TTO – Giáo sư Phan Văn Trường vừa có buổi trò chuyện hữu ích và sinh động với đông đảo độc giả và cũng là học trò của ông nhân ngày 20-11.
Giáo sư Phan Văn Trường đang chia sẻ với bạn đọc những kinh nghiệm về tu thân lập nghiệp – Ảnh: L.ĐIỀN
Trong không gian của buổi ra mắt 3 tập sách Một đời quản trị, Một đời thương thuyết và Một đời như kẻ tìm đường; những câu chuyện của tác giả Phan Văn Trường dành cho các bạn trẻ đến với ông rộng hơn nhiều so với trang sách.
Với kinh nghiệm của một người làm việc từ nước ngoài, lãnh đạo cả tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là với tấm lòng yêu mến đất nước con người và văn hóa Việt Nam tha thiết, giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ rằng điều cần thiết với giới trẻ Việt Nam hiện nay là tu thân và rèn luyện kỹ năng.
Tu thân là câu chuyện phải bắt đầu từ giáo dục gia đình, giáo sư Phan Văn Trường nhắc lại lời dặn của người cha từ thuở nhỏ, rằng “khi nào cuộc đời tô môi vẽ mày cho mình, thì đừng bao giờ quay lại hỏi rằng mình có đẹp không, mà phải bằng tất cả sự khiêm nhường ra sức tô vẽ trở lại cho cuộc đời tươi đẹp hơn”.
Còn kỹ năng là vấn đề dài rộng hơn. Lời khuyên của “thầy Trường” đưa ra cho các học trò tại buổi giao lưu là mỗi bạn trẻ khi chuẩn bị vào đời nên có hai nghề, một là nghề dùng trí óc, và còn lại là khả năng/ năng khiếu làm gì đó bằng chân tay.
Bảo Hân (bìa phải) – thành viên CLB Mầm Sống cùng đông đảo bạn đọc đến giao lưu và đặt câu hỏi với giáo sư Phan Văn Trường – Ảnh: L.ĐIỀN
“Trong bối cảnh thị trường hiện nay, những nghề chân tay mang lại nhiều giá trị và lắm khi chính là cách để mình sống tốt đấy” giáo sư Phan Văn Trường lưu ý.
Cũng trong mạch chuyện về tu thân lập nghiệp, giáo sư Phan Văn Trường bày tỏ những nỗi niềm bấy nay ông chia sẻ về nông dân – nông nghiệp Việt Nam, về những bất cập trong tổ chức sản xuất nông nghiệp và rất nhiều điều bất hợp lý tồn tại mãi khiến nông nghiệp Việt Nam không cất cánh.
“Thầy Trường” cũng cho rằng với thực trạng 85% dân số còn nghèo như Việt Nam, các bạn trẻ khó khởi nghiệp thành công.
“Cho dù các bạn làm ra cái gì mới, nhưng số đông trên thị trường đang sống ở mức dưới trung bình, họ đang ưu tiên mua con cá lá rau với giá rẻ, như vậy thì rất khó khởi nghiệp thành công”, giáo sư Phan Văn Trường phân tích.
Giáo sư Trường chỉ ra rằng số đông người lao động Việt Nam làm việc và thu nhập không hợp lý để phục vụ cho 0,4% số người giàu trong cả nước. Đây là điều cần phải nhìn thẳng vào để tính cách thay đổi nếu muốn xã hội phát triển.
Nếu xem câu chuyện về một người thầy – là trí thức đi truyền trao tri thức – thì câu chuyện của giáo sư Phan Văn Trường hôm nay hẳn sẽ còn cần cho mai sau nhiều lắm.
Giáo sư, kỹ sư Phan Văn Trường – cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990. Ông hai lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ (Đài ghi công – 1990, Bắc đẩu bội tinh – 2006), và được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng huy chương “Vì Sự nghiệp giáo dục” (2010).
Một đời như kẻ tìm đường là ấn phẩm mới nhất của GS Phan Văn Trường, nội dung thiên về triết lý sống, như ông tự nhận: “Sách không do một triết gia viết, mà do một người yêu đời, yêu người, yêu hạnh phúc, yêu tình thương, yêu tiến bộ và nhất là yêu dân tộc một cách thật giản dị viết. Mang sự trải nghiệm sống thực để lan tỏa”.