Theo CEO WiGroup, áp lực lạm phát, tỷ giá sẽ nặng lên trong thời gian tới và năm 2023, thanh khoản hệ thống ngân hàng thực sự gặp khó khăn, gây sức ép lên mặt bằng chung của nền kinh tế.
Phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Hội nghị Jackson Hole vừa qua cho thấy, lãi suất sẽ tiếp tục tăng để kiểm soát lạm phát . Từ đó làm dấy lên những thông tin dự đoán, liệu trong tháng 9 tới đây FED sẽ tăng lãi suát 0,75 điểm % hay chỉ tăng 0,5 điểm %.
Tỷ giá sẽ tiếp tục căng thẳng trong tháng tới, bởi vì tháng 9 này, FED phải hành động để sự “diều hâu” trong lời nói cũng như hành động song hành cùng nhau (ảnh minh hoạ)
Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, các chỉ số kinh tế vĩ mô đến nay không có thay đổi nhiều, nhưng có một sự thay đổi lớn là FED sử dụng công cụ “phát biểu” để điều tiết lại thị trường. Hiện thị trường đang kỳ vọng lạm phát sẽ cao và đã phản ứng rất mạnh sau khi FED phát biểu, vì thế 0,75 điểm % sẽ là mốc cần phải suy nghĩ nhiều hơn 0,5 điểm %.
Tại Việt Nam, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, các con số khá khả quan, khi tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,42% và có mức hồi phục nhanh sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Bên cạnh đó, World Bank và IMF cũng có một số báo cáo mới đánh giá khả năng năm nay Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng 7%.
Xoay quanh các chỉ số tăng trưởng, ông Báu đánh giá, tháng 8/2022 là một tháng mà các chỉ số vĩ mô tương đối tích cực, như khu vực sản xuất, tiêu dùng đều tăng trưởng tương đối mạnh. Tuy nhiên, có hai yếu tố cần nhắc đến ở đây đó là: Thứ nhất, cùng kỳ năm ngoái là thời điểm giãn cách, vì thế năm nay chúng ta không cần đạt một con số quá lớn thì vẫn có thể tăng trưởng mạnh; Thứ hai, là độ trễ của chính sách. Tất cả những chính sách thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) từ đầu năm đến nay chưa thẩm thấu đủ lớn vào nền kinh tế. Trong khi đó, thời gian độ trễ thường kéo dài từ 1-1,5 năm, vì vậy đây chưa phải là lúc chính sách thắt chặt có sự tác động và bản thân các ngân hàng vẫn có đủ thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế.
“Nếu nhìn toàn cảnh khu vực tiền tệ thì tương đối tiêu cực, thậm chí với nhìn nhận của cá nhân tôi, sang tháng 9 mọi thứ có thể sẽ tiêu cực hơn vì một số chỉ số vĩ mô bắt đầu có sự phân hóa.
Trong vĩ mô và tiền tệ có rất nhiều chỉ số, nhưng thời gian này cần tập trung vào 4 nhóm chỉ số quan trọng đó là: Lạm phát; Tỷ giá; Thanh khoản hệ thống – Lãi suất; và Sức khỏe nền kinh tế”, ông Trần Ngọc Báu cho biết.
Vị CEO cũng phân tích chi tiết từng yếu tố như sau: Một là về lạm phát, Việt Nam có chỉ số lạm phát tháng 8 nhìn chung tích cực, bởi vì giá cả tháng 8 gần như không tăng so với tháng 7. Nhưng từ tháng 9 lạm phát sẽ căng thẳng hơn với chính sách “diều hâu” của FED.
Hai là, từ vấn đề trên sẽ dẫn đến yếu tố gây “đau đầu” cho NHNN đó là tỷ giá. Nguyên nhân gây căng thẳng của tỷ giá là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ ở tất cả các kỳ hạn, từ kỳ hạn ngắn đến những kỳ hạn dài tính bằng 6 tháng, 1 năm, 2 năm thậm chí 5 năm. Trong đó, tất cả các kỳ hạn đều chênh lệch âm tương đối cao và kỳ tới đây, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm % sẽ gây áp lực lớn tới Việt Nam.
Ba là, từ sức ép trên, Việt Nam sẽ phải tiếp tục nhấc nền lãi suất thị trường II (thị trường liên ngân hàng) lên. Đồng nghĩa với việc NHNN phải tiếp tục bán USD để can thiệp thị trường, mà trong hai tháng qua, NHNN đã bán thêm 5 tỷ USD để hút về 120.000 tỷ đồng.
“Ngoài ra, tỷ giá sẽ tiếp tục căng thẳng trong một tháng tới, bởi vì tháng 9 này, FED phải hành động để sự “diều hâu” trong lời nói cũng như hành động song hành cùng nhau, được xem như công cụ đe dọa và giảm kỳ vọng lạm phát của thị trường xuống.
