Khi sở hữu một chiếc laptop, người dùng thường phải đối mặt với vấn đề bộ sạc độc quyền, gây ảnh hưởng cho trải nghiệm sử dụng.
Do bộ sạc độc quyền, nếu người dùng quên mang theo bộ sạc hoặc dây sạc bị hỏng trong chuyến đi, laptop có thể hết pin mà không có cách nào để sạc lại. Bộ sạc độc quyền thường chỉ tương thích với thiết bị mà chúng được sản xuất, điều này khiến người dùng phải mang theo nhiều thiết bị khác nhau và gây bất tiện trong việc sử dụng.
Lựa chọn nào khi sạc laptop?
Hơn nữa, việc thay thế bộ sạc độc quyền khi bị hỏng có thể tốn kém và khiến nhiều người muốn giữ chúng ở nhà. Trong khi các nhà sản xuất không khuyến nghị sử dụng bộ sạc khác ngoài bộ sạc chính hãng, sự xuất hiện của bộ sạc USB-C thực sự đã thay đổi. Mặc dù khả năng sử dụng bộ sạc USB-C phụ thuộc vào từng loại laptop nhưng Liên minh châu Âu (EU) gần đây yêu cầu các thiết bị di động phải tuân thủ chuẩn USB-C vào cuối năm nay, và laptop sẽ phải hỗ trợ sạc qua USB-C vào mùa xuân năm 2026. Điều này đã khiến nhiều nhà sản xuất, bao gồm cả Apple, bắt đầu sản xuất MacBook với sạc qua USB-C ngay cả với sản phẩm bán ra bên ngoài EU.
Nếu laptop vẫn dùng bộ sạc độc quyền, hãy kiểm tra xem nó có cổng USB-C Power Delivery (PD) hay không. Power Delivery là một chuẩn USB cho phép tăng công suất sạc, giúp người dùng dễ dàng sạc hầu hết laptop. Hơn nữa, sạc qua USB-C PD rất an toàn nhờ vào khả năng điều chỉnh công suất và quản lý điện năng hợp lý, giúp giảm thiểu nguy cơ hư hỏng do sạc quá mức.
Tuy nhiên, không phải mọi cổng USB-C đều có khả năng sạc laptop. Chỉ những cổng USB-C được trang bị giao thức Power Delivery mới có thể cung cấp công suất lên đến 100W. Các cổng USB-C thông thường chỉ có thể truyền dữ liệu hoặc kết nối với thiết bị ngoại vi. Do đó nếu người dùng thử cắm bộ sạc vào cổng USB-C không hỗ trợ PD, nó sẽ không có tác dụng.
Lý do các công ty khuyên dùng bộ sạc riêng
Mặc dù nguy cơ hỏng hóc khi sử dụng bộ sạc USB-C không phải là cao nhưng nhiều công ty vẫn khuyến cáo người dùng không nên sử dụng bất kỳ loại dây nguồn nào khác ngoài bộ sạc độc quyền của họ. Một trong những lý do chính là liên quan đến công suất. Nếu người dùng sử dụng bộ sạc không phù hợp với công suất yêu cầu của laptop, quá trình sạc có thể diễn ra chậm hoặc thậm chí không sạc được. Ngược lại, nếu công suất quá cao, laptop có thể bị hỏng.
Ngay cả khi bộ sạc của bên thứ ba tương thích với laptop, người dùng vẫn cần kiểm tra để đảm bảo công suất phù hợp với khuyến nghị của nhà sản xuất. Mặc dù công nghệ USB-C Power Delivery (PD) đã giúp giảm thiểu vấn đề này, tuy nhiên nó vẫn có giới hạn. Đối với những laptop cần nhiều năng lượng để sạc, PD có thể không hoạt động hiệu quả.
Một lý do khác khiến các công ty khuyên dùng bộ sạc riêng là do sự hiện diện của bộ chuyển đổi – một khối cồng kềnh gắn vào một số dây nguồn laptop. Bộ chuyển đổi này có chức năng lấy công suất từ phích cắm AC và ổn định nguồn điện, đảm bảo máy luôn nhận được lượng điện chính xác.