Tạ Minh Tuấn là chủ tịch TMT Group, anh từng vào tốp 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam, tạp chí Forbes từng bình chọn là một trong 30 người trẻ thành công và có ảnh hưởng nhất châu Á.
Anh còn là tác giả nhiều đầu sách: Khởi chánh nghiệp, Trước bình minh luôn là đêm tối, Khởi nghiệp phiêu lưu ký, Hành trình thức tỉnh. Vốn dành nhiều quan tâm cho lĩnh vực khởi nghiệp,.
Anh trò chuyện cùng Tuổi Trẻ:
– Khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới thiếu đi sự cân bằng. Nhiều người trẻ chọn khởi nghiệp bằng cách chú trọng vào vật chất, có khi đánh đổi cả các giá trị cốt lõi, trong đó có vấn đề lương tâm, đạo đức, sự bền vững.
Số khác mải miết chạy theo đam mê, có khi đánh đổi bằng sức khỏe của bản thân. Điều này có thể mang đến những kết quả ngắn hạn nhưng cũng đổi lại những hậu quả khôn lường lâu dài. Đôi khi sự khởi nghiệp ấy lại đang “tạo nghiệp”!
Bước qua bóng tối khi khởi nghiệp
* Dựa vào đâu mà bạn lại đưa ra góc nhìn nghe có phần tiêu cực vậy nhỉ?
– Tôi biết có người khởi nghiệp hoàn toàn không dựa trên những chân lý đúng đắn cơ bản của vũ trụ, những quy luật tự nhiên và có thể kiểm chứng khi nhìn vào quá trình khởi nghiệp của họ. Trong cuốn Khởi chánh nghiệp, tôi từng nhắc đến vấn đề chánh mạng – một sự nghiệp chân chánh.
Dẫn chứng điều mà người khởi nghiệp hay doanh nghiệp dễ phạm phải nhất là nói dối. Không cần phải là sự dối gạt nặng nề, mà đôi khi là truyền thông, quảng cáo một cách ma mị, lấp liếm đến quá đà.
Dĩ nhiên họ có quyền truyền thông song cần phải đúng đắn. Vì khi truyền thông, marketing chỉ dựa trên một phần sự thật, họ có thể nhận về tiền tỉ lợi nhuận nhưng dần dà đang đánh mất đi vô số thứ mà bằng mắt thường sẽ khó thấy được.
* Nhưng lợi nhuận, hào quang của danh tiếng là điều không dễ tránh, ai chẳng muốn. Bạn có kinh nghiệm nào với việc này?
– Đời sống doanh nghiệp có nhiều cám dỗ vì liên quan mật thiết đến tiền. Năng lượng của tiền hầu như chi phối nhiều mặt của đời sống, không riêng gì kinh doanh, là nguồn cơn tạo nên những ảo tưởng, vướng mắc.
Khi tôi vào top 10 Doanh nhân trẻ nhất Việt Nam, bấy giờ cũng có khá nhiều mối quan hệ tìm đến vì họ nhìn thấy chút gì gọi là thành công của một người trẻ. Thành thật mà nói lúc đó tôi cũng có sự hứng thú trước các cám dỗ ấy.
Một chút thành công đến sớm, một phần tuổi trẻ bồng bột khiến tôi cũng mắc sai lầm và chỉ thực sự thức tỉnh từ năm 2019, cũng mất khá lâu để cân bằng lại chính mình.
Khi ở vai trò người thầy, có chút ảnh hưởng, tôi được nhiều người ngưỡng mộ. Mà ranh giới giữa sự ngưỡng mộ, thần tượng với lạm dụng điều này để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân là rất mong manh. Đôi khi sự công nhận hời hợt của những người bên ngoài càng khiến bên trong chúng ta trở nên cô đơn.
Tôi cũng từng đi trong “bóng tối” cho đến khi nhận thức được sự tối tăm, và biết tìm cách tự thắp sáng bên trong mình. Thay vì cảm thấy tội lỗi, chối bỏ bản thân, tôi chọn yêu thương và tự sửa mình, dù đó là hành trình không dễ dàng.
Thắp sáng bản thân
* Thức tỉnh bản thân, cách nào để bạn tự “gọi mình quay về”?
– Với cá nhân tôi, đó là thiền. Thiền giúp tôi nhận ra sự thật về chính mình, biết mình sai ở đâu và gỡ từ chỗ nào.
Nói cách khác, thiền giúp tôi biết tỉnh thức vì khi ấy, ta có thể nhìn rõ những cám dỗ, nhận thức được sự nguy hại của chúng và theo đó cũng vơi dần sự ảnh hưởng đến ta.
Nói như vậy không có nghĩa thiền có tác dụng ngay khi bạn thực hành. Nhưng thiền sẽ dần kích hoạt chương trình thanh tẩy, chuyển hóa dần từ bên trong và tần số bạn lặp lại sai lầm sẽ giảm xuống, cho đến một ngày sẽ dừng hẳn.
* Cách bạn chọn thiền như một phương thức chữa lành sẽ thế nào?
– Như bất cứ người học thiền nào, tôi cũng đi từ phương pháp thực hành cơ bản nhất, gọi chung là thiền quán hơi thở, định tâm bằng cách quan sát hơi thở, rồi mới đến thiền tỉnh thức. Tôi thực hành thiền định tâm và dần đi đến thiền thanh lọc.
Như ly nước bị trộn lẫn cặn bẩn, thay vì khuấy động liên tục để chúng lẫn vào nhau, chúng ta cần bình tĩnh, yên lặng, để cặn bẩn lắng xuống và phần nước trong hơn hiện rõ lên trên. Lúc đó mới đến bước thanh lọc để tách hoàn toàn phần nước sạch.
Có một cách khác là thiền thức tỉnh, là những kỹ thuật để kết nối với trí tuệ bên trong.
Bên trong mỗi chúng ta luôn có đầy đủ trí tuệ cần thiết để giải quyết một vấn đề. Chỉ là chúng ta có biết cách gọi đúng lúc khi cần như thế nào.
* Với những người khởi nghiệp trẻ, bạn muốn chia sẻ gì cùng họ?
– Ai cũng có quyền khởi nghiệp, nhưng trước khi khởi nghiệp hãy nhận thức rõ ý niệm khởi nghiệp của mình. Hãy tìm hiểu và lắng nghe xem vì sao mình muốn khởi nghiệp, mục đích là gì khi chọn khởi nghiệp vì đều là điều hết sức quan trọng quyết định sự khởi nghiệp của bạn có chánh nghiệp hay không.
Và hãy tập thiền, sẽ giúp bạn nhận ra ý niệm ban đầu và hiểu đúng về chánh nghiệp. Tôi cho rằng một người muốn khởi nghiệp cần học hai thứ. Đó là kiến thức về kinh doanh và kiến thức về tinh thần, mà ở đây là thiền tỉnh thức, với tôi là vậy.