Nhịp đập Thị trường 24/10: Thêm một phiên lao dốc
Thị trường ngày 24/10 mang lại nhiều nỗi buồn cho giới đầu tư khi liên tục giảm điểm, đặc biệt là phiên chiều để rồi kết thúc với mức giảm sâu. Sắc đỏ lan rộng trên toàn thị trường, điểm nhấn là nhóm cổ phiêu ngân hàng và bất động sản.
VN-Index chịu nhiều áp lực và liên tục giảm điểm trong phiên 24/10 | ||
Nguồn: VietstockFinance
|
Kết phiên 24/10, các chỉ số chứng khoán Việt Nam ngập trong sắc đỏ, với VN-Index giảm 13.49 điểm còn 1,257.41, HNX-Index giảm 1.81 điểm còn 224.69 và UPCoM-Index giảm 0.06 điểm còn 92.06. Giá trị giao dịch toàn thị trường hơn 17,070 tỷ đồng, ghi nhận tăng mạnh trong phiên chiều.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về 444 mã giảm giá, trong khi chỉ có 290 mã tăng và còn lại là 874 mã đứng giá. Dù sắc đỏ lan rộng, nhưng phần lớn tác động lên điểm số của thị trường lại nằm ở diễn biến tiêu cực của nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Dễ thấy trên bản đồ thị trường xét theo giá trị giao dịch, 3 nhóm này cùng nhau chiếm lấy những khoảng diện tích lớn, qua đó phủ màu đỏ lên thị trường.
Ở nhóm ngân hàng, nhiều cổ phiếu giảm mạnh như MBB, TPB, EIB, VPB, ACB, MSB… đặc biệt STB gần giảm sàn. Nhóm chứng khoán với những VCI, HCM, SSI, VND, VIX cũng giảm đáng kể.
Các cổ phiếu bất động sản mang đến nhiều “nỗi đau” cho giới đầu tư khi giảm rất mạnh, nổi bật với bộ ba VHM giảm 6.7%, VIC giảm 2.66% và VRE giảm 2.68%, bên cạnh loạt cổ phiếu như DXG, PDR, DIG, HDC, KBC, NLG chìm trong sắc đỏ. Số ít trường hợp khác biệt là KDH tăng 1.06% hay QCG tăng trần.
Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản tác động tiêu cực lên thị trường
Nguồn: VietstockFinance
|
Sở dĩ nói tác động của các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản lên thị trường rất lớn, vì với quy mô vốn hóa của mình, các cổ phiếu này nghiễm nhiên nằm trong top cổ phiếu tác động tiêu cực lên VN-Index.
Cụ thể, chỉ riêng VHM đã lấy đi hơn 3.1 điểm, tiếp đến là VIC và STB lấy hơn 1 điểm và loạt cổ phiếu ngân hàng, bất động sản khác. Tổng cộng, top 10 cổ phiếu này đã lấy đi hơn 9.6 điểm của VN-Index, góp phần vào 13.49 điểm đã bị “bốc hơi” hôm nay.
VHM lấy đi nhiều số của VN-Index |
Khối ngoại cũng góp sức vào phiên giảm điểm, với mức bán ròng gần 254 tỷ đồng, khá mạnh khi so sánh với các phiên gần đây. Hôm nay cũng đánh dấu phiên bán ròng thứ 10 liên tiếp, trái với kỳ vọng của giới đầu tư về một sự đảo chiều hành động.
Khối ngoại đã bán ròng 10 phiên liên tiếp |
Vừa qua, các cuộc xung đột trên thế giới gây ra nhiều nỗi lo, đồng thời NHNN bất ngờ hút tín phiếu trở lại sau gần 2 tháng tạm ngưng, do tỷ giá USD tăng mạnh.
Rút ròng tín phiếu ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, cũng như tác động lên dòng tiền trên thị trường liên ngân hàng. Dòng tiền trên các kênh đầu tư có sự liên thông với nhau, qua đó ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong ngắn hạn.
