TTO – Khởi nghiệp ở độ tuổi 22, sau 7 năm bạn Lê Đình Lực (CEO DOL English) cho biết bài học quý giá nhất bản thân nhận được là cách trở thành lãnh đạo, song song là việc tận dụng công nghệ để giải quyết vấn đề gốc rễ của giáo dục.
Một ngày ở DOL English – Video: C.NHẬT – S.TRANG – H.TRIỀU – M.HUYỀN
Biến nỗi sợ thành nguồn cảm hứng
Là gương mặt khởi nghiệp trẻ có tiếng (2,5 triệu kết quả tìm kiếm trên Google với từ khóa “Đình Lực IELTS”), điểm IELTS 8.0 và tốt nghiệp thạc sĩ một trường đại học Úc…, Đình Lực tiết lộ từng… ám ảnh với môn tiếng Anh khi còn học lớp chuyên toán Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Nhưng với tư duy giải quyết vấn đề của người học toán và nỗ lực cao độ, bạn đã chinh phục thành công nỗi sợ trên với phương pháp tự thiết kế.
“Tôi đặt tên phương pháp đó là Linearthinking. Lúc đầu tôi chỉ định dạy kèm tiếng Anh thời gian ngắn vì túi tiền sinh viên vốn eo hẹp, nào ngờ sau đó lượng học viên đến nhờ truyền miệng đông đến mức tôi biết đây là phương pháp đúng, và đây cũng chính là cơ hội của mình”, Đình Lực nhớ lại.
Có thể hình dung về Linearthinking là phương pháp kết hợp tư duy toán học, kỹ thuật siêu trí nhớ và nghiên cứu về sự ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ lên việc học tiếng Anh… để giải quyết được các vấn đề cố hữu của người Việt khi học tiếng Anh. Phương pháp trên sau đó được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.
Lê Đình Lực chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp cùng báo Tuổi Trẻ – Ảnh: MINK
Cá nhân hóa dữ liệu người học
Dấn thân vào lĩnh vực giáo dục, điều Đình Lực luôn băn khoăn là làm sao trong một lớp học, các giáo viên vẫn có thể nắm rõ điểm yếu của từng bạn và giúp họ khắc phục hiệu quả.
“Chúng ta có thể giải quyết được vấn đề này thông qua việc kết hợp công nghệ giám sát và đề xuất nội dung cần thiết cho từng học viên, đồng thời cung cấp cho giáo viên công cụ theo dõi quá trình học của học viên”, gương mặt CEO 9X cho biết.
Và cũng nhờ đi theo hướng edtech (áp dụng công nghệ giải quyết các vấn đề của giáo dục) từ 5 năm trước, hệ thống DOL English của Đình Lực không bị chao đảo khi đại dịch ập đến.
“Chúng tôi có sẵn các nền tảng để vận hành trơn tru các khóa học trực tuyến, và khi cuộc sống bình thường trở lại, chúng tôi lại kết hợp dạy trực tiếp lẫn trực tuyến. Trong startup, tính linh động, thích nghi nhanh là vô cùng cần thiết. Nhờ điều này mà chúng tôi vẫn trụ vững trong và sau COVID-19, thu hút nhiều nhà đầu tư”, Đình Lực bộc bạch.
Lê Đình Lực trao đổi công việc với các cộng sự tại DOL English – Ảnh: MINK
Hướng đến giáo dục giá rẻ, chất lượng cho mọi người
Chia sẻ về việc hiện cho người dùng trải nghiệm miễn phí nhiều chức năng trên trang dol.vn, Đình Lực nói: “Có người hỏi nếu cung cấp nhiều kiến thức miễn phí thì còn ai đi học. Chúng tôi tin rằng khi mình làm điều gì tâm huyết thì dù nó miễn phí vẫn sẽ nhận được sự quý mến từ người học, từ đó họ luôn ủng hộ và sẽ không để mình “chết yểu”. Chẳng hạn các bạn giỏi tự học thì sẽ giới thiệu cho những người bạn (đặc biệt là các cá nhân cần được truyền động lực từ thầy cô, bạn bè, môi trường…) và chúng tôi theo đó sẽ ngày càng phát triển”, Lực khẳng định.
Và cũng chính nhờ xác định rõ tầm nhìn dài hạn trong giáo dục, hệ thống tiếng Anh DOL English đã tuyển và giữ chân nhiều nhân sự giỏi, có điểm số IELTS tuyệt đối (9/9)…
“Mình xác định lãnh đạo là người luôn sát cánh cùng cộng sự, luôn nói “chúng ta” thay vì chỉ “bạn” hay “tôi” như quản lý. Người quản lý chỉ có thể giữ nhân sự giỏi bằng tiền hoặc danh tiếng của công ty, còn lãnh đạo thì thông qua sứ mệnh, tầm nhìn sẽ giữ chân người tài trong thành công lẫn sóng gió”, Đình Lực nói.
Tham vọng trong tương lai gần của bạn là sau khi hoàn thiện hết chương trình giảng dạy, hệ thống công nghệ… bạn sẽ số hóa toàn bộ bài giảng lên online, giúp cho giáo dục chất lượng tiếp cận đến toàn bộ người học với chi phí chỉ bằng 1/8 so với hiện tại.
Lan tỏa cảm hứng khởi nghiệp
Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các startup cả nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2022.
Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Sẽ có khoảng 25-30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) trong tháng 3-2022. Diễn đàn “Cảm hứng khởi nghiệp” sẽ là nơi cho các bạn trẻ, bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này chia sẻ những ý tưởng khởi nghiệp.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp trên sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, Tân Hiệp Phát, An Hòa…
Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup@tuoitre.com.vn.