IMF cảnh báo về khủng hoảng bất động sản Trung Quốc
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 xuống còn 4.8%, thấp hơn 0.2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7, đồng thời đưa ra những cảnh báo mới về tình trạng thị trường bất động sản nước này.
Trong báo cáo công bố ngày 22/10, IMF nhấn mạnh rằng ngành bất động sản Trung Quốc có thể suy giảm nhiều hơn dự kiến, trở thành một trong những rủi ro chính đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu. Theo đó, giá bất động sản có thể tiếp tục điều chỉnh giảm trong bối cảnh doanh số và đầu tư sụt giảm.
IMF chỉ ra bài học từ các cuộc khủng hoảng bất động sản lịch sử ở Nhật Bản (thập niên 1990) và Mỹ (năm 2008). Nếu không được giải quyết kịp thời, cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc có thể dẫn đến việc giá tiếp tục giảm sâu, làm suy giảm niềm tin tiêu dùng, ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình và nhu cầu trong nước.
Trước tình hình này, chính quyền Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ. Tháng 9, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng. Các nhà lãnh đạo hàng đầu cũng tuyên bố quyết tâm ngăn chặn đà suy giảm của ngành bất động sản. Các thành phố lớn như Quảng Châu và Thượng Hải đã công bố các biện pháp nhằm kích cầu mua nhà.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lan Fo’ancòn ngầm báo hiệu về khả năng tăng nợ và thâm hụt ngân sách, cho thấy thêm nhiều gói kích thích có thể sẽ được triển khai. Bộ Nhà ở cũng thông báo mở rộng “danh sách trắng” các dự án bất động sản và đẩy nhanh cho vay ngân hàng đối với các dự án dở dang.
Pierre-Olivier Gourinchas, Chuyên gia kinh tế trưởng IMF, đánh giá các biện pháp này đang đi đúng hướng nhưng chưa đủ để thay đổi dự báo tăng trưởng 4.8% trong năm nay và 4.5% cho năm 2025. “Chúng tôi có sự căng thẳng giữa một bên là nền kinh tế không hoạt động tốt và bên kia là nhu cầu hỗ trợ. Liệu sẽ có đủ hỗ trợ không? Chúng tôi chưa biết”, ông nói.
Mặc dù Trung Quốc vừa báo cáo tăng trưởng GDP quý 3 đạt 4.6%, cao hơn dự báo 4.5%, IMF vẫn cảnh báo về các rủi ro tiềm ẩn. Theo tổ chức này, các gói kích thích để đối phó với sự yếu kém trong nhu cầu nội địa có thể tạo thêm áp lực lên tài chính công. Hơn nữa, nếu các khoản trợ cấp được sử dụng để thúc đẩy xuất khẩu, điều này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại với các đối tác của Trung Quốc.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI