(VNF) – Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thị trường TPDN không thể chỉ dựa vào ngân hàng và bất động sản. Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng cần khuyến khích thêm các nhà đầu tư nước ngoài, các định chế tài chính tham gia vào thị trường này.
Trái phiếu DN: Phần lớn có ngân hàng, bất động sản
Theo báo cáo Tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 11/2024 của VIS Rating, trong tháng 11/2024, lượng phát hành trái phiếu mới giảm xuống 23,4 nghìn tỷ đồng từ mức 39,1 nghìn tỷ đồng trong tháng 10/2024. Lũy kế 11 tháng năm 2024, lượng phát hành TPDN đạt trên 400.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu chỉ xét riêng về số lượng phát hành mới, có thể thấy thị trường TPDN đang có những bước khởi sắc nhất định sau giai đoạn ảm đạm kéo dài. Tuy vậy, đằng sau những con số tưởng chừng như tích cực này lại ẩn chứa nhiều vấn đề cần phải bàn đến.
Chưa nói đến vấn đề chậm, trả nợ TPDN vẫn đang tiếp diễn, việc cơ cấu các tổ chức phát hành gần như chỉ gói gọn ở nhóm ngân hàng và bất động sản có thể khiến thị trường TPDN khó phát triển hơn nữa.
Phát biểu tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định thị trường TPDN tại Việt Nam hiện vẫn chỉ đang dựa vào hai nhóm chính là ngân hàng và bất động sản. “Nếu thực trạng này còn tiếp diễn, thị trường TPDN của chúng ta sẽ rất gay go”, ông nói.
Trên thực tế, trong 11 tháng năm 2024, ngân hàng vẫn đang là nhóm phát hành TPDN nhiều nhất trên thị trường. Sự dịch chuyển trong cơ cấu tổ chức phát hành TPDN diễn ra rõ rệt nhất trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay.
Nếu như ở giai đoạn tháng 7 – 9/2023, lượng TPDN do nhóm bất động sản và ngân hàng không chênh lệch quá nhiều thì đến nay, phần lớn lượng TPDN phát hành mới trên thị trường đều của các tổ chức tín dụng. Dẫu vậy, bất động sản vẫn là nhóm ngành phát hành nhiều thứ hai thị trường.
Kênh TPDN chưa phát huy được đúng vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế khi vắng bóng các doanh nghiệp sản xuất chủ chốt như công nghiệp, nông nghiệp. Trong khi đó, việc huy động vốn qua kênh TPDN của các ngân hàng chủ yếu để phục vụ cho mục đích tăng vốn cấp 2, từ đó có thể tăng huy động và cho vay.
Còn thị trường bất động sản “ì ạch” cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành mới do sức hấp thụ yếu từ thị trường, tình trạng chậm trả nợ, phải đàm phán kéo dài thời hạn thanh toán cho các trái chủ.
Ông Nghĩa nhận định thị trường TPDN đang phản ánh rõ nét cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP của Việt Nam cao nhưng phần lớn chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu, sau đó đến đầu tư và bán lẻ. Tuy nhiên, chiếm phần lớn ở các khu vực này là các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp một phần nhỏ.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp nội địa thiếu vốn trầm trọng nhưng vẫn không thể huy động được vốn qua kênh TPDN khi thị trường này đang chơi chính của ngân hàng và bất động sản. Nếu tăng trưởng” của thị trường TPDN lại chủ yếu dựa vào bất động sản và ngân hàng thì tăng trưởng của nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục “dựa dẫm” vào các doanh nghiệp FDI.
Để thị trường TPDN sớm khởi sắc trở lại
Sau giai đoạn khủng hoảng của kênh TPDN, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành nhiều nghị định, quy định nhằm siết lại kênh TPDN như Nghị định 65, Nghị định 08, Thông tư 76,… hay mới đây nhất là Luật Chứng khoán sửa đổi. Những quy định mới này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường TPDN phát triển theo hướng minh bạch hóa hơn.
Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ của SSI, những thay đổi trong các Nghị định được ban hành trước đó và mới đây là Luật chứng khoán sửa đổi liên quan đến TPDN giúp thị trường phát triển theo hướng chặt chẽ và minh bạch hơn.
“Những điều kiện khắt khe hơn về TPDN trong Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ giúp giải tỏa tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường này. Các thay đổi này giúp ‘mở đường’ cho các nhà đầu tư quay trở lại thị trường, kích thích sự sôi động vốn có của kênh huy động vốn này”, ông Hải dẫn chứng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn cần nhiều giải pháp khác để thị trường TPDN phát triển theo đúng tiềm năng vốn có.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thị trường TPDN sẽ phát triển trở lại khi thị trường bất động sản “ấm” trở lại. “Do đó, điều cần làm là phải giải quyết càng sớm càng tốt các dự án bất động sản đang nằm ‘đắp chiếu’ tại các tỉnh thành. Một khi thị trường bất động sản được khơi thông, thị trường TPDN theo đó cũng sẽ khởi sắc trở lại”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hải gợi mở rằng cần phải huy động thêm các nhà đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa tệp khách hàng tham gia vào thị trường TPDN. “Thay vì thắt chặt, chúng ta cần xem xét và sửa đổi các quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường TPDN. Cùng với những thay đổi về khuôn khổ pháp lý, triển vọng kênh huy động vốn này có thể tích cực hơn trước khi chúng ta mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng vốn ngoại tiếp cận thị trường”, ông nói.
Trên thực tế, tính tới cuối năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia ở quy mô khoảng 3% thị trường TPDN và phần lớn là các quỹ đầu tư tham gia trái phiếu của các doanh nghiệp lớn. Việc khuyến khích nhóm nhà đầu tư nước ngoài tham gia sân chơi TPDN sẽ phần nào giúp giải tỏa nhu cầu vốn dài hạn của các doanh nghiệp Việt thời gian tới.
Đứng ở góc độ của một đơn vị xếp hạng tín nhiệm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần Fiingroup, cho rằng cần đưa ra những chính sách khuyến khích nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện tham gia thị trường này. “Mặc dù có tiềm lực rất lớn nhưng nhóm này hiện mới chỉ chiếm chưa đến 10% giá trị trái phiếu lưu hành. Chính vì vậy, cần phải có những quy định, chính sách mới để cho phép các định chế tài chính trên tham gia sâu hơn vào thị trường TPDN. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa minh bạch thông tin, đa dạng hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xếp hạng TPDN cũng là những vấn đề cần lưu tâm”, ông nói.