VN-Index có thể lên 2,300 – 2,500 điểm nếu thị trường được nâng hạng

VN-Index có thể lên 2,300 – 2,500 điểm nếu thị trường được nâng hạng

Ngày 29/09, trong khuôn khổ chuyến tham quan thị trường Việt Nam của các quỹ đầu tư lớn từ Malaysia, Mỹ, Anh, Thái Lan do Maybank Investment Bank tổ chức, ông Quản Trọng Thành – Giám đốc Phân tích CTCK Maybank Investment Bank (MSVN) đã có những chia sẻ về triển vọng của thị trường Việt Nam nếu được nâng hạng.

mbvn trinh bay quy dau tu

Ông Quản Trọng Thành – Giám đốc Phân tích CTCK Maybank Investment Bank (thứ 3 từ trái sáng) trình bày với đại diện các quỹ đầu tư sáng ngày 29/09

Theo ông Thành, triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi sẽ là điểm nhấn đầu tư mạnh mẽ giúp định hình lại thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2024 – 2025. Nếu thị trường được nâng hạng, tăng trưởng EPS của VN-Index có thể đạt các mức dự phóng 4%, 20% và 15% cho các năm 2023, 2024 và 2025. PE mục tiêu của thị trường Việt Nam sẽ tăng lên mức 18 lần.

Với định giá này, VN-Index có thể bứt phá lên mức 2,300 – 2,500 điểm.

Việc nâng hạng thị trường sẽ giúp dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường Việt Nam. Một điểm cộng là dư địa phát triển thị trường vốn ở Việt Nam vẫn còn lớn. Ông Thành ước tính sẽ có từ 4 – 10 tỷ USD đổ vào thị trường khi được nâng hạng.

Một số vấn đề vướng mắc là thị trường Việt Nam vẫn chưa cho phép giao dịch cổ phiếu trong ngày, bán khống… Vấn đề này có thể giải quyết nếu hệ thống KRX đi vào hoạt động. Kế hoạch của cơ quan quản lý là vận hành hệ thống vào cuối tháng 12 năm nay.

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding). Giải pháp được đặt ra là thí điểm giao dịch pre-funding ở các công ty chứng khoán lớn. Ủy ban Chứng khoán sẽ sửa đổi lại hành lang pháp lý cho phù hợp. Mặt khác, công ty chứng khoán sẽ đưa ra hướng xử lý cho các giao dịch thất bại.

Về việc nới room cho nhà đầu tư ngoài, chứng chỉ lưu ký không quyền biểu quyết (NVDR) có thể sẽ là giải pháp tốt để nhà đầu tư ngoại có thể tham gia thị trường. Giải pháp này đã thể hiện sự hiệu quả ở thị trường Thái Lan.

Trong kết quả xếp hạng thị trường tháng 9/2023 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market) dù đã được thêm vào danh sách theo dõi từ năm 2018.

FTSE Russell đánh giá quá trình nâng hạng của chứng khoán Việt diễn ra chậm hơn dự báo, một phần do dịch COVID-19.

Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)” – vốn đang ở được xếp ở mức “hạn chế” (Restricted). Điều này là do thông lệ thị trường về việc kiểm tra trước giao dịch, theo đó phải đảm bảo có vốn trước khi thực hiện giao dịch. Thị trường cũng chưa gặp phải các giao dịch thất bại nào, do đó mục “thanh toán – chi phí liên quan tới giao dịch thất bại” chưa được đánh giá (unrated).

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải cải thiện quá trình đăng ký tài khoản mới, đồng thời phải đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài.

Điểm tích cực là FTSE Russell đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam, đồng thời cho biết Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang tích cực tìm kiếm giải pháp về vấn đề pre-funding.

Chí Kiên

FILI

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin