Bên mua (Buy side) đặt ra tiêu chí thế nào khi tìm hiểu doanh nghiệp?

Bên mua (Buy side) đặt ra tiêu chí thế nào khi tìm hiểu doanh nghiệp?

Các thông tin về pháp lý, tài chính, thương mại… cần được cung cấp chính xác và đầy đủ là một trong những tiêu chí mà bên mua (Buy side) đặt ra tìm hiểu doanh nghiệp trước khi quyết định xuống tiền.

evs ba nguyen thi linh

Bà Nguyễn Thị Linh, Giám đốc khối Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư của Chứng khoán Everest

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Linh – Giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng đầu tư, CTCP Chứng khoán Everest (HOSE: EVS) với chúng tôi về câu chuyện minh bạch thông tin của doanh nghiệp.

Nâng hạng thị trường mở ra tiềm năng lớn cho mảng IB

*Công ty chứng khoán đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường ngân hàng đầu tư (IB – Investment Banking) ở Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Linh: EVS đánh giá Việt Nam vẫn là một trong những mảnh đất đầy tiềm năng cho cho thị trường IB vì một số lý do sau:

  • Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng GDP cao và ổn định, nhu cầu về vốn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn;
  • Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân vào các lĩnh vực mà trước đây đều được coi là độc quyền của nhà nước như điện, nước, năng lượng, dược phẩm, …
  • Làn sóng startup và sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân: Các doanh nghiệp khởi nghiệp và công ty tư nhân tại Việt Nam đang tìm kiếm các nguồn vốn để mở rộng và phát triển, tạo điều kiện cho các dịch vụ IB như huy động vốn, bảo lãnh phát hành và tư vấn tài chính;
  • Các thương vụ M&A ngày càng nhiều và trên nhiều lĩnh vực, các “deal” thành công chứng tỏ sức hút của thị trường Việt Nam;
  • Thị trường vốn phát triển mạnh mẽ: Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển với sự gia tăng số lượng công ty niêm yết và vốn hóa thị trường. Điều này thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ tài chính từ các công ty IB, bao gồm phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư;
  • Xu hướng hội nhập quốc tế: Việt nam tham gia nhiều các hiệp định thương mại, áp dụng các quy định thông lệ quốc tế, điều này tạo điều kiện để tăng cường dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà còn đẩy mạnh nhu cầu về các dịch vụ tài chính quốc tế, bao gồm IB.

*Nâng hạng thị trường chứng khoán quan trọng như thế nào? Thị trường IB nói chung và mảng IB của các công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi gì, thưa bà?

– Nâng hạng thị trường chứng khoán giúp thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các giải pháp nâng hạng thị trường đang được triển khai cũng tăng cường tính minh bạch, cung cấp nhiều thông tin hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, để họ có thể ra quyết định đầu tư đúng đắn và hiệu quả hơn.

Các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng thực hiện đầu tư dài hạn vào các sản phẩm đầu tư tốt và chất lượng như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, các thương vụ M&A. Chính vì vậy, thị trường IB sẽ có tiềm năng phát triển to lớn, cùng với đó, mảng IB của các công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi rất nhiều từ việc nâng hạng thị trường chứng khoán.

*Tầm nhìn, chiến lược của EVS cho mảng IB trong 5 năm tới?

EVS xác định mảng IB là một trong các trụ cột trong hoạt động kinh doanh của Công ty. Phát triển các sản phẩm dịch vụ IB không chỉ đem lại hiệu quả trực tiếp cho hoạt động kinh doanh, mà còn đem lại các lợi ích gián tiếp cho hoạt động đầu tư tự doanh, gia tăng thêm thị phần môi giới…

Bên cạnh thế mạnh từ các sản phẩm dịch vụ truyền thống như tư vấn thoái vốn Nhà nước, tư vấn cổ phần hóa, tư vấn chào bán và phát hành cổ phiếu, tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu,… EVS định hướng phát triển thêm các sản phẩm giá trị gia tăng nhằm cung cấp giải pháp tài chính quản trị toàn diện cho các doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp tiềm năng có kế hoạch tham gia thị trường chứng khoán, startup có nhu cầu gọi vốn từ các quỹ trong và ngoài nước.

Chú trọng tư vấn cải thiện năng lực IR

*Khi nào hoạt động niêm yết, IPO sẽ sôi động trở lại? Mảng tư vấn niêm yết, phát hành mang lại hiệu quả thế nào cho Công ty?

– Hoạt động IPO, niêm yết có sôi động trở lại không còn phụ thuộc vào một trong các yếu tố như tăng trưởng của kinh tế Việt Nam; sự sôi động của thị trường chứng khoán; các khung khổ pháp lý liên quan đến quy định về IPO, niêm yết, nhu cầu vốn của các công ty.

Mảng tư vấn niêm yết hiện là một trong các hoạt động của EVS. Đối với các doanh nghiệp được EVS đánh giá hoạt động tốt bên cạnh hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn niêm yết, Công ty có thể trở thành nhà đầu tư từ khi doanh nghiệp chưa niêm yết và trở thành nhà đầu tư đi cùng doanh nghiệp trong quá trình IPO, niêm yết trên các Sở giao dịch chứng khoán.

*Đánh giá của bà về vai trò quan hệ nhà đầu tư – IR (Investor Relations) với sự phát triển của Doanh nghiệp?