Đáng chú ý là giá cả của Mỹ cũng giảm chậm lại, do giá dầu đã không còn giảm nữa, giá các hàng hóa khác trên mặt bằng chung không giảm mạnh. Áp lực từ việc giá giảm chậm đến FED duy trì chính sách thắt chặt sẽ làm cho kỳ vọng về DXY (Chỉ số đo lường đồng USD với các tiền tệ khác) tiếp tục mạnh lên, trong khi Việt Nam vẫn chưa có một công cụ gì thực sự mạnh ngoài việc tăng lãi suất để kìm đà tăng của tỷ giá.
Tỷ giá căng thẳng sẽ gây tác động ngoại lai như lạm phát, trong bối cảnh chúng ta là quốc gia phải nhập khẩu để sản xuất. Nếu tỷ giá mất 2% nghĩa là tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam sẽ tăng 2%.
Năm 2023, thanh khoản hệ thống ngân hàng mới thực sự gặp khó khăn mạnh, làm cho mặt bằng chung của nền kinh tế bắt đầu áp lực hơn. Ảnh: Quốc Tuấn
Cùng với đó, đầu tư công vẫn tăng chậm. Nếu so cùng kỳ năm ngoái thì đầu tư công tăng rất mạnh, nhưng là vì đầu tư công của tháng 8/2021 đã bị chùng xuống nhiều do giãn cách. Đầu tư công là một yếu tố kích hoạt tiền cho nền kinh tế tương đối lớn, khi đẩy tiền trong kho bạc ra giúp hệ thống ngân hàng nhận thêm tiền về. Đó là một công cụ bơm tiền tốt nhất, mạnh mẽ nhất trong thời điểm hiện tại, nhưng vấn đề này còn đang tắc khiến thanh khoản hệ thống chưa được xử lý.
Một điểm nữa là lãi suất sẽ tiếp tục tăng. Mặt bằng chung các loại lãi suất đã tăng từ 4,5 lên khoảng 5,6%, còn các ngân hàng nhỏ hơn, áp lực ít hơn thì đâu đó đã tăng 0,5%. Chính việc ghìm lãi suất của hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ dẫn đến chênh lệch về tăng trưởng huy động và tín dụng rất cao”, vị CEO phân tích.
Bốn, là sức khỏe của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP quý 3 được dự báo sẽ ở mức kỷ lục, bởi vì khu vực sản xuất và chi tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái; các tổ chức cho rằng sẽ ở mức từ 10 – 12%.
Ông Báu lý giải rằng, GDP có thể tăng kỷ lục là do cùng kỳ thấp điểm, chứ không phải nội lực kinh tế thực sự mạnh. Nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy, tiêu dùng bắt đầu yếu đi trong khi cứ vào cuối năm, tiêu dùng phải tăng cao. Tuy nhiên xung lực để tăng chi tiêu bắt đầu chững lại vì cùng kỳ năm ngoái giãn cách xã hội, còn thực tế nội lực chi tiêu không tăng đáng kể.
“Vì thế, vào quý 4/2022 mọi thứ sẽ khác, thậm chí sang năm 2023 cũng phải chứng kiến một câu chuyện khác hơn nữa. Không phải cứ nhìn chỉ số GDP tăng trưởng, kinh tế tăng trưởng, sản xuất mạnh mà cho rằng sức khỏe nền kinh tế ổn định. Năm 2023, thanh khoản hệ thống ngân hàng mới thực sự gặp khó khăn mạnh, làm cho mặt bằng chung của nền kinh tế bắt đầu áp lực hơn, còn giai đoạn này vẫn chưa thẩm thấu đủ lớn với độ trễ của chính sách thắt chặt. Nếu phải dự phóng thị trường tài chính, tôi cho rằng tháng 9 sẽ không còn thị trường tốt đẹp như tháng 8”, ông Trần Ngọc Báu dự báo.
Trước sức ép thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang căng thẳng hơn, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính bày tỏ quan điểm, nội lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đã tốt hơn rất nhiều và ứng phó chủ động hơn về câu chuyện thanh khoản so với giai đoạn năm 2011-2013. Ông Long dẫn chứng thêm, một số ngân hàng hiện đang quảng cáo phát hành trái phiếu ra công chúng, thể hiện việc họ đang sử dụng các công cụ khác nhằm huy động tiền để gia tăng thanh khoản.
Đồng thời điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng đã linh hoạt, có kinh nghiệm hơn nhiều so với giai đoạn trước đó và tính nhất quán trong ổn định vĩ mô của Chính phủ Việt Nam cũng rõ nét hơn.
“Nếu nhìn vào các con số sẽ thấy thách thức lớn đặt ra cho nền kinh tế trong thời gian tới, nhưng điều quan trọng là chúng ta ứng phó như thế nào. Theo tôi mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát nhiều hơn. Đặc biệt, khi so sánh tương quan giữa thị trường chứng khoán sẽ thấy, thị trường Mỹ trong những phiên gần đây giảm điểm rất mạnh, trong khi thị trường Việt Nam mức độ giảm vẫn đỡ hơn nhiều và thanh khoản thị trường có xu hướng cải thiện hơn”, ông Long bày tỏ sự lạc quan.