TP HCMBộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam – châu Âu, ngày 21/10.
Hội nghị thu hút khoảng 150 đại biểu tham dự, bao gồm đại diện các địa phương, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các doanh nghiệp châu Âu và doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh năm 2024 (GEFE 2024), “Hội nghị kết nối giao thương Doanh nghiệp Việt Nam – châu Âu”, do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức, nhằm tăng cường hợp tác, giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.
Hội nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ xanh tân tiến và cơ hội học hỏi từ các doanh nghiệp xanh dẫn đầu thị trường. Từ đó thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng xanh, bền vững thông qua các sáng kiến, chia sẻ chuyên môn và chuyển giao công nghệ.
“Sự kiện khẳng định niềm tin vào tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế xanh”, đại diện ban tổ chức chia sẻ.
Tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết mục tiêu chính của GEFE 2024 là hỗ trợ Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện các cam kết của COP26, đồng thời hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong Chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030.
Chuỗi sự kiện ba ngày quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Việt Nam và Đông Nam Á tham gia triển lãm, thảo luận. Bên cạnh đó là các phiên đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với Chính phủ trao đổi cởi mở, tạo ra cơ hội hợp tác dài hạn, hướng đến thỏa thuận chung, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững và thịnh vượng hơn cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Hội nghị đồng thời thảo luận về thỏa thuận xanh châu Âu, những thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam; tăng cường liên kết vùng, hướng tới xuất khẩu xanh và nâng cao năng lực sản xuất xanh, thích ứng với tình hình mới. Ngoài ra, còn có các phiên trao đổi trực tiếp giữa hiệp hội, doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam về cơ hội hợp tác tương lai.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều thách thức, thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng, tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, đặc biệt đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh được xem như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững
Để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, giảm phát khí CO2 trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền sản xuất của Việt Nam chủ yếu dựa vào gia công lắp ráp với chi phí nhân công rẻ, gây ra nhiều hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ xanh. Điều này đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ xanh và chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái thông qua các hoạt động kết nối giao thương là rất cần thiết trong giai đoạn đầy thách thức này.
Ngoài ra, để đạt mục tiêu tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến phát triển kinh tế xanh và trung hòa carbon, các doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ trong việc tiếp cận công nghệ xanh, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, đồng thời chủ động tìm kiếm cơ hội chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, cũng như việc hợp tác với các đối tác châu Âu.
Trong khuôn khổ chương trình GEFE 2024, Bộ Công Thương phối hợp với EuroCham tổ chức Triển lãm Kinh tế xanh với hơn 200 doanh nghiệp và gian hàng, trong đó có 50 doanh nghiệp Hà Lan và 13 khu gian hàng từ châu Âu, quốc tế và Việt Nam đã được tổ chức từ ngày 21/10 đến ngày 23/10.
Triển lãm bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn, xử lý nước và rác thải. Khu gian hàng chung của các doanh nghiệp Việt Nam, với sự tham gia của 4 trung tâm xúc tiến thương mại và 20 doanh nghiệp, trưng bày các sản phẩm liên quan đến công nghiệp và nông nghiệp xanh. Khu gian hàng được thiết kế mở, với nhận diện thống nhất, thể hiện rõ hai ngành hàng chính.
Thế Đan