Những câu hỏi phổ biến và quan trọng cung cấp kiến thức cơ bản về căn bệnh đe dọa sức khỏe của nhiều người.
Khi nói đến ung thư, đôi khi những câu hỏi đơn giản nhất lại thường không được đặt ra. Dưới đây là 10 câu hỏi phổ biến và quan trọng do ThS BS Nguyễn Tiến Đồng, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra giúp mọi người tham khảo:
1. Ai sẽ bị ung thư?
Bất kỳ ai cũng có thể bị ung thư, mặc dù nguy cơ này sẽ tăng lên theo tuổi tác. Nguy cơ mắc ung thư của bạn còn phụ thuộc vào các yếu tố như bạn có hút thuốc hay không, phụ thuộc vào lối sống của bạn như bạn ăn những gì và mức độ bạn tập thể dục ra sao, tiền sử gia đình bị ung thư như thế nào và các yếu tố liên quan đến nơi làm việc và môi trường xung quanh bạn.
2. Bệnh ung thư bắt đầu như thế nào?
Cơ thể con người được tạo thành từ nhiều loại tế bào khác nhau. Trong điều kiện bình thường, các tế bào phát triển, nhân lên, già hóa và chết đi. Sau đó, trong hầu hết các trường hợp, chúng được thay thế bằng các tế bào mới. Nhưng đôi khi các tế bào đột biến phát triển ngoài tầm kiểm soát và tạo thành ung thư.
Các khối u trong cơ thể có thể lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Các khối u ác tính có thể xâm lấn và chèn ép các bộ phận khác của cơ thể. Chúng cũng có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, tạo nên các khối u mới ở đó. Quá trình di căn này đại diện cho bệnh ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn.
3. Bệnh ung thư có di truyền không?
Đôi khi, ung thư là một căn bệnh di truyền. Điều này được lý giải do ung thư bắt nguồn từ đột biến hoặc sự thay đổi các gen kiểm soát cách các tế bào của chúng ta hoạt động, khiến chúng hoạt động không bình thường. Những đột biến này có thể được di truyền, vì chúng chiếm khoảng 5-10% tổng số các trường hợp ung thư, nhưng cũng có khả năng những thay đổi gen này xảy ra trong suốt cuộc đời của một người do tác động của các yếu tố khác ngoài di truyền.
Khi có tiền sử gia đình mắc các loại ung thư di truyền, xét nghiệm di truyền học thường được khuyến khích thực hiện.
4. Bệnh ung thư có lây không?
Không. Ung thư không giống như bệnh cúm hay truyền nhiễm. Bạn không thể mắc bệnh ung thư từ một người bệnh khác.
5. Có vắc xin phòng ngừa ung thư không?
Không có vắc xin phòng ngừa ung thư. Nhưng có vắc xin phòng ngừa một số loại virus được biết là nguyên nhân gây ung thư, chẳng hạn như virut HPV (HPV) và virut viêm gan B.
Virut HPV có thể gây ung thư và việc chủng ngừa nó có thể giúp bảo vệ bạn khỏi các loại virut HPV dẫn đến ung thư cổ tử cung, hậu môn, vòm mũi họng và dương vật, cùng với một số dạng ung thư khác. Thuốc vắc xin phòng ngừa HPV sẽ bảo vệ cơ thể khỏi nhiều chủng vi-rút HPV có khả năng gây ra các loại ung thư này.
Điều này cũng đúng trong mối quan hệ giữa việc nhiễm vi rút viêm gan B với ung thư gan. Tiêm phòng viêm gan B có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư gan. Nhưng cũng giống như vắc-xin HPV, vắc-xin viêm gan B không tự bảo vệ cơ thể chống lại ung thư gan. Nó chỉ bảo vệ chống lại loại vi rút có khả năng gây nên ung thư gan.
6. Bệnh ung thư có chữa khỏi được không?
Nếu phát hiện sớm, điều trị đúng thì bệnh ung thư hoàn toàn có khả năng chữa khỏi. Khi phương pháp điều trị ung thư có hiệu quả, bác sĩ có thể cho biết ung thư đã thuyên giảm. Sự thuyên giảm một phần xảy ra khi khối u thu nhỏ lại nhưng không biến mất. Bệnh thuyên giảm hoàn toàn có nghĩa là không còn dấu hiệu của khối u.