EVS đánh giá hoạt động IR là rất quan trọng trong quá trình IPO, niêm yết hay chào bán chứng khoán, hoạt động IR hướng tới các Nhà đầu tư, cung cấp thông tin tài chính thông tin quản trị phát triển danh tiếng mối quan hệ của Công ty. Đây là hoạt động quan trọng góp phần trong việc IPO, niêm yết hay chào bán cổ phần của Doanh nghiệp;

Khi tham gia tư vấn cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính hoặc các dịch vụ IB, EVS luôn chú trọng đến tư vấn cải thiện năng lực IR cho doanh nghiệp. Trong đó, các hoạt động tư vấn nâng cao năng lực IR của doanh nghiệp được EVS tư vấn như hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin định kỳ bất thường theo quy định của pháp luật, theo thông lệ tốt;

Tư vấn quản trị doanh nghiệp, tư vấn áp dụng các cam kết tuyên bố về ESG, tư vấn tổ chức các hội thảo hội nghị tiếp xúc cổ đông nhà đầu tư, cách thức xây dựng các báo cáo về phát triển bền vững, các yếu tố liên quan và đánh giá, đo lường các tác động yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp.

*Hoạt động công bố thông tin và phản hồi các yêu cầu về thông tin được đáp ứng ra sao đối với nhu cầu của nhà đầu tư tổ chức?

– Hiện tại, các công ty niêm yết đang giao tiếp với các nhà đầu tư là tương tác một chiều thông qua thông tin được công bố theo quy định của pháp luật (Công bố thông tin định kỳ gồm Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên, Báo cáo quản trị và công bố thông tin bất thường như Báo cáo về Nghị quyết HĐQT, giao dịch bên liên quan, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên, bất thường…).

Chỉ một số công ty niêm yết lớn, các công ty tiêu biểu mới có các bản tin IR hoặc có các diễn đàn, hội thảo công bố thông tin doanh nghiệp hàng quý, bán niên, hàng năm.

Các nhà đầu tư tổ chức quan tâm đến các hoạt động kinh doanh, xu hướng kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp, cần có bản tin song ngữ, các dự báo xu hướng và đánh giá đối thủ cạnh tranh.

EVS hiện tại đang hỗ trợ các Công ty niêm yết thực hiện tương tác với nhà đầu tư ở nhiều cấp độ trong đó dịch vụ hỗ trợ trọn gói bao gồm từ ĐHĐCĐ với phương thức trực tiếp và trực tuyến, tư vấn hỗ trợ IR với tư vấn công bố thông tin theo quy định, thực hiện các thông lệ quản trị theo thẻ điểm, tư vấn và hỗ trợ tổ chức hội thảo, diễn đàn cơ hội đầu tư và cung cấp các báo cáo định kỳ hàng tháng, báo cáo phân tích chuyên sâu cho các nhà đầu tư nhằm giúp doanh nghiệp tập trung hoạt động kinh doanh nhưng vẫn duy trì được tốt quan hệ với nhà đầu tư và các bên có liên quan.

*Để quyết định xuống tiền, bên mua (buy side) đặt ra tiêu chí thế nào về minh bạch thông tin khi tìm hiểu doanh nghiệp, thưa bà?

– Thông thường các bên buyside đưa ra các tiêu chí rất cụ thể về chi tiết về minh bạch thông tin khi tìm hiểu và ra quyết định đầu tư/mua doanh nghiệp, các tiêu chí có thể bao gồm:

  • Tính chính xác và đầy đủ của thông tin: Các thông tin về pháp lý, tài chính, thương mại… cần được cung cấp chính xác và đầy đủ theo yêu cầu của buysdie;
  • Có các thông tin về tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp;
  • Có các đánh giá về rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro;
  • Thông tin về thị trường, đối thủ cạnh tranh;
  • Thông tin về các rủi ro tiềm tàng, sự kiện đặc biệt có thể ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của Doanh nghiệp;
  • Giao dịch với các bên có liên quan;
  • Các thông tin phải được cung cấp kịp thời và liên tục.

Cần tích hợp ESG vào chiến lược phát triển

*Doanh nghiệp cần tiếp cận ESG như thế nào để có thể thu hút nguồn vốn đầu tư?

– Việc tích hợp yếu tố môi trường, xã hội, quản trị (ESG) vào quá trình ra quyết định đầu tư của các Quỹ đầu tư quốc tế được EVS đánh giá là xu hướng quan trọng và tất yếu trong hoạt động đầu tư. Để cập nhật xu hướng tích hợp ESG, Công ty đã thực hiện phát triển chuyên môn liên quan đến các khung tiêu chuẩn, đưa ra khung phân tích, và công cụ đo lường hiệu quả, truyền đạt các tác động to lớn của ESG đến các khách hàng, doanh nghiệp và các bên liên quan.

Doanh nghiệp muốn tiếp cận ESG điều đầu tiên cần đánh giá và xác định các yếu tố ESG quan trọng cho ngành và lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp mình, sau khi xây dựng được một chiến lược (cam kết cụ thể), doanh nghiệp cần tích hợp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và hành động theo cam kết đó.

Ví dụ 1 doanh nghiệp khi xác định tuyên bố về mặt quản trị theo DEI (Diversity, Equity, and Inclution) thì Doanh nghiệp phải áp dụng các nguyên tắc trên trong việc xây dựng một HĐQT và các cấp quản lý độc lập hơn để nâng cao chất lượng ra quyết định dựa trên các thông tin đa dạng nhằm hỗ trợ các nỗ lực thu hút khách hàng và mở rộng thị trường mới.

Nếu Doanh nghiệp áp dụng DEI như một tuyên bố về mặt xã hội thì doanh nghiệp phải áp dụng các nguyên tắc trên để xây dựng một chính sách tuyển dụng công bằng, tham gia gắn kết cộng đồng và có chiến lược mua sắm minh bạch phù hợp.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thế Mạnh

FILI

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin