứng dụng Hue-S phục vụ thành phố thông minh thu hút số lượng lớn người dân địa phương sử dụng, thậm chí cả người nơi khác cũng cài đặt lên thiết bị cá nhân.
Thành phố thông minh tại Việt Nam đã có nhiều bước tiến kể từ khi Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 được phê duyệt. Hiện tại, cả nước có gần 50 tỉnh thành đang triển khai đề án này, song song với đó là sự phổ cập của hạ tầng viễn thông, cáp quang, trung tâm điều hành thông minh (IOC)…
Đánh giá về những bài học cho quá trình phát triển đô thị thông minh thời gian qua tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024 đang diễn ra ở Hà Nội, ông Hồ Đức Thắng, đại diện Cục Chuyển đổi số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng tỉnh Thừa Thiên-Huế và ứng dụng Hue-S là một ví dụ điển hình về thành công. Theo đó, Hue-S được sử dụng bởi 70% người dân địa phương, có trên 100.000 người ở các địa phương khác cũng cài đặt phần mềm này.
“Thành công của Hue-S là ví dụ cho sự thay đổi quy trình cũng như cách tiếp cận về thành phố thông minh”, ông Thắng nhấn mạnh. Thay vì tập trung vào công tác quản lý, phần mềm này hướng đến người dân sử dụng hơn. Mọi kiến nghị khi đưa lên IOC sẽ có thời gian yêu cầu xử lý nhất định nên ông Thắng ví von lệnh từ IOC “là lệnh từ chủ tịch (địa phương)”.
Nhờ cách làm đặt người dân là trung tâm cho hoạt động của ứng dụng, phần mềm Hue-S nhận được nhiều phản hồi tích cực, với mức độ hài lòng của người dân địa phương lên tới 90%. Do vậy, đại diện Cục Chuyển đổi số xem đây là ví dụ thành công trong công tác triển khai thành phố thông minh tại Việt Nam và còn được ghi nhận trên thế giới.
Một ví dụ khác là iHanoi của TP.Hà Nội. Ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết phần mềm này đang có 1,6 triệu tài khoản cài đặt, khoảng 16 triệu lượt tương tác từ tháng 6 tới nay, ghi nhận trên 21.000 kiến nghị. AI (trí tuệ nhân tạo) được sử dụng để hỗ trợ phân công về bộ phận chức năng tương ứng để triển khai, báo cáo.
Ngoài ra, Đà Nẵng được nêu như ví dụ về khả năng xây dựng thành phố thông minh bằng các giải pháp “Made in Vietnam”, Bình Dương thành công trong việc tạo dựng được sự kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp…
Bên cạnh những thành công có được, ông Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn tồn tại các vấn đề lớn như: công tác quy hoạch và quản lý chưa được đẩy mạnh, thiếu hành lang pháp lý; cơ chế nguồn lực cho phát triển còn thiếu; chưa có liên kết với khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân; nhiều địa phương chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, nguồn dữ liệu chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn hạn chế về số lượng, công tác tổ chức còn nhiều lúng túng…