TTO – Sau hai lần bị trì hoãn vì dịch bệnh và tiếp tục đối mặt với ảnh hưởng từ cơn bão số 5, giải Golf for Start-up 2020, do báo Tuổi Trẻ và Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, vẫn diễn ra thành công tốt đẹp.
CEO Nguyễn Khắc Minh Trí (giữa), người được trao giải đặc biệt trong đêm gala tối 18-9 – Ảnh: Q.ĐỊNH
Chiều 18-9, sân golf Long Thành đón một cơn mưa tầm tã nhưng những golfer dự giải vẫn kiên quyết bám trụ tại các địa điểm thi đấu, cũng như ngọn lửa khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ chưa bao giờ bị dập tắt dù có phải đối mặt với nhiều khó khăn suốt một năm qua.
Sau hai lần bị trì hoãn vì dịch bệnh và tiếp tục đối mặt với ảnh hưởng từ cơn bão số 5 nhưng giải Golf for Start-up 2020, do báo Tuổi Trẻ và Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức, vẫn diễn ra thành công tốt đẹp.
Chúng tôi mong muốn chuỗi sự kiện này sẽ là “Ngày hội của những giấc mơ khởi nghiệp” trở thành hiện thực diễn ra hằng năm.
Ông Lê Thế Chữ (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)
“Biến nguy thành cơ”
Trước khi giải đấu được khai mạc, ông Trần Thanh Tú – chủ tịch Hội Golf TP.HCM – tỏ ra lo ngại: “Tôi và ban tổ chức đã bàn với nhau nếu mưa lớn quá thì chúng ta phải đổi phương án tính điểm, vì chắc chắn giải sẽ kết thúc rất muộn và ảnh hưởng tiến độ đêm gala”. Đến đầu giờ chiều, nỗi lo thành sự thật khi trời đổ mưa lớn với sức gió rất mạnh. Nhưng thật may, cơn mưa trên sân golf Long Thành cũng không kéo dài quá lâu, trả lại một sân đấu quang đãng cho các golfer.
Nhưng dù mưa hay không, gần 150 golfer dự giải vẫn hăng hái thi đấu. Phần lớn họ là những chủ doanh nghiệp, những người đã đồng hành với chương trình hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp mà báo Tuổi Trẻ phát động suốt hai năm qua.
“Tôi rất vui khi những tin tức về bão không làm các anh em trong làng golf nản lòng. Ngoài đam mê, ý nghĩa đặc biệt của giải có lẽ đã thôi thúc các golfer đồng hành với giải cho đến tận cùng”, ông Tú nói.
Golf luôn được xem là môn thể thao dành cho các doanh nhân thành đạt. Và tinh thần vượt khó trên sân golf cũng có thể ví như tinh thần vượt khó của các bạn trẻ khi chập chững bước vào con đường khởi nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này.
Giống như lời khuyên của ông Kajiwara Junichi – tổng giám đốc Acecook Việt Nam – đưa ra cho các bạn trẻ: “Đây là một thời điểm khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là với những người trẻ tuổi bắt đầu giấc mơ khởi nghiệp. Nhưng cũng chính trong những lúc như thế này, chúng ta càng cần phải nỗ lực nhiều hơn, vì nếu buông tay sẽ dẫn đến sự sa sút chung của đất nước”.
Doanh nhân Nguyễn Văn Tùng – đại diện Tân Hiệp Phát, một trong những nhà tài trợ của giải – cũng đưa ra lời khuyên: “Trong lúc khó khăn, tôi nghĩ các bạn trẻ, các start-up tiêu biểu càng phải đoàn kết lại với nhau. Chính các dự án của các bạn sẽ hỗ trợ nhau để cùng nhau hanh thông hơn, thuận lợi hơn. Và tôi nghĩ đây là giá trị lớn mà giải đấu mang lại, giúp các start-up tạo ra được sự liên kết với nhau”.
Trao giải cho các start-up trong đêm gala – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bớt đi những “phép thử và sai”
Cũng như trong năm đầu tiên tổ chức, trọng tâm của Golf for Start-up 2020 vẫn nằm ở các gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu, với 24 start-up được trao giải thưởng tiền mặt trị giá 20 triệu/suất cùng 1 start-up nhận giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng. Hầu hết họ là những người trẻ, những người giàu ý tưởng, những người dám dấn thân, dám đột phá và là những câu chuyện điển hình về tinh thần khởi nghiệp.
Như Nguyễn Trung Kiên – một chàng trai dân tộc Mường – đã vượt hơn 1.000km từ Hòa Bình, vượt luôn mọi định kiến để đến TP.HCM dự đêm gala mà anh là 1 trong 25 cái tên được trao giải với dự án Nông sản sạch. Kiên nói ở Hòa Bình, khởi nghiệp còn là một điều gì đó rất mới mẻ. Và đó cũng là lý do mà khi những người trẻ dân tộc thiểu số như anh hầu hết đều rất đơn độc vì bị gia đình, làng xóm phản đối, kỳ thị.
Kế đến, việc thiếu điều kiện để có thể tiếp cận được công nghệ thông tin, nguồn vốn cũng cản trở rất nhiều trong quá trình Kiên theo đuổi mơ ước.
