Ai sẽ cầm trịch “cuộc chơi” tỷ giá cuối năm?

Gần 10 tháng qua, thị trường ngoại tệ khá yên ắng, giống như mặt hồ phẳng lặng thi thoảng có chút gió nhưng cũng chỉ làm gợn chút sóng lăn tăn.

Thời điểm này mọi năm, tỷ giá trên thị trường thường “nóng” lên, kéo theo áp lực đối với việc điều hành chính sách của cơ quan quản lý.

Có nhiều lý do khiến cho tỷ giá biến động mạnh, có thể từ biến động của thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, hay bởi nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động thanh toán cuối năm của doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, hoạt động chốt danh mục thời điểm cuối năm của nhà đầu tư cũng khiến cho thị trường “dậy sóng”. Riêng hai năm trở lại đây, yếu tố tâm lý được nhà quản lý và các chuyên gia đưa ra đầu tiên mỗi khi nói về các đợt biến động lên xuống thất thường của đồng USD.

Năm nay, các dự báo đều cho rằng tỷ giá sẽ ở xu hướng ổn định, nếu có biến động cũng chỉ trong biên độ hẹp. Nhưng, những biến động hiện tại trên thị trường lại đang khiến không ít người e ngại xu hướng điều chỉnh tỷ giá cuối năm là khó tránh khỏi. 2 ngày qua, giá USD ngân hàng đã tăng khoảng 10-15 đồng, với giá bán ra phổ biến quanh 22.350 đồng; tỷ giá trung tâm cũng điều chỉnh tăng, riêng ngày 21/10 mức tăng 14 đồng, niêm yết tại 22.019 đồng/USD. Trong dự báo mới nhất, Vina Capital cho rằng giá USD sẽ lên 22.700 vào thời điểm cuối năm, sau khi tỷ giá tham chiếu chính thức đã tăng 0,8% kể từ đầu năm.

Tuy nhiên, ý kiến của người trong cuộc lẫn giới quan sát thị trường đều cho rằng có đầy đủ lý do để yên tâm về tỷ giá cho đến hết năm.

Thứ nhất, mặc dù là thời điểm cuối năm cận kề, nhưng tỷ giá vẫn chưa biến động đến mức cần lo ngại. Sự tăng, giảm là cần thiết của một cơ chế tỷ giá linh hoạt theo các đồng tiền thế giới, nhưng sự biến động đó vẫn nằm hoàn toàn trong biên độ mà NHNN cho phép. Hiện tỷ giá tham chiếu đang ở quanh mức 22.000 đồng, với biên độ 3% thì giá USD của ngân hàng vẫn thấp hơn mức trần tới 320 đồng.

Thứ hai, thị trường ngoại tệ “nóng” lên thường bắt đầu từ thị trường tự do, nhưng thời gian gần đây, giá USD tự do nhiều thời điểm còn thấp hơn tỷ giá ngân hàng, và hiện tại thì đang ngang mức giá USD của ngân hàng, trong ngày 21/10 là 23.330 – 23.350 đồng.

Thứ ba, NHNN vẫn đang theo dõi sát từng biến động của thị trường. Do cung cầu ngoại tệ trên ổn định nên NHNN liên tục mua vào USD để tăng nguồn dự trữ ngoại hối. Số liệu mới nhất được Thủ tướng Chính phủ công bố trước các đại biểu Quốc hội và toàn thể đồng bào trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV cho thấy hiện dự trữ ngoại hối đang ở mức 40 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Dự trữ ngoại hối dồi dào cho phép NHNN có điều kiện để bán USD ra can thiệp mỗi khi thị trường “nổi sóng”.

Chia sẻ với người viết, Phó tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần cho rằng, ngoài các yếu tố trên thì nhu cầu USD của doanh nghiệp để thanh toán cho các đơn hàng thời điểm cuối năm cũng không đáng lo ngại. Bởi lẽ với cơ chế tỷ giá trung tâm được NHNN thiết lập từ đầu năm, các doanh nghiệp đều đã có các biện pháp dự phòng rủi ro tỷ giá từ trước, họ chẳng dại gì đổ xô đi mua ngoại tệ thời điểm cuối năm khi biết chắc rằng rủi ro tỷ giá lên là rất lớn.

Giám đốc một ngân hàng thương mại Nhà nước cũng đồng thuận quan điểm trên và nhận định thêm rằng, nhu cầu mua USD để trả nợ cho những khoản vay ngắn hạn làm hàng xuất khẩu cũng sẽ không bị đẩy lên cao khi một mặt doanh nghiệp đã có dự phòng, mặt khác với tình hình hiện nay, NHNN cũng sẽ tính toán gia hạn việc cho vay USD làm hàng xuất khẩu trong năm tới.

Vị này còn khẳng định, với diễn biến của thị trường hiện tại, nhà đầu tư và giới đầu cơ không nên đánh cược tỷ giá với NHNN bởi họ có đủ cơ sở để làm chủ “cuộc chơi”.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin