Bán niên năm tài chính 2024, Aeon Mall Việt Nam lãi gần 410 tỷ đồng, tương ứng mức lãi 2,1 tỷ đồng một ngày, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo bán niên của năm tài chính 2024 (tháng 3-8) của Aeon Mall cho thấy, thị trường Việt Nam mang về doanh thu gần 8,2 tỷ yen (gần 1.398 tỷ đồng), tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hoạt động đạt hơn 2,4 tỷ yen (410 tỷ đồng), tăng hơn 21%. Như vậy, trung bình mỗi ngày, công ty thu về hơn 2,2 tỷ đồng lợi nhuận hoạt động.
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong tất cả thị trường Aeon Mall đang hoạt động, vượt cả quê nhà của họ là Nhật Bản. Trong số các thị trường nước ngoài, Việt Nam và Indonesia là bộ phận tăng trưởng dương, riêng Indonesia cải thiện từ lỗ 142 triệu yen sang 187 triệu yen.
Nhờ đóng góp của hai bộ phận này, lợi nhuận hoạt động tổng thể các thị trường nước ngoài kỳ này chỉ giảm nhẹ 1,4% trong khi Aeon Mall Trung Quốc giảm hơn 15%, còn Campuchia chuyển từ lãi sang lỗ 11 triệu yen.
Aeon Mall cho biết kết quả kinh doanh khả quan tại Việt Nam bắt nguồn từ hiệu suất mạnh mẽ của các cửa hàng chuyên doanh tại 6 trung tâm thương mại (chưa tính Aeon Mall Huế khai trương hồi tháng 9). Doanh số bán hàng của nhóm này đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Các khách thuê dẫn đầu đà phục hồi là nhóm bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ăn uống và rạp chiếu phim.
“Ông lớn” bán lẻ Nhật Bản đánh giá ở mặt bằng chung, tiêu dùng vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, các trung tâm thương mại của họ đã tổ chức nhiều sự kiện hợp tác với địa phương, phát hành phiếu giảm giá để sử dụng tại các cửa hàng chuyên doanh, dẫn đến doanh số bán hàng ổn định. Từ tháng 9, Aeon Mall Việt Nam sẽ tập trung tổ chức sự kiện và các chương trình bán hàng cho ngày Quốc khánh và ngày Phụ nữ Việt Nam.
Về dài hạn, Aeon Mall cho biết đang theo đuổi mục tiêu mở rộng tại các thành phố tiếp theo để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Họ dự kiến mở ba trung tâm thương mại tại Hạ Long, Thanh Hóa và Đà Nẵng.
Kết quả kinh doanh của Aeon Mall Việt Nam giúp tô đậm thêm bức tranh dần sáng màu của ngành bán lẻ. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành nổi bật nhất.
Báo cáo gần đây của Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng ở hai quý cuối năm, sự phục hồi về tiêu dùng các ngành hàng sẽ cải thiện tốt hơn nửa đầu năm khi sự lan tỏa chung của khu vực sản xuất đã bắt đầu có tác động tích cực đến thu nhập người lao động. MBS nhận thấy hai quý cuối năm sẽ là giai đoạn mở rộng của các nhà bán lẻ sau một thời gian dài đi ngang nhằm bảo vệ thị phần, trong bối cảnh sức tiêu dùng chung vẫn còn yếu.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng vẫn chưa quay về mức trước dịch (tăng trên 10%). Mức tăng 9 tháng năm nay thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với bình quân 9 tháng giai đoạn 2015-2019.
Nhóm phân tích MBS cũng lưu ý ngành hàng bán lẻ điện tử tiêu dùng vẫn đang giảm dần số cửa hàng vật lý khi nhu cầu chung có sự sụt giảm rất mạnh. Do đó, các nhà bán lẻ vẫn đang tái cấu trúc kinh doanh nhằm tối ưu chi phí, cải thiện lợi nhuận.
Tất Đạt