TTO – Những dự án sáng tạo, khởi nghiệp của học sinh, sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp thường được đánh giá cao bởi tính gần gũi, thực tiễn, dễ áp dụng ngay vào đời sống.
Đỗ Minh Hoàng và sản phẩm “Máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động”- Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sáng nay (24-6) tại TP.HCM, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) chính thức phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp 2022” (Startup Kite 2022). Đây là lần thứ 3 cuộc thi được triển khai, tạo sân chơi sáng tạo cho các bạn trẻ theo học ở các trường nghề trên cả nước.
Giải bài toán “thi rồi thôi”
Ngày 22-6, chúng tôi đến Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM gặp lại nhóm sinh viên đã từng giành giải nhất Startup Kite mùa đầu tiên (2020) với sản phẩm “Máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động”. Ở thời điểm đăng quang, chiếc máy này có thể đo thân nhiệt ở khoảng cách xa, từ 30 – 50cm, trong khi hầu hết sản phẩm trên thị trường lúc ấy chỉ hoạt động trong tầm 2 – 10cm. Thời gian đo cũng được rút ngắn chỉ còn 1 giây.
Sinh viên Đỗ Minh Hoàng (22 tuổi) – một trong 5 thành viên của nhóm – chia sẻ từ khi kết thúc cuộc thi đến nay, các thế hệ máy đo mới liên tục ra đời. Máy tiếp tục được nhóm nâng cấp qua 6 phiên bản khác nhau, hoàn thiện các tính năng để cho kết quả nhanh và chính xác nhất. Ngoài chức năng “truyền thống” là đo thân nhiệt kết hợp rửa tay sát khuẩn, máy hiện có luôn nơi quét mã QR để khai báo y tế hoặc để điểm danh, chấm công. Máy còn đo được một vài thông số sức khỏe như chiều cao, cân nặng, nhịp tim… Thông tin sẽ ngay lập tức được chuyển về điện thoại thông minh của người sử dụng.
Bước ra từ Startup Kite, nhóm của Hoàng được một số đơn vị biết tới và đặt yêu cầu thiết kế các sản phẩm riêng. Ông Trần Nguyên Bảo Trân – trưởng bộ môn cơ điện tử – tự động hóa, giáo viên hướng dẫn nhóm – cho biết một số nhà máy, trường học đã “đặt hàng” nhóm làm tiếp những máy đo thân nhiệt kết hợp với rửa tay để bố trí ở cổng ra vào. Đặc biệt, một công ty ở Mỹ đã liên hệ với nhóm, muốn có máy đo thân nhiệt. Tới nay, nhóm đã xuất sang Mỹ được khoảng 90 máy phiên bản rút gọn.
“Để đảm bảo độ chính xác của sản phẩm vào mùa đông ở Mỹ, các sinh viên phải dành cả tháng trời thử nghiệm trong các phòng lạnh, nâng cấp công nghệ để máy đo được thân nhiệt người ngay cả khi ngoài trời giá lạnh. Chúng tôi xác định từ đầu một khi đã làm sản phẩm sẽ phải có tác dụng gì đó, không thể làm một sản phẩm chỉ để thi, thi xong rồi thôi” – ông Trân nói.
Học được nhiều từ hành trình khởi nghiệp
TS Phạm Hữu Lộc – hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM – cho biết để phát triển phong trào sáng tạo, khởi nghiệp, từ tháng 4-2019 nhà trường đã thành lập “CLB Khởi nghiệp” cho sinh viên. Tại đây, các bạn sẽ được trang bị những kỹ năng cơ bản nhất khi theo một dự án, từ ý tưởng đến khi đưa ra thị trường, như lên kế hoạch, nghiên cứu thị trường, thực hiện ý tưởng, đối thủ cạnh tranh, đăng ký sở hữu trí tuệ, quản lý đội ngũ nhân viên, nguồn lực, quảng bá sản phẩm…
Với những ý tưởng hay, các nhóm sinh viên sẽ tiếp tục bắt tay vào thực hiện, từ những mô hình tới sản phẩm thực, với sự hướng dẫn của giảng viên. Các sản phẩm tiềm năng, có tính ứng dụng sẽ tiếp tục được hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp, đưa vào đời sống. “Qua một dự án khởi nghiệp, dù có thành công hay không, các bạn cũng có cơ hội để trải nghiệm, học thêm rất nhiều thứ, không chỉ chuyên môn mà còn kiến thức kinh doanh, kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm” – ông Lộc nói.
TS Đồng Văn Ngọc – hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội – nhận xét một đặc điểm khác biệt khá rõ ở những dự ,án của sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp so với khối đại học là tính ứng dụng thực tiễn trong các sản phẩm. Nhiều đề tài của sinh viên đại học mang thiên hướng nghiên cứu, hàn lâm, trong khi dự án của sinh viên nghề có phần gần gũi hơn, áp dụng dễ hơn. Chẳng hạn, một số dự án được đánh giá cao trong các mùa Startup Kite như “Giường thông minh phục vụ người già và người khuyết tật”, dự án “Thiết bị thông minh hỗ trợ bệnh nhân bị hạn chế khả năng hoạt động”…
Chung kết vào tháng 11-2022
Cuộc thi Startup Kite 2022 sẽ trải qua 3 vòng, bao gồm sơ tuyển, bán kết (dự kiến vào tháng 9 & 10-2022) và vòng chung kết (dự kiến tháng 11-2022). Đối tượng tham gia là học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc.
Năm nay, ban tổ chức kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận được những sản phẩm, dự án mới tiềm năng. Những sản phẩm, dự án được đánh giá cao cần đáp ứng được một số tiêu chí như tính mới, tính sáng tạo, tính giá trị, tính khả thi, tính chuyên môn và tính hiệu quả…
Từ nay đến trước ngày 10-9, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước sẽ tổ chức cuộc thi cấp trường nhằm lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc của các thí sinh, gửi về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để tham dự vòng bán kết.
Từ thi tới thương mại hóa
Bà Trần Minh Huyền – vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – cho biết qua 2 năm tổ chức, cuộc thi Startup Kite đã thu hút được 2.818 ý tưởng, dự án, trong đó 105 dự án vào vòng chung kết, 73 dự án đoạt giải. Từ cuộc thi, nhiều mô hình đang trong những giai đoạn hiện thực hóa và bước ra thị trường như sản phẩm “Máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động” của Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM hay dự án “Thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình” của Trường CĐ nghề Kỹ thuật – công nghệ Tuyên Quang…
Theo bà Huyền, đổi mới sáng tạo, gắn kết với doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mang tới nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên. “Những cuộc thi như Startup Kite sẽ tiếp sức thúc đẩy tinh thần dám nghĩ dám làm cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Trong nhiều năm qua, các bạn đã chứng tỏ được bản lĩnh sáng tạo bằng chính những ngành nghề mà đang theo học, qua đó phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được nhiều doanh nhân đi trước đánh giá cao” – bà Huyền nói.