Nông trại cải Kale giữa núi đồi

Nơi núi đồi Tây Bắc, cách thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, Lào Cai) chừng 14km có một trang trại khởi nghiệp đẹp như mơ của chàng trai 9X dân tộc Mông thu hút du khách khắp nơi đến tham quan.

Giàng Quáng Tiên - anh bạn 9X dân tộc Mông phát triển trang trại Kale Farm có tiếng ở mảnh đất Bắc Hà (Lào Cai) - Ảnh: VŨ TUẤN

Giàng Quáng Tiên – anh bạn 9X dân tộc Mông phát triển trang trại Kale Farm có tiếng ở mảnh đất Bắc Hà (Lào Cai) – Ảnh: VŨ TUẤN

Khách trầm trồ trước vẻ xanh mướt của cải Kale (dân gian quen gọi là cải xoăn) giữa cảnh sắc đồi núi.

Giàng Quáng Tiên (31 tuổi) – anh nông dân dám mạnh dạn chọn loại rau được mệnh danh là “nữ hoàng rau xanh” ấy để khởi nghiệp – cho biết muốn tạo việc làm và cùng nông dân chăm đồi cải Kale của mình theo cách mới, tạo hướng đi bền vững cho việc nhà nông quê mình.

Mình muốn tập trung sản xuất các sản phẩm được làm từ cải Kale, làm sao cung cấp các sản phẩm an toàn cho sức khỏe và đảm bảo dinh dưỡng. Nhờ đó, người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm sạch từ chính bàn tay của người dân vùng cao làm ra.
GIÀNG QUÁNG TIÊN

Mạnh dạn đi đầu trồng cải Kale

Ẩn mình bên những nếp nhà người Mông ở thôn Pả Chư Tỷ (xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), du khách dễ dàng cảm nhận được khung cảnh bình yên, xa cái khói bụi ồn ào của thành phố khi tìm đến trang trại của Tiên được bao quanh giữa trùng điệp núi đồi.

Không phải tự nhiên mà người ta ví cải Kale là “nữ hoàng rau xanh”, cũng bởi loại cải xoăn này đã phải lòng người tiêu dùng vì những giá trị của nó mang lại cho sức khỏe.

Năm 2017 khi đang công tác tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà, Quáng Tiên có cơ hội được tiếp xúc với cây cải Kale, được đi thăm nhiều mô hình trang trại của người nông dân trồng thành công loại cải này. Đặc biệt là dịp gặp gỡ, làm việc chung với các chuyên gia Hàn Quốc học hỏi thêm kiến thức về nông nghiệp.

Mảnh đất Bắc Hà nổi tiếng với tên gọi cao nguyên trắng vì quanh năm mây mù bao phủ. Bà con nông dân bao đời nay chỉ biết trông chờ vào một vụ lúa, vụ ngô, còn sau mùa thu hoạch đất đai sẽ bỏ hoang rất lâu.

“Nếu trồng cải, mình sẽ thu hoạch được cả năm mà không cần trồng đi trồng lại nhiều. Tại sao mình không thử?” – Tiên nghĩ thế và bắt đầu cho kế hoạch hành động của mình.

Nghĩ là làm, anh bắt tay trồng thử một ít ban đầu. Thấy mọi việc ổn nên năm 2021 Tiên quyết định xin nghỉ việc, mạnh dạn vay vốn thuê 30.000m2 đất của bà con tại thôn Pả Chư Tỷ và quyết tâm khởi nghiệp với cây cải Kale.

Cứ vừa làm vừa học, anh mày mò tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật trồng từ nhiều nguồn, tìm thông tin trên mạng và tìm nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu ở các tỉnh để học kinh nghiệm.

Trên mảnh đất từng để hoang hóa, Tiên cho cải tạo đất và dùng 15.000m2 chỉ để trồng cải Kale. Phần diện tích còn lại được anh chia thành các khu nhỏ hơn trồng cây ăn quả và các loại rau củ khác. Khi đất đã được cải tạo, anh mở rộng diện tích trồng dâu tây để đáp ứng thêm nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn.

Sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng

Khu vực trồng dâu trong trang trại của anh Giàng Quáng Tiên - Ảnh: VŨ TUẤN

Khu vực trồng dâu trong trang trại của anh Giàng Quáng Tiên – Ảnh: VŨ TUẤN

Những ngày đầu khởi nghiệp tại quê nhà thật sự khó khăn. Anh thanh niên người Mông ấy đã dựng một chòi canh nhỏ làm chỗ nghỉ tạm cùng các cô bác nông dân sau những giờ làm vườn vất vả. Tiên gặp không ít trở ngại bởi chi phí đầu tư rất tốn kém. Nhưng khó khăn hơn cả là ở vùng đất được ví như cao nguyên trắng này chưa từng có ai trồng loại cải ấy cả.

Đặc biệt phải kể đến thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Cả vườn cải Kale trồng sinh trưởng và phát triển tốt nhưng rất khó tiêu thụ sản phẩm vì giãn cách xã hội, xe khách đi lại giữa các huyện và qua các tỉnh thành khác hầu như đều phải tạm ngưng hết. Cải trồng đến lúc thu hoạch lại không thể xuất bán, Tiên phải tức tốc đổi hướng, tìm đường đưa sản phẩm đến với khách hàng tại địa phương.

Cùng với đó, anh cũng tính toán lại diện tích trồng để đảm bảo vừa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

“Thời điểm dịch bệnh dù khó khăn thật nhưng may mắn là mình không bị lỗ nhiều quá. Sau đại dịch, tôi bắt đầu kêu gọi đầu tư để có thể đứng vững và phát triển như ngày hôm nay” – Tiên khoe.

Những khó khăn dần đi qua. Không dừng lại ở diện tích ban đầu, hiện nông trại của Giàng Quáng Tiên đã mở rộng gấp đôi, tức khoảng hơn 60.000m2. Trong đó, anh mở một khu nhà sàn trưng bày các sản phẩm từ trang trại để hút khách du lịch đến tham quan. Nông trại của anh còn thu hút nhân công trên địa bàn và tạo thu nhập ổn định cho bà con dân tộc tại đây.

Diện tích trồng mở rộng, sản lượng cải Kale tươi tăng lên đáng kể. Tiên lại mày mò sáng tạo, tìm cách sản xuất các sản phẩm chế biến từ cây cải này. Đến nay, anh đã có bún Kale Bắc Hà, bột cải Kale, bánh bao, bánh quy… và được khách hàng đón nhận khá tốt.

Chỉ mong không còn bỏ hoang đất canh tác

Tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), cơ duyên đã đưa Tiên về lại quê nhà để theo đuổi đam mê, nắm bắt cơ hội và làm giàu trên chính quê mình.

Điều mà chàng trai dân tộc Mông mong mỏi nhất là từ mô hình trồng cải Kale sẽ lan tỏa rộng rãi đến các bạn trẻ và người dân trong vùng. Nhờ đó sẽ hạn chế việc bỏ hoang ruộng đất, đồng thời giúp cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.

Tiên nói may mắn khi cây cải Kale lại rất phù hợp với đất đai, khí hậu ở Bắc Hà. Thế là vườn cải của Tiên giữa núi đồi càng rộ, tươi mắt và được thị trường rất ưa chuộng, dễ tiêu thụ nên cải trồng đến đâu bán hết đến đó.

Tiên đặt tên trang trại của mình là Kale Farm gây không ít tò mò cho du khách, nhất là các bạn trẻ ở vài huyện xung quanh Bắc Hà tìm tới nông trại của anh tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp.

Khởi xướng chống phá giá thép Trung Quốc, chỉ 2 doanh nghiệp được lợi?Khởi xướng chống phá giá thép Trung Quốc, chỉ 2 doanh nghiệp được lợi?

Formosa và Hòa Phát đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá, bảo vệ sản xuất trong nước, ngược lại Tôn Hoa Sen nói chưa đủ căn cứ điều tra.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin