Người trẻ Trung Quốc và châu Á dần từ bỏ quán game truyền thống để đổi sang mô hình khách sạn kết hợp phòng chơi game hiện đại, chi phí hợp lý.
Zhu Hao, nhân viên văn phòng ở độ tuổi ngoài 20, gần đây đã đặt phòng tại một khách sạn ở Thâm Quyến để thư giãn cuối tuần cùng vài người bạn. Họ chơi game đến sáng, đặt đồ ăn tại chỗ và thư giãn với dịch vụ massage.
“Chơi một mình thật chán,” Zhu nói, cho biết thích đi chơi cuối tuần tại các khách sạn kiểu này vì cha mẹ không thể cằn nhằn hay làm phiền.
Zhu và bạn bè lưu trú tại Jinnang E-Sports Pan-Entertainment, một trong hàng trăm khách sạn ở Thâm Quyến phục vụ các game thủ. Khách sạn cung cấp phòng kiểu ký túc xá tối đa năm giường tầng, trang bị dàn máy hiện đại với màn hình lớn và ghế ngồi thoải mái. Để đảm bảo năng lượng cho khách chơi game, khách sạn có khu vực ăn uống với nhiều loại mì ăn liền và đồ ăn nhẹ.
Các khách sạn chuyên biệt tương tự đang phát triển mạnh ở châu Á, từ Hong Kong đến Nhật Bản, Malaysia và Singapore nhờ sự bùng nổ của văn hóa chơi game. Riêng tại Trung Quốc đã có hơn 21.000 khách sạn dạng này, theo công ty nghiên cứu Niko Partners. Xu hướng phản ánh sự thay đổi trong lối sống của giới trẻ Trung Quốc, thường được gọi là thế hệ “nằm im”, thích tận hưởng các hoạt động giải trí cùng bạn bè.
Zhang Zijun, quản lý một khách sạn cạnh tranh gần đó thuộc chuỗi Yueta, nói thế hệ trẻ hiện chưa thực sự quan tâm đến tiết kiệm. Họ chỉ cần giá cả hợp lý, không gian thoải mái để chơi game với bạn bè.
Zhang cho biết khách hàng mục tiêu của các khách sạn chơi game là những nhân viên văn phòng, tuổi từ 20 tới 30, đam mê chơi điện tử. Khách sạn Zhang làm có tổng 40 phòng, tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 92% và 100% vào cuối tuần. Hầu hết khách là nam nhưng cũng có một phòng với tường hồng, ghế và đèn LED thiết kế riêng để hút khách nữ. Không gian công cộng của khách sạn thường vắng vì khách ở trong phòng chơi game đến sáng, một số nhóm còn thuê tới 8 đêm.
“Họ chỉ ở trong phòng và gọi đồ ăn”, Zhang nói, cho biết nhân viên vệ sinh đã mang theo hai túi rác khổng lồ khi rời phòng nhóm này.
Trong khi ở Mỹ hay châu Âu, game thủ thường chơi trực tuyến. Ở châu Á, mọi người có thói quen tụ tập bạn bè ở những điểm công cộng. Những khách sạn chơi game bùng nổ trong thời kỳ Covid-19 khi các quán Internet phải đóng cửa. Sau đại dịch, các quán game truyền thống khó cạnh tranh vì ở khách sạn, chi phí chia phòng cho bốn người tốn khoảng 14 USD mỗi người mỗi đêm, rẻ hơn nhiều so với trả phí theo giờ tại quán.
Để bắt kịp xu hướng, nhiều khách sạn đầu tư lớn nhằm hút game thủ, ví dụ khách sạn E-Blue Esports tại Trung Sơn có thiết kế hiện đại với ánh sáng LED xanh và phòng ngủ kiểu capsule (con nhộng) khiến không gian như trong phim khoa học viễn tưởng. Mỗi phòng có sức chứa bốn người, chi phí cho ba đêm chơi khoảng 200 USD và hầu như cơ sở lúc nào cũng kín phòng.
Quản lý Li Wei của khách sạn này nói không phải cơ sở nào cũng thu hút khách vì sự cạnh tranh rất khốc liệt. Trong bán kính 3 km, ông thấy có hơn 10 khách sạn đối thủ và một cơ sở gần đây đã phá sản, phải chuyển giao cho người khác.
Dù quản lý chặt trò chơi điện tử để chống nghiện game, Trung Quốc vẫn xác định thể thao điện tử là động lực tăng trưởng kinh tế. Trong tháng 8, tựa game Hắc thoại: Ngộ Không đã tạo tiếng vang lớn cho ngành game nước này. Theo báo cáo của CTrip, thị trường lưu trú kết hợp chơi game đã tạo ra doanh thu khoảng 2,7 tỷ USD vào năm ngoái.
Fosun International, tập đoàn sở hữu CLB Wolverhampton tại Ngoại hạng Anh, cũng đang có kế hoạch mở khách sạn chơi game riêng. Đại diện đơn vị nói muốn nhắm đến khách hàng trẻ – những người yêu thích thể thao điện tử.
“Một trong những cách hiệu quả nhất là kết hợp thể thao điện tử, khách sạn và du lịch văn hóa”, đại diện đơn vị nói.
Tương tự, tại Malaysia, Kevin Wong, CEO của tổ chức esports SEM9, đã mua lại một khách sạn ba sao ở Johor Bahru và cải tạo để phục vụ các game thủ. Ngay sau khi được quảng cáo, tỷ lệ lấp đầy tăng gấp đôi lên hơn 40%. Hiện tại, Wong đang đàm phán với nhiều khách sạn trong nước khác để chuyển đổi mô hình, thu hút game thủ.
Hoài Anh (Theo SCMP)