Khi thời gian bệnh ung thư thuyên giảm hoàn toàn càng lâu thì khả năng tái phát càng ít và đến một thời điểm nào đó, bác sĩ có thể nói rằng bệnh ung thư đã được chữa khỏi.
7. Các giai đoạn của bệnh ung thư, và ý nghĩa của chúng?
Ung thư thường có bốn giai đoạn: I đến IV (1 đến 4). Một số bệnh ung thư thậm chí có giai đoạn 0 (không). Dưới đây là ý nghĩa của các giai đoạn này:
Giai đoạn 0: Giai đoạn này có nghĩa là ung thư chỉ được tìm thấy ở nơi nó khởi phát và chưa lây lan sang các mô lân cận. Ung thư giai đoạn 0 thường được chữa khỏi hoàn toàn.
Giai đoạn I: Giai đoạn này thường biểu hiện một khối u nhỏ hoặc ung thư chưa phát triển, xâm lấn sâu vào các mô lân cận. Đôi khi nó được gọi là ung thư giai đoạn đầu.
Giai đoạn II và III: Thông thường giai đoạn này khối u đã phát triển xâm lấn sâu hơn vào các mô lân cận. Chúng cũng có thể đã lan đến các hạch bạch huyết. Tuy nhiên, chúng không lây lan đến các cơ quan hoặc bộ phận khác của cơ thể.
Giai đoạn IV: Ung thư trong giai đoạn này đã lan đến các cơ quan hoặc bộ phận khác của cơ thể. Nó có thể được gọi là ung thư di căn hoặc ung thư tiến triển.
8. Bệnh ung thư có triệu chứng không?
Đôi khi, nhưng không phải luôn luôn. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u.
Khi ung thư phát triển, nó có thể gây chèn ép các cơ quan lân cận và các cấu trúc khác. Sự chèn ép này có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng.
Một số bệnh ung thư phát triển ở những vị trí mà chúng không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn tiến triển. Ví dụ: ung thư tuyến tụy thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào cho đến khi nó phát triển đủ lớn để gây chèn ép các cấu trúc khác, gây đau hoặc biểu hiện các dấu hiệu của bệnh vàng da.
Một số dấu hiệu và triệu chứng chung của ung thư có thể bao gồm:
Giảm cân không rõ nguyên nhân
Sốt Mệt mỏi
Đau đớn
Thay đổi về da
Rối loạn đại, tiểu tiện
Xuất hiện các vết loét không lành
Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường
Dày hoặc có cục ở một phần cơ thể, chẳng hạn như vú
Nuốt vướng, táo bón
Ho dai dẳng hoặc khàn giọng
Hãy nhớ rằng có thể có những nguyên nhân khác lý giải cho những dấu hiệu và triệu chứng này. Cách duy nhất để tìm ra nguyên nhân là đến gặp bác sĩ của bạn. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện trong số những triệu chứng này và chúng không qua đi, thì đã đến lúc bạn nên đi khám bác sĩ.
9. Thuốc điều trị ung thư hoạt động như thế nào?
Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Nhưng các loại thuốc hóa trị cũng có thể gây hại cho các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến các tác dụng phụ trong điều trị.
Các loại thuốc mới hơn, được gọi là thuốc đích, tác động đến các gen hoặc protein được tìm thấy trên tế bào ung thư. Liệu pháp điều trị đích thường ít gây hại cho các tế bào khỏe mạnh hơn hóa trị.
Liệu pháp miễn dịch kích hoạt hệ thống miễn dịch của bạn để điều trị ung thư.
10. Khi nào tôi nên đi xét nghiệm ung thư?
Các khuyến nghị về các loại xét nghiệm sàng lọc và độ tuổi bạn nên thực hiện các xét nghiệm này sẽ khác nhau tùy theo từng loại ung thư. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ về thời gian và loại xét nghiệm bạn có thể cần thực hiện.
Trao đổi với các chuyên gia
Khi có thắc mắc về bệnh ung thư, điều tốt nhất bạn có thể làm là hỏi các bác sĩ hoặc chuyên gia. Biết sự thật là hết sức quan trọng.
Theo chia sẻ của do ThS BS Nguyễn Tiến Đồng, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai tại mạng xã hội Lotus