TTO – In 3D đang được coi là một phương thức đi tắt đón đầu mà nhiều người đang phát triển hi vọng sẽ giúp họ có bước phát triển thần kỳ. Không chỉ vậy, đất nước giàu có UAE cũng “ủ mưu” một kế hoạch rất tham vọng.
Anh em Ki Chong và Ki How tại xưởng in 3D ở Campuchia – Ảnh: Asiantech |
“Biến Campuchia thành nước tiên phong in 3D”
Công nghệ 3D cũng bắt đầu tạo được tiếng vang tại Campuchia, thông qua công ty khởi nghiệp của Ki Chong Tran và Ki How Tran, hai anh em Mỹ gốc Campuchia.
Công ty của hai anh em khởi đầu từ một căn hộ trong năm 2014 và đến năm 2016 đã chuyển sang một văn phòng lớn hơn.
Mục đích của Ki Chong Tran và Ki How Tran là biến Campuchia trở thành một nơi chuyên in 3D trong khu vực.
Với một quốc gia có nền sản xuất chưa phát triển như Campuchia, việc trở thành trung tâm in 3D nghe có vẻ xa vời. Tuy nhiên, việc không có một nền sản xuất lâu đời lại có vẻ giúp Campuchia thuận lợi hơn khi tiếp nhận một phương thức sản xuất mới.
Ki Chong lý giải: “Chúng ta đã từng thấy hiện tượng này qua chiếc điện thoại di động. Những quốc gia đang phát triển đã bỏ qua điện thoại bàn, đi thẳng đến điện thoại di động”. Và anh em Ki Chong, Ki How hi vọng ở một bước nhảy tương tự trong lĩnh vực sản xuất tại Campuchia.
Công ty có tên ARC Hub của hai anh em đang hoạt động ở ba lĩnh vực chính: in ra những sản phẩm sử dụng; in ra các mẫu theo yêu cầu khách hàng và đào tạo trẻ em thiết kế và in 3D những sản phẩm đơn giản rồi bán trên website.
Một trong những lĩnh vực mà ARC Hub hướng tới là sản xuất tay chân giả thích hợp với từng người bởi ở Campuchia có rất nhiều bị mất tay chân do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Thay đổi đời sống nông dân Myanmar
Công nhân làm việc tại xưởng in 3D ở Myanmar – Ảnh: AFP |
Sau năm thập kỷ bị cô lập, hầu hết máy móc tại Myanmar đã lỗi thời hoặc nhiều chi tiết trong các hệ thống đã hư nhưng không có đồ thay thế. Điều này khiến người nông dân Myanmar phải chắp vá các thiết bị cũ, tạo ra những đồ dùng tạm bợ. Công nghệ in 3D đang giúp người nông dân Myanmar đưa kỹ thuật vào sản xuất với tốc độ nhanh hơn và chi phí rất thấp.
Một máy in 3D kết nối máy tính đã được đưa vào sử dụng tại Myanmar để tạo ra những chi tiết của hệ thống tưới tiêu hoặc những phần bên trong của máy bơm.
Hãng tin AFP cho biết in 3D đã giúp tạo ra những mẫu chi tiết bằng nhựa với độ chính xác tuyệt đối trước khi đưa mẫu này đến các nhà máy để sản xuất hàng loạt. Debbie Aung Din, đồng sáng lập Proximity Designs, cho biết: “Trước đây, để tạo ra mẫu chi tiết của mỗi sản phẩm, cần tốn nhiều tuần, thậm chí vài tháng”.
Người nông dân 60 tuổi Kyaw Win chuyên trồng lá trầu nói với AFP rằng công nghệ in 3D đã khiến cuộc sống ông thay đổi. Cách đây hai tháng, ông đã lắp đặt hệ thống tưới được thiết kế và tạo ra từ công nghệ in 3D. Ông nói: “Dùng những sản phẩm kiểu này giúp giảm phân nửa thời gian lao động cũng như chi phí sản xuất”.
Tham vọng của Dubai
Một góc trung tâm in 3D tại Thành phố công nghiệp Dubai tại Dubai, UAE – Ảnh: AP |
Đứng trước làn sóng 3D toàn cầu, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đưa ra kế hoạch táo bạo biến thành phố Dubai trở thành trung tâm in 3D của thế giới.
Giữa năm 2016, Dubai Holding, một trong ba tập đoàn lớn nhất UAE, khai trương Trung tâm in 3D quốc tế tại Thành phố công nghiệp Dubai. Dự án này có tham vọng đem tất cả nhà thiết kế và nhà cung cấp công nghệ cũng như các xưởng sản xuất về một nơi.
Abdulla Belhoul, giám đốc điều hành Thành phố công nghiệp Dubai, cho biết trung tâm dự kiến thu hút khoảng 700 công ty quốc tế và địa phương để biến Dubai trở thành một trung tâm kỹ thuật in 3D của thế giới. Những sản phẩm mà in 3D tại Dubai nhắm tới thuộc các ngành như xây dựng, y tế và sản phẩm tiêu dùng.
Trung tâm cũng bao gồm những khu vực nghiên cứu, phát triển và những phòng thí nghiệm thử nghiệm các vật liệu có thể dùng trong in 3D. Văn phòng truyền thông Dubai cho biết dự kiến vào năm 2030, in 3D sẽ tạo ra lượng sản phẩm chiếm 25% thị phần xây dựng tại Dubai, tăng rất nhiều so với con số chỉ 2% năm 2019.
Văn phòng đầu tiên trên thế giới làm ra bằng cách in tại Dubai |