TTO – Các tỉnh ĐBSCL xem thúc đẩy khởi nghiệp, khơi gợi sự sáng tạo để khai thác tiềm năng, thế mạnh là điều vừa cấp thiết, vừa mang tính lâu dài của vùng đồng bằng.
Anh Nguyễn Văn Phong (38 tuổi, công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Bình Thủy, Cần Thơ) với mô hình trồng dưa theo phương thức thủy canh, bán được giá cao và thu hút khách du lịch – Ảnh: LÊ DÂN
Ý tưởng và ý chí
Nhiều bạn trẻ “nông dân mới” ở miền Tây thuộc thế hệ 8X, 9X khởi nghiệp làm ăn với những ý tưởng táo bạo, ấn tượng, làm nên một làn gió mới bay cao trên đồng bằng.
Không chỉ mưu sinh và làm giàu cho bản thân, các nông dân trẻ còn động não suy nghĩ, sáng tạo ra những máy móc, sản phẩm thiết thực góp phần giải bài toán giúp các nông dân khác bớt vất vả, để cùng chung tay làm nông nghiệp xanh, sạch, hiệu quả hơn.
Ông Phan Kim Sa, nguyên Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, nhận xét: “Các bạn trẻ hiện nay đa số đều có ý chí vươn lên, trong số họ rất nhiều người có ý tưởng, tư duy tốt, đã chứng minh qua các cuộc thi khởi nghiệp”.
Tuy nhiên, từ tư duy ý tưởng đến thực tế hoàn thiện và đưa sản phẩm ra thị trường là một con đường dài, nhiều chông gai.
Theo ông Sa, đa số thanh niên khởi nghiệp gặp khó khăn về vốn. Thông thường, một sản phẩm nếu hoàn thiện và đưa ra thị trường trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt hiện nay phải mất một thời gian ít nhất là 6 tháng, với chi phí tối thiểu khoảng 30 triệu đồng/một sản phẩm (giấy chứng nhận cơ sở ATTP, giấy kiểm định sản phẩm, bao bì, mã vạch, truy xuất nguồn gốc…). Tính sơ bộ, các bạn khởi nghiệp cần phải có số vốn bằng tiền mặt ban đầu tối thiểu là 200 triệu đồng.
Vấn đề chung của nhiều bạn trẻ miền Tây khi khởi nghiệp là cần được sự tiếp sức, hỗ trợ để không bị đuối sức, thậm chí bỏ cuộc trên “dòng sông” ý tưởng để bơi đến bờ thành công.
Chung vai lập nghiệp
Anh Trần Thành Long (Đồng Tháp) khai thác hoa tràm để nuôi ong lấy mật – Ảnh: NGỌC TÀI
Nhiều địa phương có những chương trình hỗ trợ, kết nối những người khởi nghiệp với môi trường để giúp đưa ý tưởng hay trở thành hiện thực.
BẾN TRE: Là địa phương đầu tiên đưa khởi nghiệp thành một phong trào lớn của tỉnh. Tháng 4-2016, Tỉnh ủy Bến Tre chính thức phát động chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” trong cán bộ, nhân dân Bến Tre. Đặt ra mục tiêu rõ ràng là khơi dậy tinh thần lập nghiệp, khởi nghiệp; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Tháng 7-2017, Bến Tre ra mắt hệ sinh thái khởi nghiệp Bến Tre gồm các đại diện hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp; Quỹ Đầu tư khởi nghiệp, Câu lạc bộ khởi nghiệp tiên phong…
AN GIANG: Năm 2017, tỉnh đề ra mục tiêu mỗi huyện phải có ít nhất một dự án khởi nghiệp đối với sản phẩm đặc trưng tại địa phương. Startup được Đoàn Thanh niên và các ban ngành địa phương hỗ trợ.
Đồng Tháp: Bà Phạm Thị Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh này có nhiều chương trình hỗ trợ các bạn khởi nghiệp như thường xuyên mời các chuyên gia, những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công chia sẻ kinh nghiệm, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của các dự án khởi nghiệp. Hơn nữa, tỉnh còn chú trọng xây dựng nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp.
CẦN THƠ: Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết VCCI Cần Thơ xây dựng đề án khởi nghiệp khu vực ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 với các nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, kết nối người khởi nghiệp – doanh nghiệp – Quỹ và nhà đầu tư.
Ngoài ra, còn xây dựng phòng làm việc cho các dự án công nghệ cao, tạo điều kiện cho các startup được hỗ trợ, tư vấn và kết nối với các startup nước ngoài.