Điểm nghẽn thể chế, vì sao vẫn khó?

Điểm nghẽn thể chế, vì sao vẫn khó?

Phát biểu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 21-10-2024, Tổng bí thư Tô Lâm nêu quan điểm: thể chế đang là điểm nghẽn của mọi điểm nghẽn. Và theo đó, gỡ điểm nghẽn thể chế, ngay từ trong giai đoạn xây dựng pháp luật được xem là yêu cầu cấp bách của Quốc hội.

vietstock s diem nghen the che vi sao van kho 20241025083520

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Môi trường đầu tư hiện nay “rất kẹt””. Ảnh: baochinhphu.vn

Thể chế và môi trường kinh doanh

Tác động trực diện đầu tiên của thể chế đối với đất nước hiện nay chắc chắn là với môi trường kinh doanh. Dù duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, GDP tăng trưởng ở mức khả quan, nhưng điểm xếp hạng về môi trường kinh doanh trong các thước đo toàn cầu vẫn ở mức kém hấp dẫn.

Đầu năm 2024, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố báo cáo khảo sát Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quí 4-2023. Bên cạnh những điểm sáng thường thấy, chất lượng pháp lý, quy định hành chính và thủ tục tiếp tục là chủ đề làm phiền lòng doanh nghiệp. 52% số người được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản hàng đầu, nêu bật ảnh hưởng của sự quan liêu đối với hoạt động kinh doanh. 34% nhấn mạnh “các quy tắc và quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau” cũng là một thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.

Gốc rễ của mọi gốc rễ, có lẽ nằm ở chỗ, quyết tâm hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường đang chậm lại trong khi các vấn đề lõi của thể chế kinh tế thị trường, vốn đang cải cách dang dở, lại là những vấn đề “khó nhằn” nhất.

Trong một phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng môi trường đầu tư hiện nay “rất kẹt”!. “Chúng ta đã đấu tranh suốt mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh nhưng bây giờ thông qua các văn bản của các bộ, ngành, địa phương đã phát sinh ra hàng ngàn thủ tục mới. Đây là vấn đề rất lớn, làm cản trở và làm ách tắc tất cả hoạt động của nền kinh tế hiện nay”.

Không có một môi trường pháp lý tốt – minh bạch, thực thi công bằng; thủ tục đơn giản thì thật khó kỳ vọng vào sự an toàn cho doanh nghiệp kinh doanh. Đất sống cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, chân chính vì thế cũng bị thu hẹp. Và hệ quả lâu dài, sẽ rất khó có một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển bền vững và đủ sức cạnh tranh với toàn cầu trong một môi trường ngày càng toàn cầu cầu hóa sâu sắc và thách thức hơn.

Vì sao thủ tục nhiêu khê, quy định bất hợp lý?

Về ngắn hạn và trực tiếp, chất lượng quy định kinh doanh rất thấp trước hết đến từ năng lực của những cơ quan soạn thảo. Trong khi nền kinh tế ngày càng phức tạp, muốn điều tiết (regulate) các ngành kinh doanh (industry) hiện hữu, đòi hỏi đồng thời năng lực hiểu biết thực tiễn về hoạt động của các ngành kinh doanh đó (tức hiểu về industry) và kỹ thuật lập pháp tốt. Tuy nhiên, trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, các bộ, ngành đang rất thiếu nhân sự đáp ứng được yêu cầu.

Tình trạng càng nghiêm trọng hơn khi “chảy máu chất xám” đang là vấn đề khu vực công phải đối mặt. Những người có năng lực, vì nhiều lý do, quyết định rời bỏ khu vực “Nhà nước”. Đã yếu lại còn thiếu, đó là hiện trạng lúc này của bộ phận nhân lực “lõi” làm công tác xây dựng quy định kinh doanh (regulation) ở các bộ.

Từ phía Quốc hội, là cơ quan lập pháp, sẽ rất khó đòi hỏi cơ quan này kiểm soát được chất lượng quy định, bởi đơn giản, chuyên môn và năng lực về xây dựng quy định (dù đưa vào luật, đưa vào nghị định) về cơ bản thuộc về cơ quan hành pháp, ở cấp bộ. Ở khía cạnh thứ hai, giám sát “giấy phép con” và thủ tục cũng là việc rất thách thức. Thách thức này đến từ hai lý do. Về mặt kỹ thuật, cần có “chuyên môn” để nhìn ra sự cài cắm vốn được ngụy trang bởi những biện minh về yêu cầu quản lý nhà nước rất dễ xuôi tai. Thứ nữa, kể cả nhìn ra rồi, sức mạnh của các nhóm lợi ích, sự chằng chịt trong các mối quan hệ lợi ích giữa các cơ quan làm chính sách, quyết định chính sách đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị lớn để xử lý.

