Tỷ phú Masayoshi Son với thương vụ WeWork – khi kẻ liều gặp tên nghiện

Tỷ phú Masayoshi Son với thương vụ WeWork – khi kẻ liều gặp tên nghiện

Masayoshi Son là một doanh nhân và nhà đầu tư nổi tiếng người Nhật Bản, với vai trò là CEO của SoftBank Group, một trong những tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của Son, SoftBank đã đầu tư vào nhiều công ty công nghệ khắp thế giới, với một số vụ đầu tư đã trở thành câu chuyện kinh điển trong lịch sử đầu tư. Cả ý nghĩa thành công và thất bại!

Ông đã từng nổi tiếng với thương hiệu “liều ăn nhiều”. Phi vụ đầu tư vào Alibaba đã trở thành một trong những quyết định đầu tư tốt nhất của Son. Chỉ với 20 triệu USD đầu tư vào Alibaba vào năm 2020, Masayoshi Son đã nắm 25% cổ phần của Alibaba. Có thời điểm lượng cổ phần này giá trị hơn 100 tỷ USD.

masayoshi son

Masayoshi Son (bên trái) và Adam Neumann

WeWork, được thành lập vào năm 2010 tại New York (Mỹ) bởi Adam Neumann và Miguel McKelvey, là một công ty cung cấp không gian làm việc chung. WeWork đã hứa hẹn tạo ra môi trường làm việc linh hoạt và cộng đồng mạnh mẽ cho các freelancer, startup và doanh nghiệp lớn.

Cũng như phi vụ đầu tư vào Alibaba, Masayoshi Son đã quyết định đầu tư vào WeWork một cách nhanh chóng. Chỉ sau 12 phút trao đổi giữa Son và Neumann cùng với đồng sáng lập Miguel McKelvery vào năm 2017. Trong năm này Masayoshi Son đã rót cho Adam Neumann số tiền lên đến 4.4 tỷ USD với định giá We Work khoảng 20 tỷ USD.

Son tin rằng với việc đổ vốn mạnh mẽ, WeWork sẽ phát triển vượt bậc. Ông đã nói với Neumann rằng “cậu và Miguel không đủ điên rồ”. Tuy nhiên câu nói của ông sau này đã là một bài học kinh điển về việc mở rộng vội vã và định giá quá mức trong thời đại “startup hóa”. Sau này ông đã thừa nhận mình ngu ngốc khi đầu tư vào WeWork.

Đến tháng 1/2019, SoftBank đã thêm 2 tỷ USD nữa, vốn giảm mạnh so với dự kiến ban đầu là 16 tỷ USD. Việc này làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của WeWork.

Trong năm 2019, WeWork từng được định giá lên đến 47 tỷ USD. Nhưng khi công ty công bố hồ sơ IPO vào tháng 8/2019, các con số đã tiết lộ một hình ảnh không mấy sáng sủa: Lỗ 1.9 tỷ USD trên doanh thu 1.8 tỷ USD trong năm 2018.

Cùng với vấn đề về quản trị, CEO Adam Neumann của WeWork đã bộc lộ những yếu điểm khi WeWork lớn quá nhanh. Neumann được nhiều người coi là linh hồn của WeWork, với khả năng thuyết phục đầu tư và tầm nhìn lớn. Tuy nhiên, sự thiếu kỷ luật, quản lý tài chính không hiệu quả và các quyết định tập trung quá nhiều quyền lực vào một người đã dẫn đến sụp đổ của WeWork. Đặc biệt Neumann đã bị chỉ trích rằng anh đã sử dụng WeWork để phục vụ lợi ích cá nhân, bao gồm các giao dịch bất động sản mà trong đó anh có quyền lợi, và việc sử dụng tiền của công ty để tài trợ các dự án cá nhân khác đã làm sụp đổ hình ảnh của Neumann nhanh chóng.

Đáng chú ý, sau này một nhân viên cấp cao của WeWork đã cho rằng đi kèm với một phong cách làm việc hết mình là một lối sống có phần bê tha của Neumann. Các văn phòng của WeWork trên toàn thế giới luôn phải nhớ chuẩn bị một vài ly thủy tinh và vài chai rượu tequila cao cấp Don Julio 1942 để Neumann sử dụng khi ghé thăm.

Vụ việc liên quan đến việc sử dụng cần sa trên chuyến bay riêng tới Israel vào mùa hè năm 2018 của Neumann cũng đã trở thành tâm điểm chú ý. Theo thông tin từ một số nguồn, trong chuyến bay này, phi hành đoàn đã phát hiện ra một lượng lớn cần sa được giấu trong hộp ngũ cốc trên máy bay, sau khi đoàn của Adam Neumann đã rời khỏi máy bay.

Định giá đã giảm xuống còn khoảng 10 tỷ USD khi kế hoạch IPO bị hủy bỏ hoàn toàn vào cuối năm 2019.

Tình hình kinh doanh bết bát đến nỗi WeWork chỉ có đủ tài chính để duy trì hoạt động đến giữa 2020. Các nhà phân tích đánh giá rằng, nếu WeWork không nhận được thêm vốn đầu tư hoặc không thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động một cách có lý, công ty có thể sẽ phải đệ đơn xin phá sản.

Để cứu vãn tình hình, vào tháng 10/2019, SoftBank đã công bố một gói cứu trợ đắt giá 9.5 tỷ USD cho WeWork. Trong đó, bao gồm 5 tỷ USD dưới hình thức khoản vay mới, 3 tỷ USD mua cổ phiếu từ các cổ đông khác và 1.5 tỷ USD dưới hình thức đầu tư cổ phiếu mà SoftBank đã cam kết trước đó. Adam Neumann, người đồng sáng lập và CEO, đã được SoftBank trả 1.7 tỷ USD để từ bỏ vị trí CEO và bán một phần cổ phiếu của mình.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm tan vỡ kế hoạch giải cứu WeWork của Masayoshi Son. Năm 2022, công ty 2.3 tỷ USD, nửa đầu năm 2023 công ty lỗ 700 triệu USD. Hiện nay định giá WeWork chỉ còn khoảng 500 triệu USD. Như vậy, số tiền Masayoshi Son và các quỹ của ông đã lỗ trong WeWork hiện tại có thể lên tới trên 10 tỷ. Con số lỗ kỷ lục trong lịch sử đầu tư Startup toàn cầu.

Với Masayoshi Son, thất bại tại WeWork, không chỉ dừng lại ở những con số tỷ đô đã mất, mà còn là sự mất niềm tin vào một phong cách đầu tư mang thương hiệu Masayoshi Son.

Chính WeWork là phát súng đầu tiên khiến Masayoshi Son buộc phải thay đổi phong cách đầu tư lui về phòng thủ, cầm tiền mặt trong hai năm gần đây. Bức tranh về một công ty với định giá cao ngất ngưởng bỗng chốc sụp đổ và như một lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của việc phân tích kỹ lưỡng và kiểm toán sức khỏe tài chính cũng như mô hình kinh doanh của một công ty trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Đi kèm với đó, câu chuyện về Adam Neumann, người lãnh đạo quái chiêu, đã đặt dấu hỏi về sự minh bạch và đạo đức nghề nghiệp trong quản lý công ty.

Vụ việc này không chỉ đánh dấu một thất bại đau đớn mà còn là một tín hiệu báo động, gợi nhắc các nhà đầu tư khác về nguy cơ ẩn chứa khi không đánh giá một cách tỉnh táo và thận trọng. Nó cũng đánh dấu kết thúc một kỷ nguyên những startup định giá điên rồ.

Trần Vương

FILI

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin