TTO – Nhờ Đoàn hỗ trợ, anh Nguyễn Văn Thức vay vốn ưu đãi mở rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao từ 2017. Đến nay, doanh thu mỗi năm mang về hơn 3 tỉ đồng, trừ chi phí, tính ra mỗi tháng lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Thức – bí thư Đoàn “nói được, làm được” với nông nghiệp công nghệ cao trên mảnh đất quê mình – Ảnh: HÀ QUÂN
Thế hệ trẻ nông thôn mới có tri thức, tài năng, tư duy mới mẻ mà nếu thu hút được các bạn cùng tham gia, tôi tin sẽ có những thủ lĩnh Đoàn thế hệ mới.
NGUYỄN VĂN THỨC
“Dưa vừa được hái trong vườn đấy, giòn, ngon lắm, các bạn cứ thử rồi cho mình xin nhận xét nhé”. Vừa mời khách, anh Nguyễn Văn Thức (35 tuổi) – bí thư Đoàn xã Bảo Đài, huyện Lục Nam (Bắc Giang) – vừa chọn từng quả dưa chuột để đóng gói chuyển đi Hà Nội.
Trong nhà màng rộng hơn 2.000m2, ngoài giống dưa chuột mới đang được anh Thức thử nghiệm trồng còn có dưa lưới, măng tây cũng được áp dụng kỹ thuật trồng công nghệ cao.
Đi trước, làm trước
Khoảng 10 năm trước, khi đang làm bí thư chi đoàn, anh Thức nhận ra điều kiện đất đai, khí hậu khá phù hợp với làm nông và quê mình ngày đó cũng rộ lên các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của nước ngoài. Vẫn còn chỗ cho mình, ý nghĩ đó đánh thức anh thanh niên quê Bắc Giang lần tìm trên mạng tìm tòi kiến thức và bắt tay làm nông nghiệp trên mảnh đất quê mình.
Nhờ Đoàn hỗ trợ, anh vay vốn ưu đãi mở rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao từ 2017. Đến nay, doanh thu mỗi năm mang về hơn 3 tỉ đồng, trừ chi phí, tính ra mỗi tháng lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
Mô hình của anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 – 7 lao động, thu nhập 5 – 7 triệu đồng/tháng, đến vụ thu hoạch lại cần rất nhiều nhân công lao động thời vụ.
Niềm vui là bà con tin tổ chức Đoàn, mang sản phẩm đi giới thiệu, người ta truyền tai nhau: “Nó là cán bộ Đoàn đấy, mua của nó đi”. Đến với các hội thảo, hội nghị, anh trình bày tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo, được nghe các chuyên gia tư vấn thêm. Rồi anh được Đoàn đưa đi tham quan, học hỏi các mô hình nông nghiệp ở các tỉnh lân cận, làm rồi tìm hiểu thêm.
“Càng vỡ ra, càng thích” – anh bộc bạch. Những năm đấy, anh Thức là một trong những người đầu tiên ở Bắc Giang “đánh thức” việc trồng dưa lưới, dưa chuột kỹ thuật công nghệ cao và hướng dẫn bà con địa phương áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác. Bí thư xã đoàn Nguyễn Văn Thức sẵn sàng tư vấn về giống, kỹ thuật cho bất kỳ ai, cả chuyện vay vốn.
Anh mở luôn cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm ở địa phương, dần mở rộng ra các tỉnh. Anh cũng nhận bao tiêu 100% sản phẩm măng tây của bà con, đưa đến chợ đầu mối, siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch. Anh kết nối đưa dứa, ổi… của bà con đi tiêu thụ ở vài tỉnh lân cận.
Nói suông, ai mà tin!
Nhưng hành trình đến cơ ngơi ngày hôm nay của bí thư Đoàn xã Bảo Đài ấy đã không ít lần thất bại. Năm đầu tiên trồng dưa công nghệ cao, lũ lụt ập đến ngay kỳ thu hoạch, chỉ trong hai giờ cả vườn ngập trắng nước, vụ đó anh mất trắng 150 triệu đồng.
Nhưng khát khao làm giàu từ nông nghiệp vẫn thôi thúc anh. Ngay thời điểm nông nghiệp công nghệ cao khởi sắc, cho thu nhập tốt thì dịch COVID-19 ập đến, các cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của anh phải đóng cửa vì trong khu cách ly.
Không ngồi im chờ, anh chủ động đăng ký xe luồng xanh, ưu tiên chuyển nông sản giúp bà con vùng dịch đi các tỉnh lân cận.
“Chúng mình được các anh chị ở các tỉnh đoàn Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… hỗ trợ tiêu thụ cho bà con hơn 100 tấn dưa hấu, mấy chục tấn dưa lưới, và 10.000 quả trứng gà” – anh Thức kể.
Nhớ lại ngày rời quê lên Hà Nội, anh Thức từng nghĩ học ra trường sẽ kiếm một công việc ổn định, phát triển bản thân nhưng anh lại quyết định về quê ngay khi học xong. Cơ duyên đưa anh đến với Đoàn, gắn bó mãi đến giờ vì “Làm Đoàn vui lắm, bị cuốn vào các hoạt động tập thể, giúp đỡ cộng đồng”.
Anh hiểu rằng nếu chỉ “nói suông” sẽ khó thu hút được các bạn trẻ, chỉ có “làm thật” mới đủ minh chứng thuyết phục.
Anh làm trước để làm gương, phải sắp xếp thời gian để vừa làm tốt việc của mình vừa không chểnh mảng công tác Đoàn, học cả giao tiếp, trau dồi kiến thức để gầy dựng niềm tin. “Mình tự hạn chế tiệc tùng, vui chơi, thay vào đó tập trung làm việc, phát triển kinh tế, tạo lợi nhuận cho mình và những người xung quanh” – anh Thức chia sẻ.
Thanh niên nông thôn cần kiến thức làm kinh tế
Quan sát thực tế, anh Thức nói nhiều bạn trẻ “bỏ phố về quê” trở lại nông thôn khởi nghiệp, xây dựng quê hương đang khá phổ biến và đây là “dư địa” để Đoàn thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên cùng cống hiến.
Gửi gắm tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, bí thư Đoàn xã Bảo Đài mong muốn thanh niên nông thôn sẽ được tổ chức Đoàn, lãnh đạo các cấp quan tâm hơn nữa, giúp bổ sung kiến thức, tư duy làm kinh tế, đặc biệt hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn để có điều kiện làm ăn.
Đồng thời, hỗ trợ mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tận dụng kênh bán hàng trực tuyến để phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.