Gốc rễ vấn đề: quyết tâm đi đến kinh tế thị trường đang chững lại

Nhưng gốc rễ của mọi gốc rễ, có lẽ nằm ở chỗ, quyết tâm hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường đang chậm lại trong khi các vấn đề lõi của thể chế kinh tế thị trường, vốn đang cải cách dang dở, lại là những vấn đề “khó nhằn” nhất.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng, trong chương trình làm việc, các vấn đề lõi của tiến trình hoàn thiện kinh tế thị trường đã được đặt ra, trong đó đáng kể là sửa đổi chính sách đất đai. Định hướng của Đảng đã đưa ra phương hướng lớn và nguyên tắc. Nhưng về lập pháp, cụ thể hóa định hướng thành các nhóm chính sách cụ thể, từ “gỡ” hạn điền để khuyến khích tích tụ đất đai, xóa thu hồi đất vì mục đích kinh tế để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, thuế bất động sản… đều là những vấn đề lớn. Và đương nhiên, về kỹ thuật lập pháp, không thể chỉ sửa Luật Đất đai mà sẽ đụng chạm đến một loạt luật khác liên quan. Bản thân Luật Đất đai năm 2024 có thực sự chạm đến, thực sự giải quyết các vấn đề lõi về quyền tài sản đất đai như vậy chưa? Câu trả lời vẫn là chưa.

Cải cách dịch vụ công cũng là một thách thức khác rất nóng ngay ở thời điểm này khi một loạt dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân đều bộc lộ vấn đề. Với y tế là bệnh viện công sai phạm; với giáo dục là “cuộc đua trường công” cho thấy những hạn chế từ gốc rễ tư duy thiết kế dịch vụ giáo dục công lập. Với nước sạch, vệ sinh môi trường là suy giảm nguồn lực công và hỗn loạn trong tổ chức thị trường hàng hóa công thiết yếu… Muốn cải cách, rõ ràng cần hiểu về triết lý, cần có tư duy hệ thống để thiết kế lại, định hình lại các nguyên tắc và tổ chức thị trường cho các loại hàng hóa công như vậy. Nếu không bắt đầu từ tư duy chính sách, sẽ thật khó để có thể gỡ những điểm nghẽn thực sự như vậy.

Cuối cùng, những thách thức kỹ thuật còn phức tạp hơn nữa khi mọi bước đi đều phải tính toán đến môi trường quốc tế, đến yếu tố địa chiến lược và địa chính trị cũng như những cam kết và ràng buộc sâu sắc trong các khuôn khổ thương mại, pháp lý mà Việt Nam ký kết tham gia.

Phía trước là gì?

Tổng bí thư đã đặt vấn đề, và hy vọng đó là nền tảng cho những quyết tâm chính trị to lớn để bắt tay vào xử lý. Các vấn đề chính sách, pháp lý phải xử lý có độ phức tạp lớn hơn, nằm trong “lõi thể chế” của cải cách, và ý chí chính trị để thực thi là điều kiện tiên quyết hàng đầu. Điều kiện đủ tiếp theo là năng lực kỹ thuật. Về ngắn hạn, tăng cường sự minh bạch và thông tin của tiến trình xây dựng quy định; cho phép sự tham gia rộng rãi và đương nhiên, có sự lắng nghe với tinh thần cầu thị để huy động chất xám của đa dạng các nhóm lợi ích từ các ngành kinh doanh trong và ngoài nước, chất xám của chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu. Đó là giải pháp tạm thời để “bù đắp” những thiếu hụt về chuyên môn, kỹ thuật của tiến trình xây dựng thể chế.

Đổi mới không bao giờ là dễ dàng nhưng sẽ làm được với động lực, với mục tiêu tối thượng là “phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân”. Người dân, doanh nghiệp đang chờ Đảng ta thực sự gỡ được những điểm nghẽn đã nói rất nhiều năm vừa qua.

An Nhiên

TBKTSG

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin