TTO – Đó là vấn đề mà không ít sinh viên (SV) trăn trở khi trao đổi với các vị khách mời tại tọa đàm “Những kỹ năng cần thiết và cơ hội phát triển của SV ngành kỹ thuật – công nghệ”.
TS Nguyễn Bá Hải cho biết anh đã vượt qua rất nhiều khó khăn để chế tạo “mắt thần” cho người mù – Ảnh: Q.Linh |
Buổi tọa đàm do Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị tổ chức vào cuối tuần qua.
Nói về kinh nghiệm bản thân, anh Đoàn Thiên Phúc (CEO Công ty SetechViet, Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016) cho rằng ý tưởng khởi nghiệp đầu tiên xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân.
Khi học năm 3 đại học, Phúc bị kẻ gian lấy mất chiếc thắng đĩa xe máy mới toanh ngay ngày đầu tiên đến trường. Từ đó, Phúc nghĩ phải có một thiết bị có thể tự động khóa xe từ xa hoặc khi kẻ gian mở khóa thì thiết bị này sẽ báo địa chỉ cho chủ xe biết.
Ý tưởng này sau đó đoạt giải đặc biệt trong một cuộc thi của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), tiếp đó Phúc và các cộng sự đã chế tạo thiết bị. Thế nhưng… dự án thất bại. Từ đó, nhóm quyết định “đập bỏ” hết để làm lại từ đầu và sau sáu tháng đã ra được sản phẩm.
Năm 2011, Phúc ra trường và cùng những người bạn của mình đi vay hơn nửa tỉ đồng lập công ty. Những năm đầu công ty làm ăn thua lỗ, có nguy cơ không thể trả nợ lên đến hàng tỉ đồng. “Khởi nghiệp sớm nhưng không đủ kỹ năng thì bạn có thể ôm một cục nợ. Nếu không có sự chuẩn bị tâm lý vững vàng, bạn sẽ thất bại và không thể vực dậy” – Phúc nói.
Do đó, Phúc cho rằng mỗi người cần phải xác định được giới hạn của bản thân và yếu tố đủ để khởi nghiệp. Mình phải trở thành chuyên gia về lĩnh vực đang làm và có nhiều mối quan hệ để hỗ trợ việc khởi nghiệp của bản thân. Bạn quan niệm SV mới ra trường nên xin vào các công ty khởi nghiệp để tích lũy kinh nghiệm ở nhiều vị trí, nhiều công việc khác nhau.
Còn TS Nguyễn Bá Hải (trưởng khoa sáng tạo và khởi nghiệp ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nổi tiếng với sản phẩm “mắt thần” dành cho người mù) cho biết khi bắt đầu chế tạo thiết bị này anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kỹ thuật và tài chính.
Tuy nhiên anh đã vượt qua được và đưa 2.000 sản phẩm ra thị trường, trong đó khoảng 100 sản phẩm đang được sử dụng trên thế giới. “Khởi nghiệp không sợ thất bại mà chỉ ngại hậu quả của thất bại! Mấu chốt là làm sao để vực dậy sau thất bại” – TS Hải nói.
TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng khi khởi nghiệp thất bại thì các bạn trẻ dễ suy sụp ý chí, nghi ngờ bản thân và con đường mình đang đi. Do đó, cần xác định đôi khi khởi nghiệp là thất bại, mỗi người nên cho phép mình một số lần thất bại nhất định để dễ dàng chấp nhận và tìm cách cho con đường đi đến thành công.
Đồng quan điểm, TS Bá Hải nói thêm, SV nên đặt ra mục tiêu để bản thân thử sức. Chính anh đã thử cả trăm sản phẩm nhưng chỉ có bốn sản phẩm khả thi, chứng tỏ đã có 96 lần thất bại. Điều quan trọng là cố gắng vượt qua khủng khoảng tâm lý, bởi đã xác định thất bại ngay từ đầu.
“Khi bạn suy nghĩ một vấn đề đủ sâu sắc, đủ thấu đáo thì dù thất bại cũng là một niềm hạnh phúc” – TS Hải động viên.