BAF ký kết hợp tác đầu tư cùng IFC, nhận gói tài trợ 900 tỷ đồng
Ngày 23/02/2023, lễ công bố đối tác chiến lược và ký kết các hợp đồng đầu tư giữa Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và CTCP Nông Nghiệp BaF Việt Nam (HOSE: BAF) đã diễn ra tại Khách sạn Vinpearl Landmark 81.
Trước đó, vào ngày 20/02/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chấp thuận hồ sơ chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ của BAF. Đây là một trong những thủ tục cuối cùng để hoàn thành gói đầu tư của IFC vào BAF.
IFC sẽ cung cấp gói tài trợ tổng cộng 900 tỷ đồng, tương đương 39 triệu USD, cho BAF. Trong đó, theo BAF công bố, khoản tài trợ gồm tối đa 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (convertible bond) và 300 tỷ đồng trái phiếu cao cấp (senior bond) cho BAF. HĐQT BAF cũng phê duyệt phương án sử dụng vốn góp thế chấp là toàn bộ cổ phiếu phổ thông mà BAF đang sở hữu tại CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh, và vốn góp đang sở hữu tại Công ty TNHH Đầu tư Trang trại Xanh 2 để đảm bảo cho lô trái phiếu.
Ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch HĐQT BAF và Tập đoàn Tân Long – trong buổi lễ ký kết hợp tác cùng đại diện IFC
|
Gói tài trợ trên sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng các trang trại chăn nuôi và di truyền vốn nằm trong kế hoạch xây dựng của BAF, cùng việc phát triển các nhà máy thức ăn chăn nuôi và các nhà máy giết mổ chế biến thịt sạch.
IFC là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), là định chế toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân tại các quốc gia đang phát triển. Hỗ trợ ngành chăn nuôi là một lĩnh vực ưu tiên trong hoạt động của IFC tại Việt Nam, nhằm giúp ứng phó với sự bùng phát bệnh Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã làm giảm đáng kể quy mô đàn heo và làm gián đoạn nguồn cung thịt lợn – nguồn đạm động vật chính – đối với người tiêu dùng.
IFC tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc hiện đại muốn thúc đẩy sản xuất một cách tổng hợp theo các tiêu chuẩn sản xuất và an toàn sinh học cao, từ đó gia tăng sản lượng thịt an toàn.
Tại Việt Nam, BAF nằm trong số những công ty chăn nuôi đã có danh tiếng, áp dụng mô hình sản xuất sạch 3F (Feed-Farm-Food). Tính đến thời điểm hiện tại, BAF sở hữu 23 trang trại với tổng đàn lên đến 200,000 đầu heo; 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi – công suất 260 ngàn tấn/năm, được cấp chứng nhận quốc tế về chăn nuôi và quản lý thực phẩm; chuỗi phân phối thực phẩm với khoảng 60 cửa hàng Sibafood và 300 Meat Shop.
Tại sự kiện, bà Bùi Hương Giang – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết: “Hoạt động hợp tác giữa BaF và IFC nhằm hướng đến hỗ trợ sự tăng trưởng các trang trại chăn nuôi và di truyền đã – đang và sẽ có kế hoạch xây dựng của BaF tại Việt Nam thông qua gói tài chính đã thỏa thuận. Dưới sự tư vấn và hỗ trợ của IFC, BaF sẽ từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi cá thể sang chăn nuôi nhóm, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về an toàn sinh học, phúc lợi động vật, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường đa dạng sinh học tự nhiên và an toàn thực phẩm. Các hoạt động khác trong toàn chuỗi chăn nuôi khép kín như sản xuất cám, vận chuyển, giết mổ và phân phối cũng đều được đảm bảo tuân thủ theo các tiêu chuẩn môi trường và xã hội của IFC”.
Đại diện IFC, ông Samuel Dzotefe – Giám đốc Cấp cao Khối ngành Sản xuất, Kinh doanh Nông nghiệp & Dịch vụ khu vực châu Á chia sẻ: “Thông qua hỗ trợ các công ty như BAF, chúng tôi đang thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân địa phương trong chuỗi cung ứng kinh doanh nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Điều này sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện các tiêu chuẩn, thực hành tại các trang trại, hỗ trợ ngành thực phẩm tiếp tục hiện đại hóa và áp dụng các thông lệ, thực hành quốc tế tốt nhất”.
Hồng Đức
FILI