Việc đồng Bạc xanh tăng giá đến từ nhiều lý do, trong đó có việc giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất với tốc độ chậm hơn so với dự báo trước đây; dữ liệu kinh tế Mỹ khá vững mạnh khiến nỗi lo suy thoái giảm bớt; tính mùa vụ của thị trường Việt Nam trong tháng 10 bởi đây là thời điểm nhu cầu USD tăng mạnh để phục vụ nhập khẩu, sản xuất kinh doanh nhằm hướng đến xuất khẩu vào mùa Noel, đầu năm. Tuy vậy, xu hướng này có lẽ chỉ mang tính ngắn hạn.
14h10: Cổ “đất” đồng loạt giảm, thị trường gặp khó
Nối tiếp đà giảm của phiên sáng, thị trường mở cửa phiên chiều tiếp tục giảm điểm. Tính đến 14h, VN-Index giảm 5.42 điểm còn 1,265.48, HNX-Index giảm 1.14 điểm còn 225.37, UPCoM-Index giảm 0.19 điểm còn 91.93. Nhóm bất động sản đồng loạt giảm điểm tạo ra áp lực cực lớn cho các chỉ số.
Sắc đỏ lan tỏa với 425 mã giảm giá, đặc biệt các cổ phiếu bất động sản đang là một trong những nhóm giảm mạnh nhất thị trường, ở mức 1.77%. Hơn nữa, với quy mô vốn hóa lớn của mình, nhóm này cũng tạo ra vô vàn áp lực lên thị trường.
|
Nổi bật trong nhóm bất động sản là bộ ba cổ phiếu VIC giảm 1.97%, VHM giảm 3.62% và VRE giảm 1.88%, đều nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Ngoài bộ ba này, hàng loạt cổ “đất” khác cũng giảm là DXG, PDR, NLG, KBC, HDC, IDC… còn KDH hay DIG là số ít trong các trường hợp tăng giá tính đến hiện tại.
Theo chiều ngược lại, các cổ phiếu trụ như MSN, VNM, VCB dù tăng nhưng không đủ sức tạo ra sự cân bằng.
Thanh khoản thị trường có dấu hiệu tăng nhanh hơn trong phiên chiều. Về phần khối ngoại, lực bán gia tăng và nâng quy mô bán ròng lên hơn 200 tỷ đồng. Các cổ phiếu đang bị bán ròng nổi bật như HPG hơn 75 tỷ đồng, VRE hơn 53 tỷ đồng, DGC hơn 43 tỷ đồng.
Phiên sáng: Khép lại sự giằng co bằng cú “thả dốc”
Giằng co liên tục trong nửa đầu phiên sáng, rất nhanh chóng thị trường đã chấm dứt được diễn biến này, nhưng lại theo chiều hướng giảm điểm liên tục. Từ mức đỉnh phiên sáng hơn 1,274 điểm, VN-Index đã giảm một mạch 7 điểm về 1,267 điểm mà không hề có nhịp hồi đáng kể.
Nguồn: VietstockFinance
|
Diễn biến “tắm máu” được khắc họa rõ nét hơn khi độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên giảm, với 348 mã giảm cao hơn 257 mã tăng. Dễ thấy, nhiều cổ phiếu ngân hàng và bất động sản đang có diễn biến không tích cực và tác động lên thị trường.
Đối nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sự giằng co được thể hiện rõ khi top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index mang về gần 2.3 điểm, dẫn đầu bởi VNM (0.7 điểm) và VCB (0.5 điểm), còn top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực lấy đi hơn 2.1 điểm, tạo áp lực lớn kể đến VHM (0.7 điểm) và VIC (0.5 điểm).
Xét theo nhóm ngành có sự cân bằng, với 12 ngành tăng và 12 ngành giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến thị trường lại nghiêng về phe giảm.
Ở chiều tăng, 4 ngành tăng trên 1% là bán lẻ thực phẩm và nhu yếu phẩm (tăng 5.17%), vận tải (tăng 1.76%), bán dẫn (tăng 1.46%) và viễn thông (tăng 1.23%).
