TTO – Nhận được nhiều giải thưởng về khởi nghiệp và công nghệ, bạn Phạm Thanh Toàn (33 tuổi, CEO Công ty cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart) chọn hướng đi mà trước giờ chưa có nhiều start-up trong nước theo đuổi.
Phạm Thanh Toàn khởi nghiệp với ước mơ đưa nông nghiệp Việt cất cánh – Video: CÔNG NHẬT – MỸ NGỌC – THẾ KIỆT – DIỄM HƯỜNG
Bạn Phạm Thanh Toàn (trái) đang trao đổi cùng các cộng sự về một mẫu thiết kế của MiSmart – Ảnh: C.NHẬT
Toàn chọn lối đi khó khi đưa thiết bị công nghệ tự động, trí tuệ nhân tạo vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Vượt qua chông gai
Có thể hình dung MiSmart sử dụng các thiết bị, công nghệ tự động kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), vận hành trên nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) để cung cấp các giải pháp số hóa nông nghiệp (phun tưới và viễn thám)…
“Cụ thể hơn, máy bay không người lái (UAV) do MiSmart làm chủ thiết kế, sản xuất phần cứng và phần mềm góp phần giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt. Tôi mong muốn góp phần giúp cuộc sống của người nông dân tươi sáng hơn”, Thanh Toàn chia sẻ.
Ý tưởng về sản phẩm trên manh nha xuất hiện từ những ngày Toàn còn ngồi trên ghế giảng đường tại Nhật. “Ở phương xa khi dõi theo tin tức tại quê nhà, tôi nhói lòng mỗi lần thấy cảnh người nông dân Việt “khóc ròng” bên cánh đồng với câu chuyện được mùa nhưng mất giá. Tôi muốn biến nỗi đau, sự trăn trở đó thành hành động”, Toàn giải thích về quyết tâm áp dụng công nghệ mới vào việc hỗ trợ nông dân canh tác.
Thanh Toàn cho biết bản thân rất may mắn khi được học tập và nghiên cứu tại quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển vượt bậc như Nhật Bản. Nhờ đó bạn đã “tích cóp” được nhiều giải pháp tham khảo.
Chẳng hạn tại xứ sở Phù Tang, chỉ tính khâu phun thuốc bảo vệ thực vật thì người Nhật sử dụng UAV giúp tăng hiệu suất gấp 50 lần so với cách làm truyền thống. Chưa kể công nghệ này cũng giúp tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người nông dân và tạo ra nông sản sạch với năng suất vượt trội…
Trong một lần về quê ăn tết, Thanh Toàn tình cờ gặp lại một người bạn cũ đang là nghiên cứu sinh tại Úc và cả hai nhận ra có chung nỗi niềm nên quyết định bắt tay để giải quyết “bài toán” khó nhằn trên.
Xuyên suốt quá trình nghiên cứu, nhóm gặp muôn vàn khó khăn. Rất nhiều linh kiện, thiết bị không thể mua trong nước vì chẳng có nơi sản xuất, nếu đặt mua ở nước ngoài thì ai nấy đều từ chối vì số lượng đặt hàng quá ít.
Nghiên cứu xong, câu chuyện về xin giấy phép, thử nghiệm bay, tổ chức sản xuất… cũng đầy gian nan. Nhưng cuối cùng cả đội đã từng bước chinh phục các thử thách.
Các mẫu UAV đầu tiên như Demeter VS20 ra đời năm 2020 với nhiều chức năng vượt trội. Demeter VS20 nhẹ nhưng có khả năng nâng vật nặng, có thể sử dụng ở chế độ tự động, bán tự động hoặc bằng tay, chống nước lẫn chống bụi, có thể gấp gọn lại…
Các mẫu UAV của MiSmart giúp năng suất làm việc của người nông dân tăng gấp 25 lần so với cách thức truyền thống, phun thuốc trừ sâu gấp 20 lần mà không gây ảnh hưởng đến người lao động, giảm đến 30% lượng thuốc và 90% lượng nước sử dụng.
Đặc biệt sản phẩm giúp giảm chi phí sản xuất và “dập dịch” nhanh trên diện tích lớn… Tất cả những yếu tố trên là “điểm cộng” trong việc sản xuất tiêu thụ cũng như xuất khẩu. Về lâu dài, đây còn là giải pháp hoàn hảo cho tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp hiện nay.
Từ học bổng “Tiếp sức đến trường”…
Lấy tấm bằng cao học về AI tại xứ sở hoa anh đào, Thanh Toàn sau đó nhận được nhiều lời mời làm việc tốt tại quê nhà. Dẫu vậy, sự học và sự nghiệp của bạn là một hành trình dài với rất nhiều thử thách mà ít người biết.
“Năm 2006 tôi thi đại học đạt được điểm số khá cao, đủ để đậu vào hệ cử nhân tài năng khoa công nghệ thông tin (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM). Nhưng gia đình tôi khá đau đầu vì chi phí trọ học trên Sài Gòn quá đắt đỏ.
May mắn là có một anh phóng viên ở báo Tuổi Trẻ sống gần nhà tôi và anh đã giới thiệu học bổng “Tiếp sức đến trường”. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ sự xúc động lẫn vui mừng khi được cầm trên tay số tiền 3 triệu đồng nhận được sau buổi lễ trao giải.
“Tôi đạp xe từ tòa soạn báo ở ngã tư Phú Nhuận về ký túc xá ở Thủ Đức mà không thấy mệt”, gương mặt start-up đến từ Khánh Hòa vẫn đầy ắp cảm xúc mỗi khi nhớ lại một “bí mật” ít người biết.
Nói về tương lai, Toàn cho biết ngoài lĩnh vực nông nghiệp, MiSmart đang sản xuất và sẽ thương mại hóa các dòng drone giám sát để phục vụ lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, quản lý thiên tai, bảo vệ tài nguyên môi trường…
Các bạn cũng có công nghệ khả năng sản xuất pin giá rẻ hơn nhiều so với các nguồn bên ngoài, nên chiến lược hiện tại cũng nhắm đến việc cho thuê pin.
Gần đây nhất, trong đợt dịch COVID-19, MiSmart đã làm việc cùng Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Thông tin và truyền thông để cho ra một ứng dụng giải quyết vấn đề sâu bệnh và sinh vật gây hại. “Và hiện tại ứng dụng đó đã được Bộ Thông tin và truyền thông chấp nhận đưa vào đề xuất Chuyển đổi số nông nghiệp năm 2022”, Thanh Toàn chia sẻ.
Chỉ mới ra đời từ năm 2019, MiSmart tính đến thời điểm hiện tại đã “gom” rất nhiều giải thưởng lớn.
MiSmart giành giải xuất sắc cuộc thi “Dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo TP.HCM năm 2020”, giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia Viet Solutions 2020”.
Trong năm 2021, MiSmart tiếp tục trở thành một trong 5 start-up thắng cuộc Chương trình thử thách sáng tạo cùng công nghệ trí tuệ nhân tạo “AI Accelerator Challenge 2021” (AAC 2021)…
Song song đó, start-up trên cũng thu hút sự quan tâm, dõi theo của một số quỹ đầu tư lớn và thương mại hóa thành công thông qua việc bán được hàng trăm sản phẩm cho các doanh nghiệp.
Hội ngộ các start-up tiêu biểu tại Talkshow “Cảm hứng khởi nghiệp”
Ngày 31-3, ban tổ chức Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up 2022 (Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM và báo Tuổi Trẻ) tổ chức chương trình Talkshow “Cảm hứng khởi nghiệp”, tổng kết, vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu mùa 3, tại ĐH Quốc gia TP.HCM.
Theo đó, diễn giả tham gia chương trình là những gương mặt trẻ ấn tượng, đã xuất sắc được vinh danh và nhận hỗ trợ trong các mùa giải trước, như: Nguyễn Khắc Minh Trí, nhà sáng lập của MimosaTEK – Start-up được vinh danh và nhận giải đặc biệt năm 2020; Forbes Under 30 Lê Yên Thanh, nhà sáng lập, CEO ứng dụng BusMap – Start-up được vinh danh và nhận hỗ trợ năm 2020.
Cùng lan tỏa cảm hứng khởi nghiệp đến với các bạn trẻ lần này là sự xuất hiện của chuyên gia Nguyễn Mạnh Tường, phó chủ tịch HĐQT, đồng tổng giám đốc MoMo, với kinh nghiệm 20 năm trong ngành công nghệ và tài chính.
Buổi chia sẻ còn có sự tham dự của một gương mặt đang rất được các bạn trẻ quan tâm là Kevin Tùng Nguyễn – Under 30 Forbes châu Á 2019, CEO/Founder JobHopin.
Khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và khiến nguồn vốn đầu tư vào start-up bị chững lại, công ty do Kevin Tùng Nguyễn sáng lập và làm CEO, vẫn công bố huy động thành công 2,45 triệu USD trong vòng Series A, nâng tổng số vốn được đầu tư lên 3 triệu USD.
Lễ vinh danh và trao hỗ trợ các start-up tiêu biểu sẽ diễn ra ngay sau đó. Bên cạnh các start-up tiêu biểu được vinh danh và trao hỗ trợ, năm nay Công ty PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông sẽ tặng giải thưởng đặc biệt trị giá 100 triệu đồng cho start-up được Hội đồng thẩm định bình chọn xuất sắc nhất.
MINH HUỲNH