TTO – Theo nghiên cứu của VietnamWorks, điểm hạn chế của sinh viên mới ra trường là khả năng giao tiếp với đồng nghiệp và cấp trên.
Phan Thanh Duy (sinh viên ĐH Hoa Sen) cùng các cộng sự làm việc tại một không gian làm việc chung dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp ở quận 10 (TP.HCM) – Ảnh: H.THUẬN |
Bà Phạm Thị Hoài Linh, giám đốc nhân sự Navigos Group – VietnamWorks, cho biết đa số các bạn chưa học được nghệ thuật giao tiếp, ứng xử, cụ thể là khi nhờ vả đồng nghiệp hay báo cáo, tiếp nhận ý kiến đánh giá của cấp trên.
Do đó, nhiều sinh viên dù có thành tích học tập, khả năng làm việc tốt nhưng không được lòng đồng nghiệp và ít có cơ hội thăng tiến bởi khả năng giao tiếp chưa tốt.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, bà Linh cho hay VietnamWorks ưu tiên tuyển lựa sinh viên có kỹ năng mềm tốt, sau đó mới lọc lựa đến sinh viên trình độ chuyên môn cao.
“Nếu ứng viên từng có kinh nghiệm làm việc ở những vị trí tương ứng khi còn đi học, chúng tôi sẽ không mất nhiều thời gian để đào tạo lại ứng viên về cả kỹ năng mềm lẫn khả năng chuyên môn” – bà Linh nói.
Hiện đang làm việc cho Amazon tại Úc, kỹ sư phát triển phần mềm Lâm Phan Việt (25 tuổi) cho rằng điều nhiều nhà tuyển dụng muốn thấy ở sinh viên mới ra trường là năng lực hiện tại và khả năng phát triển bản thân.
Điều đó thể hiện qua nhiều yếu tố như kiến thức chuyên môn, nghệ thuật giao tiếp và cách thức xây dựng hồ sơ xin việc của mỗi người.
Theo Việt, các nhà tuyển dụng ở lĩnh vực công nghệ như Google, Facebook, Amazon… thường không hỏi nhiều về kiến thức khi phỏng vấn, mà luôn đưa ra những vấn đề thực tiễn để kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy logic… của ứng viên.
“Đối với sinh viên ngành IT nói riêng và sinh viên mới ra trường nói chung, kiến thức chuyên môn thôi chưa đủ mà mỗi ứng viên phải có trình độ ngoại ngữ nhất định, khả năng học hỏi nhanh và biết thích ứng với những cái mới đang phát triển hằng ngày để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng nếu muốn làm việc trong những môi trường tốt, thu nhập cao” – Việt nói.
Thấy người em trai khoe chiếc mũ lưỡi trai mới mua từ Mỹ về nhưng bên trong lại có dòng chữ “Made in Vietnam”, Phan Thanh Duy (sinh viên năm cuối ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Hoa Sen) đặt câu hỏi: “Tại sao chiếc mũ đó lại phải đi một vòng Trái đất rồi mới tới tay người dùng Việt với mức giá cao hơn gấp bội?”.
Từ đó, Duy cùng những cộng sự lên ý tưởng sản xuất những chiếc mũ độc đáo, chất lượng để không chỉ cho người Việt mà có thể xuất đi các nước.
Điểm mới lạ của những chiếc mũ mang thương hiệu Grimm DC của Duy là những chiếc logo được gắn nam châm, có thể thay đổi theo phong cách người đội.
Khi vừa ra mắt, Duy bán hết 300 chiếc và hiện vẫn tiếp tục nhận được nhiều đơn hàng từ khắp nơi.