Khởi nghiệp đầy hồn nhiên, tôi suýt rơi vào bế tắc

TTO – “Chúng tôi có lập kế hoạch, tính toán tài chính nhưng chỉ ở mức sơ khai, thiếu thực tế nên những gì diễn ra sau này đều không đúng. Các thuật ngữ như mentor (người cố vấn) này nọ là điều xa lạ”, Gia Huy chia sẻ.

Khởi nghiệp đầy hồn nhiên, tôi suýt rơi vào bế tắc - Ảnh 1.

Bạn Lương Công Gia Huy – Ảnh: G.HOÀNG

Có những lúc tình hình tài chính thăng hoa rực rỡ, nhưng cũng có thời điểm tâm trạng gần như rơi vào bế tắc vì túi tiền trống rỗng, thất bại dồn dập kéo đến… đó là những góc khuất ít người biết của Lương Công Gia Huy (32 tuổi, đồng sáng lập flashcard BlueUp và chuỗi bún cá Ninh Hòa).

Nói về cái duyên khởi nghiệp, Gia Huy chia sẻ: “Từ khi còn là sinh viên năm hai hệ tiên tiến khoa công nghệ thông tin ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), tôi đã nhận ra bản thân đam mê với việc kinh doanh. Khi đó chúng tôi chưa định hình được ý tưởng kinh doanh là gì, chỉ biết mình rất hứng thú với các môn học kinh tế, tìm hiểu kinh doanh và thị trường… 

Khi học năm tư, tôi cùng năm người bạn học cùng lớp thảo luận, tìm ý tưởng và bắt tay vào xây dựng dự án đầu tiên là flashcard (tạm hiểu: một bộ gồm nhiều mảnh giấy nhỏ tổng hợp các từ vựng tiếng Anh đi kèm định nghĩa, hình ảnh minh họa).

* Vì sao lại là flashcard?

– Xuất phát từ ý tưởng của một thành viên trong nhóm mong muốn tìm kiếm một phương pháp học tiếng Anh thật hiệu quả, nhất là khi tiếng Anh luôn là “ác mộng” với sinh viên khối kỹ thuật. 

Khi nhận thấy flashcard là một phương pháp học từ vựng cực kỳ hiệu quả và rất phổ biến tại nước ngoài (đây cũng là phương pháp được khuyến khích dùng bởi Tony Buzan – cha đẻ của bản đồ tư duy) trong khi ở Việt Nam rất ít nơi làm sản phẩm như vậy, chúng tôi xây dựng sản phẩm vào tháng 10-2010 và 1 năm sau thì sản phẩm ra mắt trên thị trường.

* Khởi nghiệp là một hành trình đầy chông gai. Trước đó các bạn đã có những sự chuẩn bị gì, đã có cố vấn (mentor)?

– Khi bắt đầu, do tất cả chúng tôi vẫn là sinh viên nên suy nghĩ khá đơn giản là “làm được một sản phẩm gì đó có giá trị và độc đáo”, có lẽ vì hồn nhiên vậy mà đủ dũng cảm để bắt đầu làm (cười lớn). 

Chúng tôi có lập kế hoạch, tính toán tài chính nhưng chỉ ở mức sơ khai, thiếu thực tế nên những gì diễn ra sau này đều không đúng. Các thuật ngữ như mentor (người cố vấn) này nọ là điều xa lạ thời điểm đó.

* Thành công có đến dễ dàng?

– Trong quá trình đầu xây dựng công ty thì thăng trầm đều có đủ, nhưng lạc quan nhiều hơn. Chúng tôi thậm chí được nhiều người tung hô, rồi đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp Startup Weekend 2011 và có hai quỹ đầu tư đồng ý rót vốn…

Nhưng phải đến năm 2016 thì công ty mới tìm được mô hình kinh doanh hiệu quả, nhân sự và doanh thu rất tốt. Thời điểm đó chúng tôi xây dựng được mạng lưới bán hàng hiệu quả cả ở mô hình online lẫn truyền thống, chiến lược tiếp thị vững và sản phẩm mang lại hiệu quả thực sự cho người dùng. 

Song song đó, tôi cũng khá thành công với chuỗi bún cá Ninh Hòa. Có những giai đoạn tôi phải thú nhận “tiền nhiều không biết phải làm gì”…

* Và rồi sau đó sóng gió kéo đến?

– Đến năm 2018 thì mọi thứ dần thay đổi, khách hàng chuyển sự quan tâm đến các sản phẩm online hơn sản phẩm giấy (chủ lực của chúng tôi). Thêm nữa, kênh bán hàng truyền thống qua nhà sách vốn có vòng quay vốn chậm nên kém hiệu quả, chúng tôi phải bỏ kênh này mà tập trung nhiều hơn cho online. 

Nhưng các kênh tiếp thị online lại phát sinh vấn đề là chúng không còn hiệu quả như trước vì thuật toán thay đổi liên tục, số tiền bỏ ra cho quảng cáo online trở nên vô cùng lớn trong khi kết quả thu về không tương xứng như kỳ vọng… Nhiều lý do cùng lúc làm doanh thu lao dốc.

* Cột mốc “kinh khủng” nhất?

– Chính là năm 2018. Flashcard bị ảnh hưởng đáng kể, chuỗi bún cá cũng gặp nhiều vấn đề của nó. Vốn đi theo mô hình kinh doanh quán nhỏ tận dụng một phần vỉa hè nên khi TP.HCM có chính sách cấm kinh doanh trên vỉa hè, toàn chuỗi của tôi mất 40% doanh thu vì mặt bằng dời vào trong và thu hẹp lại, thậm chí phải đóng cửa một trong bốn quán.

Cùng với đó là chi phí ngày một tăng làm lợi nhuận teo tóp hẳn. Đã từng có giai đoạn tôi gần như hoàn toàn bế tắc, không tìm được lối ra cho cả hai mô hình kinh doanh trên. 

Tất cả số tiền có được ở giai đoạn hưng thịnh nhất đều dùng để xoay xở cứu cả hai trong lúc này, có những tài sản quý giá nhất cũng phải cắn răng bán đi, tôi thậm chí còn bị nợ thêm rất nhiều. Công ty phải cắt giảm nhân sự và không còn đủ lực để phát triển các sản phẩm mới.

Giai đoạn đó tôi như người mất hồn, lúc nào cũng căng đầu suy nghĩ cách cứu chính mình. Những cơn mất ngủ, đau đầu, đau bao tử… liên tục diễn ra làm thể chất của tôi suy yếu rất nhanh. 

Sự kiệt quệ về tinh thần từng nhiều lần khiến tôi suy nghĩ đến việc bỏ đi tất cả. Cảm giác bất tài, hoài nghi về năng lực bản thân là điều kinh khủng nhất.

* Cách bạn vượt qua?

– Tôi nghĩ chính sự lì lợm, học cách chấp nhận “chịu đòn” đã giúp bản thân dần vượt qua những khó khăn. Thời điểm đó tôi không chia sẻ nhiều với gia đình vì không muốn ai lo lắng và vì khoảng cách thế hệ, người duy nhất mình chia sẻ tất cả vấn đề là vợ và may mắn vợ rất thấu cảm, không ngừng động viên.

Chúng tôi chiến đấu không ngừng nghỉ để vực dậy công ty flashcard. Tôi bán bản quyền kinh doanh truyền thống ở nhà sách cho đối tác, cắt giảm những bộ phận không quá thiết yếu, tập trung vào đối tượng khách hàng nhỏ hơn nhưng hiệu quả hơn… 

Suốt quá trình đó, tôi phải linh động đưa dòng tiền từ việc kinh doanh bún cá sang. Kết quả, việc kinh doanh dù không được như giai đoạn hoàng kim nhưng tương đối ổn định trở lại.

Về chuỗi quán ăn, cùng với việc cắt giảm nhân sự dư thừa, tôi tối ưu lại bộ máy vận hành, bổ sung thêm món ăn và xây dựng thương hiệu quán bài bản hơn để thu hút khách hàng mới.

* Bạn đúc kết được gì?

– Tôi biết cách chấp nhận với những gì đang có và nỗ lực xây dựng tiếp, thay vì đau đáu dằn vặt nghĩ về những sai lầm đã gặp, các cơ hội đã bỏ lỡ trong quá khứ. Chính điều này làm tinh thần tôi tốt lên rất nhiều và đủ sáng suốt để đi tiếp.

Tôi cũng may mắn nhận được học bổng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Rotman (thuộc Đại học Toronto), trường kinh doanh hàng đầu Canada. Tôi nghĩ trong khởi nghiệp thì kiến thức có bao nhiêu cũng không đủ, vì vậy dù hiện sự nghiệp đã ổn định và có gia đình nhỏ, tôi vẫn quyết định trở lại giảng đường…

Chào đón các ý tưởng khởi nghiệp

Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020.

Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 75 năm Quốc Khánh nước CHXHCN Việt Nam, 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.

Sẽ có khoảng 15-20 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) trong khoảng thời gian tháng 7 và tháng 8-2020.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.

Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như Công ty CP ĐT&TM Thái Bình, HD Bank, Golf Long Thành, IDICO…

Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup@tuoitre.com.vn.

Khởi nghiệp đầy hồn nhiên, tôi suýt rơi vào bế tắc - Ảnh 3.
Golf for Start-up: Tiếp sức cho các nhà khởi nghiệp trẻ Golf for Start-up: Tiếp sức cho các nhà khởi nghiệp trẻ

TTO – Minh Thông cho rằng hành trình khởi nghiệp luôn cần 3 điều tối quan trọng, gồm vốn, sự khích lệ và kinh nghiệm từ những tiền bối. Bạn nhìn thấy những điều này đều có trong chương trình trên của báo Tuổi Trẻ.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin