Các bà nội trợ thường dùng đậu xanh để nấu chè và không cho thêm thứ gì cả (độc vị). Nhưng, nếu kết hợp đậu xanh với các thực phẩm sau đây, hiệu quả nuôi dưỡng sức khỏe sẽ gia tăng gấp bội.
Đậu xanh được biết đến là thực phẩm dùng để thanh nhiệt, đặc biệt thơm ngon khi chế biến thành món chè và món súp. Ngoài ra, đậu xanh còn chứa hàm lượng dinh dưỡng vượt trội, bao gồm protein, chất chống oxy hóa polyphenolic, chất xơ cùng nhiều khoáng chất và vitamin cần thiết như canxi, sắt, phốt pho, vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin C, vitamin K, acid folic….
Theo lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Ba Đình), trong Đông y, đậu xanh vị ngọt tính mát, vào tâm, vị, tính hàn, không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan, làm sáng mắt, chữa lở loét, ung nhọt, say nắng. Thường xuyên ăn đậu xanh giúp hạ huyết áp, phòng ngừa xơ cứng động mạch, tăng cường sức khỏe gan.
Các bà nội trợ thường dùng đậu xanh để nấu chè và không cho thêm thứ gì cả (độc vị). Nhưng, nếu kết hợp đậu xanh với các thực phẩm sau đây, hiệu quả nuôi dưỡng sức khỏe sẽ gia tăng gấp bội.
Những thực phẩm rất tốt nếu nấu cùng đậu xanh
1. Đậu đỏ
Trong Đông y, đậu đỏ có vị ngọt chua, tính bình, công dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ tỳ, ích vị, lợi tiểu, tiêu phù, điều trị tiểu tiện khó, mẩn ngứa, mụn nhọt, mề đay, bệnh ngoài da. Thực phẩm này giàu vitamin B1, B2, protein và các loại khoáng chất, nếu ăn nhiều giúp bổ huyết, tăng cường chức năng tim mạch… Ngoài ra, đậu đỏ có hàm lượng chất xơ cao nên có tác dụng thúc đẩy bài tiết các chất độc hại ra khỏi cơ thể, giúp giảm cân , giữ dáng.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội): Khi kết hợp đậu xanh với đậu đỏ trong cùng một món ăn sẽ giúp gia tăng hương vị, cải thiện hiệu quả việc chăm sóc sức khỏe gấp nhiều lần. Đặc biệt, có thể dùng đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen mỗi thứ 300g, đem nấu với cam thảo, ăn cả bã lẫn nước trong vòng 7 ngày có tác dụng trị tiêu khát, giải độc, nóng, lợi tiểu, thanh nhiệt, hạ khí, phòng các chứng bệnh mùa hè.
2. Nha đam
Chè đậu xanh nha đam đường phèn là món chè giải nhiệt rất ngon trong những ngày nóng. Theo tờ Sohu (Trung Quốc), cả nha đam và đậu xanh đều tính mát, giúp thanh lọc, giảm cân nên đem lại cảm giác khoan khoái, nhẹ nhàng cho cơ thể. Đậu xanh bùi bùi, kết hợp với nha đam giòn sần sật, nước chè ngọt thanh nên đây chắc chắn là sự kết hợp rất ăn ý.
3. Bí đỏ
Thành phần vitamin A, vitamin C trong bí đỏ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện sức khỏe làn da, phòng ngừa đột quỵ , giúp giảm cân và cải thiện sức khỏe đại tràng.
Theo y học Trung Quốc, các món ăn có cả đậu xanh và bí đỏ làm giảm lượng đường trong máu, có công dụng giải nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân tiểu đường. Từ hai loại thực phẩm này có thể biến tấu ra nhiều món ăn đa dạng như cháo bí đỏ đậu xanh, chè bí đỏ đậu xanh, canh bí đỏ đậu xanh… đều rất ngon miệng và giàu dinh dưỡng.
4. Củ sen
Theo Đông y, củ sen có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ tỳ, bổ phế, cầm máu, tráng dương, an thần. Ngoài ra, củ sen là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Theo lương y Sáng, củ sen nấu chung với đậu xanh sẽ tăng cường hoạt động của dạ dày và lá lách, giúp làm ấm bụng. Đồng thời nó còn gia tăng cảm giác ngon miệng, bồi bổ cơ thể, điều hòa huyết áp, đặc biệt phù hợp cho sức khỏe bệnh nhân gan mật, người bệnh cao huyết áp.
Đối tượng nào không nên ăn đậu xanh
1. Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt
Đậu xanh có vị ngọt và lạnh, trong khi đó chị em đang trong kỳ “đèn đỏ” được khuyên không nên ăn những thực phẩm ngọt và lạnh để không làm hại tử cung , ảnh hưởng đến việc chảy máu kinh nguyệt hoặc làm nặng thêm cơn đau bụng kinh.
2. Người có vấn đề về dạ dày, thường xuyên tiêu chảy
Thành phần dinh dưỡng trong đậu xanh rất cao, thậm chí còn cao hơn thịt gà. Trong một thời gian ngắn, cơ thể khó tiêu hóa hết các chất dinh dưỡng trong đậu xanh, từ đó làm gia tăng thêm gánh nặng cho dạ dày. Ngoài ra, đậu xanh là thực phẩm tính lạnh, ăn súp đậu xanh khiến tình trạng bệnh dễ tái phát. Chính vì vậy, bệnh nhân có chức năng dạ dày kém hoặc tiêu chảy tránh ăn đậu xanh để không gây hại cho sức khỏe.
3. Người hay bị chân tay lạnh
Người mang thể hàn, biểu hiện là tay chân lạnh, thiếu sinh lực, đi ngoài phân lỏng thì không nên ăn đậu xanh vì có thể gây ra tình trạng tiêu chảy, mất nước, đau cơ khớp, khiến bệnh tình ngày một nặng.
4. Những người đang uống thuốc Đông y
Do đậu xanh có tác dụng giải độc nên có thể khiến thảo mộc trong thuốc bị hóa giải. Nếu đang uống thuốc Đông y thì tốt nhất là bạn không nên ăn chè đậu xanh để tránh làm mất tác dụng của thuốc.