Hay như Phạm Mai Phương Linh, một cô gái với ngoại hình nhỏ bé, xinh xắn nhưng ôm trong mình hoài bão to lớn… Linh là người đồng sáng lập Học viện Career Pass Institute (CPI) – một start-up áp dụng mô hình khởi nghiệp tinh gọn ra đời với mục tiêu nâng tầm người Việt trên trường quốc tế thông qua chương trình huấn luyện kỹ năng làm việc và tìm việc chuyên nghiệp.
Linh nói chính những bài báo, câu chuyện khởi nghiệp mà chương trình truyền tải vô hình giúp cô tìm thấy mình trong nó và cảm thấy bản thân chưa hề đơn độc trên hành trình đặc biệt này.
Hay như Nguyễn Khắc Minh Trí – cái tên sáng chói nhất của đêm gala với giải thưởng đặc biệt trị giá 100 triệu đồng. Còn rất trẻ, Trí táo bạo rời khỏi công việc ổn định trong một tập đoàn công nghệ truyền thông của Mỹ để bắt đầu hành trình khởi nghiệp.
Và dự án MimosaTek của anh đã thuyết phục các thành viên ban giám khảo, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu quản lý trang trại của khách hàng từ người nông dân vừa và nhỏ đến các nông trường lớn trên khắp vùng miền trong cả nước với nhiều loại cây trồng khác nhau. Một dự án có giá trị với những người nông dân, đã thuyết phục hầu hết các giám khảo của chương trình.
Giải thưởng hiển nhiên rất có ý nghĩa với các start-up trên con đường hoàn thiện dự án của mình. Nhưng điều ý nghĩa hơn nữa mà Golf for Start-up mang đến – như anh Trí chia sẻ chính là cơ hội được giao lưu, được liên kết với những doanh nhân thành đạt.
“Những lời khuyên của các đàn anh, đàn chú đi trước, điển hình như chú Phạm Phú Ngọc Trai rất có giá trị với chúng tôi. Họ giúp chúng tôi bớt đi rất nhiều thời gian, bớt đi những phép thử và sai trên con đường khởi nghiệp”, Minh Trí nói.
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều dự án khởi nghiệp bị đình trệ, khiến nhiều giấc mơ hừng hực bị dập tắt. Nhưng thông qua Golf for Start-up, Tuổi Trẻ cùng những nhà tài trợ sẽ luôn góp một tay để hỗ trợ những người trẻ tuổi giữ vững ngọn lửa đó, ngọn lửa của tinh thần khởi nghiệp.
Các golfer thi đấu tại giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up ở sân golf Long Thành (Đồng Nai) ngày 18-9 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thêm tin vui vào giờ chót
Bà Hà Thu Nga – phó tổng giám đốc Công ty dược phẩm Eco – trở thành một trong những nhà tài trợ cuối cùng của giải đấu khi thông báo tặng thêm 3 suất giải thưởng (trị giá 20 triệu đồng/suất) cho các gương mặt tiêu biểu vào buổi sáng trước khi giải diễn ra.
Ngoài 3 suất giải thưởng tiền mặt, công ty của bà Nga còn dành riêng cho các nhân vật đoạt giải gói khám sức khỏe dinh dưỡng và y học vận động tại trung tâm NutriHome. Trước đó, giải đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các đơn vị đồng hành như sân golf Long Thành, HD Bank, nhãn Trà Xanh Không Độ, Quỹ VinaCapital Ventures, Công ty CP ĐT&TM Thái Bình, Hội Golf TP.HCM, IDICO, CT&D..
Danh sách 25 start-up đoạt giải
1. Bùi Lê Chí Bảo (dự án Lớp 6/7 TK), 2. Dương Văn Linh (dự án Học viện Career Pass Institute – CPI), 3. Hồ Công Thắng (Sản phẩm tái chế), 4. Hồ Đức Hải (Bánh mì Má Hải), 5. Lê Minh Tuấn (Công nghệ nano – vật liệu graphene), 6. Lê Tuấn Hùng (Dịch vụ vệ sinh Tuấn Hùng), 7. Lê Yên Thanh (Công ty TNHH BusMap), 8. Lương Công Gia Huy (Flashcard BlueUp), 9. Nguyễn Đào Xuân Hải (Smart Assistant Self-Feeding Robot), 10. Nguyễn Hoàng Kim Phụng (Phần mềm quản lý rác thải thông minh GRAC tặng đồ và phân loại rác), 11. Phạm Anh Tuấn (T-Farm Khu vườn trong nhà), 12. Phạm Mạnh Đình (Vật liệu UTE-PS), 13. Quảng Bùi Thanh Duy (Bánh mì Xin Chào), 14. Trần Việt Hùng (Nhà sáng lập Got It), 15. Trần Nguyễn Duy Tuấn (Airiot), 16. Vũ Hoàng Mạnh Hải (tichluy.vn), 17. Nhóm Shareapy (Ứng dụng “Tâm sự cùng người lạ”), 18. Lê Hoàng Anh (MultiGlass), 19. Hoàng Anh Đức (EdLab Asia), 20. Nguyễn Hoài Đức (Người đứng đầu nhóm CNTT thành lập công ty truyền thông – sự kiện), 21. Nguyễn Trung Kiên (Nông sản sạch), 22. Đỗ Phương Thảo (Trung tâm đào tạo MC tiếng Anh), 23. Trần Ngọc Thái (Ứng dụng âm thanh audio book và podcast Voiz FM), 24. Nguyễn Ngọc Thư (BiTour),
25. Giải ĐẶC BIỆT: Nguyễn Khắc Minh Trí (Mimosatek).