Còn ở chiều giảm, duy nhất ngành bất động sản giảm trên 1%, nhưng với quy mô vốn hóa lớn của mình lại đang tác động đáng kể lên điểm số thị trường. Ngoài bất động sản, ngành cũng có vốn hóa lớn là tổ chức tín dụng (chủ yếu là ngân hàng) đang giảm 0.11%.
Số ngành giảm và tăng giá ngang bằng nhau ở cuối phiến sáng
Nguồn: VietstockFinance
|
Khối ngoại tạm thời bán ròng hơn 111 tỷ đồng, tập trung bán ròng HPG hơn 48 tỷ đồng và VRE gần 37 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại tập trung mua ròng VNM hơn 54 tỷ đồng và SSI gần 45 tỷ đồng. Trường hợp tiếp tục bán ròng hôm nay, khối ngoại sẽ đánh dấu phiên bán ròng thứ 10 liên tiếp.
Diễn biến hiện tại của VN-Index có sự tương đồng với các thị trường châu Á khác. Nhìn sang Nikkei 225, Hang Sheng hay Shanghai Composite cũng bước vào pha giảm điểm ở nửa sau phiên sáng.
10h40: Giằng co với thanh khoản thấp
Thị trường tiếp tục cho thấy sự giằng co trong giai đoạn nửa đầu phiên sáng, với việc có lúc tăng lên vượt qua mốc 1,274 tỷ đồng nhưng lại nhanh chóng giảm về dưới mốc tham chiếu, thanh khoản tiếp tục thấp.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thị trường giằng co và thanh khoản tiếp tục thấp, chỉ ghi nhận hơn 3,790 tỷ đồng tính đến thời điểm 9h30, càng thể hiện tâm lý thận trọng đang bao trùm thị trường lúc này.
Trong diễn biến vô cùng trái chiều, đôi khi chỉ một chuyển động nhỏ của các cổ phiếu trụ cũng đủ tạo ra sự khác biệt về điểm số trên thị trường.
Trên bản đồ thị trường tính theo giá trị giao dịch tại thời điểm 9h30, dễ thấy nhiều “mảng” xanh và đỏ lớn đan xen. Trong đó, sắc xanh hiện diện với những EIB tăng 1.39%, SSI tăng 0.19%, VCI tăng 0.14%, HCM tăng 0.17%, VNM tăng 2.08%, MSN tăng 0.63%, HPG tăng 0.19%… Còn với sắc đỏ, những cổ phiếu nổi bật là SSB giảm 0.19%, HDB giảm 0.56%, STB giảm 0.84%, VHM giảm 1.28%…
Bản đồ thị trường xuất hiện nhiều “mảng” xanh và đỏ lớn đan xen
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong bối cảnh thị trường giằng co, khối ngoại cũng chưa thể hiện hành động rõ ràng trong phiên hôm nay.
Mở cửa: Thận trọng đầu phiên
VN-Index dao động ở gần cùng tham chiếu với sự giằng co giữa phe mua và bán, dễ thấy tâm lý thị trường đang ở trạng thái thận trọng trong những phút đầu phiên.
Tính đến 9h30, VN-Index tăng 2.46 điểm lên 1,273.36, HNX-Index tăng 0.24 điểm lên 226.74, riêng UPCoM giảm 0.13 điểm còn 91.99.
Độ rộng thị trường đang khá cân bằng, với 219 mã tăng và 181 mã giảm, còn lại 1,209 mã đứng giá. Tâm lý thận trọng còn được thể hiện qua giá trị giao dịch toàn thị trường thấp, chỉ gần 714 tỷ đồng.
Sắc xanh chiếm đa số trên các nhóm ngành, nhưng nhìn chung tăng nhẹ, chỉ có 2 ngành tăng trên 1% là vận tải tăng 1.41% và bán lẻ thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng 8.62% nhưng tỷ trọng so với quy mô thị trường không cao.
Trong số ít ngành giảm điểm, dịch vụ chuyên biệt và thương mại giảm mạnh nhất với 1%, xếp sau là bất động sản giảm 0.39%.
Huy Khải
FILI