Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020. Lần sửa đổi này quy định rõ hơn về xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành trái phiếu, hệ số nợ phải trả, giá trị trái phiếu phát hành…
Quy định mới bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu
Một số điều phải sửa đổi cho phù hợp với Luật Chứng khoán sửa đổi. Cụ thể, tại Điều 19, Nghị định 155 về điều kiện liên quan hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu khi thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng theo khoản 3 Điều 15, Luật Chứng khoán (sửa đổi), theo đó dự kiến quy định như sau:
Tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm không phải là người có liên quan; có hệ số nợ phải trả (bao gồm cả giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) trên vốn chủ sở hữu không quá 3 lần, ngoại trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Giá trị trái phiếu dự kiến phát hành theo mệnh giá không lớn hơn vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý nhất là trái phiếu phát hành của tổ chức tín dụng hoặc trái phiếu được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính ở nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế bảo lãnh thanh toán toàn bộ gốc và lãi trái phiếu.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, quy định tổ chức phát hành trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm như vậy là để doanh nghiệp làm quen với văn hóa xếp hạng tín nhiệm, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng.
Thị trường trái phiếu sẽ còn phát triển
Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VnDirect đến ngày 2/12, trong tháng 11 có 30 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công, với tổng giá trị phát hành đạt hơn 28.000 tỷ đồng, giảm 26% so với tháng trước và giảm 23,7% so với cùng kỳ.
Theo VnDirect, hoạt động phát hành riêng lẻ trong tháng 11 đã chậm lại. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024 tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đạt hơn 349 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ.
Trong tháng 11 vừa qua, có 23 đợt phát hành riêng lẻ của nhóm ngân hàng với tổng giá trị phát hành đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,7% tổng giá trị phát hành, trong khi nhóm doanh nghiệp bất động sản có 3 đợt phát hành có tổng trị phát hành là gần 3 nghìn tỷ đồng.
Thống kê của VIS Rating cho thấy, 11% tổ chức phát hành trái phiếu trong tháng 10/2024 có hồ sơ tín nhiệm ở mức “dưới trung bình” hoặc thấp hơn. Tuy vậy, tỷ lệ này đã cải thiện so với tỷ lệ 24% của tháng trước.
Ngoài ra, tất cả các tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm yếu đều thuộc nhóm phi tài chính. Các tổ chức phát hành này có hệ số đòn bẩy và khả năng trả nợ ở mức “cực kỳ yếu”, phản ánh hoạt động kinh doanh của các đơn vị này không tạo ra đủ thu nhập và dòng tiền để trả nợ gốc và lãi vay.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, 56% tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm ở mức yếu thuộc nhóm bất động sản nhà ở và xây dựng . Hơn nửa số tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm yếu là các công ty mới thành lập, không có hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Khủng hoảng thị trường trái phiếu trong 2 năm qua khiến nhiều nhà đầu tư chùn tay với kênh đầu tư này.
Ông Nguyễn Đình Duy – chuyên gia VIS Rating – cho biết, xếp hạng tín nhiệm cung cấp thêm cho thị trường một kênh thông tin để tăng cường tính minh bạch, giúp nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là thước đo rủi ro giúp nhà đầu tư có căn cứ xác định giá phù hợp khi mua bán trái phiếu.
Ông Duy thông tin, năm 2025, xu hướng phát hành trái phiếu vẫn thuộc về doanh nghiệp ngành ngân hàng và bất động sản. Về lâu dài, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều dư địa phát triển.
“Theo định hướng của Chính phủ đến năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP. Tuy nhiên hiện tại, quy mô thị trường mới được 10-11%. Nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp rất lớn nhưng hiện tại phụ thuộc lớn vào ngân hàng…”, ông Duy nói.