Người này tin rằng chỉ các nhà sản xuất Trung Quốc mới có thể đạt đến trình độ cao cả về chất lẫn lượng.
Tổng giám đốc điều hành Fast Retailing, Tadashi Yanai cho biết hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với nhà bán lẻ thời trang, trong bối cảnh nhiều công ty toàn cầu âm thầm tách khỏi Bắc Kinh vì căng thẳng địa chính trị. “Chúng tôi, Fast Retailing, đã cùng phát triển với ngành dệt may Trung Quốc”, Yanai chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia. “Tầm quan trọng của Trung Quốc, hoặc việc quản lý các nhà máy của nước này, không thay đổi. Hàng chục nghìn công nhân trẻ làm việc tại một nhà máy ở đây, không giống như những nhà máy ở Nhật Bản chỉ có khoảng 100 công nhân”.
Các công ty toàn cầu, bao gồm cả các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ, đang hướng tới chiến lược “Trung Quốc+1” để đa dạng hóa các khoản đầu tư vào các quốc gia bên ngoài đại lục, chẳng hạn như Ấn Độ. Một số yếu tố đã được xem xét, bao gồm xung đột thương mại Mỹ-Trung, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trước đó tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, Trung Quốc ghi nhận thâm hụt đầu tư nước ngoài trong quý thứ 2 liên tiếp tính đến tháng 9. Điều này diễn ra sau mức thâm hụt 14,9 tỷ USD trong quý II – mức thâm hụt lớn nhất được ghi nhận theo dữ liệu tính từ năm 1998.
Ông Yanai đã nói “Không” với chiến lược “Trung Quốc+1”.
“Không có cách dễ dàng nào để xây dựng các nhà máy quy mô lớn thay thế các nhà máy ở Trung Quốc, nơi chúng ta có nhiều năm kinh nghiệm”, ông nhấn mạnh.
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu đã giảm trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, ông Yanai vẫn tin rằng các nhà sản xuất Trung Quốc mới là những người có thể đạt đến trình độ cao cả về chất lẫn lượng.
Theo thông tin công bố của công ty tính đến ngày 2 tháng 9, trong số 397 nhà máy may đối tác của Fast Retailing, 211 nhà máy được đặt ở Trung Quốc, 61 nhà máy ở Việt Nam và 26 nhà máy ở Bangladesh. Công ty cũng hợp tác với 155 nhà máy vải trên toàn thế giới, trong đó 75 nhà máy ở Trung Quốc.
Fast Retailing, công ty mẹ của thương hiệu Uniqlo tại Nhật Bản, đã tăng cường chuỗi cung ứng của mình tại Trung Quốc. Trong nhiều năm, nhiều chuyên gia trong ngành dệt may đã đưa ra các hướng dẫn kỹ thuật quan trọng phục vụ nhà máy đối tác tại Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác. Họ cũng cung cấp một số hướng dẫn an toàn nghề nghiệp.
Ông Yanai không đề cập đến các quốc gia cụ thể, chỉ nói rằng một số nhà máy không hoạt động tốt lắm so với các đối tác sản xuất tại Trung Quốc. Những nhà máy này dù không duy trì chất lượng cao tuyệt đối, song các sản phẩm của họ vẫn kiếm được tiền ở châu Âu và Mỹ.
“Nhật Bản có nền văn hóa đại chúng tốt nhất thế giới và mọi người rất nghiêm ngặt về quần áo, bất kể giá cả”, ông nói.
Năm nay, Uniqlo kỷ niệm 40 năm ngày mở cửa hàng đầu tiên tại Hiroshima vào năm 1984. Cùng với thương hiệu chị em của Uniqlo là GU, Fast Retailing lần đầu tiên đạt doanh số bán hàng theo nhóm vượt quá 3 nghìn tỷ yên (20 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8.
Mục tiêu tiếp theo của Yanai là doanh số 10 nghìn tỷ yên.
“Chúng ta không thể đạt được 10 nghìn tỷ yên theo cách tương tự như chúng ta đã đạt được 3 nghìn tỷ yên. Chúng ta phải không ngừng đặt câu hỏi về các cách tiếp cận đã thực hiện trong quá khứ – thứ mà chúng ta đã coi là điều hiển nhiên”, ông nhấn mạnh.
“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra nước ngoài và tiếp nhận nhân tài từ khắp nơi trên thế giới”.
Được biết, Fast Retailing đã đẩy nhanh quá trình mở rộng tại châu Âu và Bắc Mỹ, sau đó ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu lần lượt là 45% và 33% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8. Công ty có kế hoạch mở 15 cửa hàng mới tại châu Âu, sân nhà của các đối thủ cạnh tranh như Inditex của Tây Ban Nha, chủ sở hữu của Zara, và H&M của Thụy Điển, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8 năm 2025.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường chính của Fast Retailing. Doanh thu từ các cửa hàng tại Trung Quốc chiếm 22% doanh thu hàng năm tính đến tháng 8, lớn thứ hai sau 30% của Nhật Bản. Tại Trung Quốc, Uniqlo đã áp dụng chiến lược phá dỡ và xây dựng — đóng cửa các cửa hàng không có vị trí tốt hoặc quá nhỏ, sau đó mở các cửa hàng lớn hơn ở những vị trí đắc địa hơn.
Chủ tịch Uniqlo Daisuke Tsukagoshi trước đó đã phát biểu trong cuộc họp vào tháng 10: “Trung Quốc đại lục có tiềm năng. Hiện chúng tôi mới đi được nửa chặng đường”.
Ông Yanai từ lâu đã muốn biến Fast Retailing thành chuỗi bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới. Ông cho biết sau đại dịch, người tiêu dùng hiện tập trung hơn vào sản phẩm có giá trị sử dụng, thay vì hàng xa xỉ. Xu hướng này đã hỗ trợ Uniqlo thời gian qua.
“Nếu muốn là thương hiệu toàn cầu hàng đầu thực sự, chúng tôi sẽ phải trở thành cái tên số một ở cả Bắc Mỹ và châu Âu”, ông nói.
Vài năm gần đây, Fast Retailing hưởng lợi từ đồng yên yếu. Sự bùng nổ của ngành du lịch Nhật Bản đã khiến doanh số Uniqlo trong nước tăng lên. Biên lợi nhuận hoạt động cũng cải thiện, đạt ít nhất 15% tại tất cả thị trường quốc tế, theo Giám đốc Tài chính Takeshi Okazaki.
Theo: Nikkei Asia, Reuters